Nga dễ dàng bù đắp tổn thất xe tăng, không cần dùng kho dự trữ thời Liên Xô?

ANTD.VN - Theo báo chí Nga, tình hình tổn thất xe tăng của quân đội nước này đã được giải quyết rất tốt trong thời gian qua.

Trang Topwar mới đây cho biết, các nhà máy sản xuất vũ khí thuộc tổ hợp công nghiệp quốc phòng nước này đã thể hiện năng lực rất cao, khi thực hiện tốt nhiệm vụ bù đắp tổn thất xe tăng trên chiến trường mà không cần phải sử dụng tới kho vũ khí cũ từ thời Liên Xô.

Thực tế trên còn được xác nhận bởi một báo cáo của cơ quan Tình báo quốc phòng Anh, khi họ ước tính rằng các nhà máy trên đất Nga có khả năng cung cấp ít nhất 100 xe tăng mỗi tháng cho quân đội.

Đáng chú ý, phần lớn trong số chiến xa mới là xe tăng T-90M hiện đại, quá trình sản xuất hàng loạt những chiếc MBT nói trên diễn ra vào năm 2018, cho dù gặp phải những khó khăn ban đầu nhưng mọi việc đã sớm được khắc phục một cách hiệu quả.

Theo ghi nhận trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2019, Bộ Quốc phòng Nga đã đặt mua khoảng 160 xe tăng T-90M, khi đó công việc chủ yếu là hiện đại hóa từ những khung thân T-90A có sẵn.

Lô xe tăng T-90M đầu tiên gồm 10 chiếc được bàn giao vào tháng 4 năm 2020 cho Sư đoàn bộ binh cơ giới cận vệ số 2 mang tên Tamanskaya. Tới tháng 11 cùng năm, Trường sĩ quan xe tăng Kazan và Sư đoàn Tamanskaya nhận thêm nhiều chiếc nữa.

Tới tháng 3 năm 2021, lô xe tăng T-90M thứ ba gồm 8 chiếc được bàn giao cho Lữ đoàn bộ binh cơ giới cận vệ số 27, đơn vị này nhận thêm 18 MBT khác trong tháng 8 năm 2021.

Số liệu trên cho thấy sản lượng xe tăng T-90M hàng năm trước khi chiến sự Ukraine bùng nổ là khoảng 40 chiếc, nhưng thời điểm này, nhà máy xe tăng lớn nhất của Nga là Uralvagonzavod đã mở rộng đáng kể năng lực sản xuất.

Nếu như vào năm 2023, khối lượng sản xuất xe tăng T-90M của Uralvagonzavod chỉ đạt 60 - 70 chiếc thì đến năm 2025, dự kiến con số sẽ vượt qua 90 chiếc/năm, chưa kể những dòng MBT khác được sản xuất tại nhiều nhà máy thuộc Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec.

Như vậy bất chấp lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt đã ngăn chặn quá trình nhập khẩu nhiều thành phần thiết yếu, việc sản xuất xe tăng, bao gồm cả phiên bản T-90M vẫn không bị chậm lại.

Việc Tổng thống Vladimir Putin bổ nhiệm ông Andrei Belousov làm Bộ trưởng Quốc phòng cho thấy ưu tiên tăng cường sức mạnh công nghiệp quân sự bằng cách ưu tiên giảm phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài.

Tại thời điểm tháng 12 năm 2023, Bộ trưởng Quốc phòng Nga khi đó là Đại tướng Sergei Shoigu cho biết sẽ bàn giao tới 1.530 xe tăng cho quân đội chỉ trong vòng một năm, đáng chú ý là 1.180 đến 1.280 chiến xa lấy từ kho dự trữ.

Con số trên có "độ vênh" nhất định với số liệu do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), đưa ra, nhưng cần nhấn mạnh không phải lúc nào các cơ quan nghiên cứu phương Tây cũng có số liệu chính xác về nền công nghiệp quốc phòng Nga.

Dự kiến có khoảng 1.600 xe tăng Nga vẫn còn ở các căn cứ lưu trữ, mặc dù chưa rõ tình trạng kỹ thuật của chúng. Tuy nhiên báo chí Nga khẳng định họ chưa cần dùng tới nguồn dự phòng này.

Tuy vậy theo truyền thông phương Tây, thông số mà Nga đưa ra mang nặng tính tuyên truyền và không sát với thực tế, các nhà máy không sản xuất được nhiều xe tăng thế hệ mới như họ công bố và kho dự trữ từ thời Liên Xô thực chất đang bị "vét cạn".

Điều này thể hiện rõ qua việc những chiếc T-54 và T-62 tuổi đời hàng chục năm được nhìn thấy ngày càng nhiều ngoài chiến trường, chúng thực hiện vai trò mũi nhọn xung kích thay vì chỉ làm pháo tự hành như những gì Moskva vẫn khẳng định.