Nga bất ngờ kiếm được thêm hàng tỷ USD nhờ 'năng lượng xanh'

ANTD.VN - Bên cạnh các nguồn tài nguyên hóa thạch, Nga đã từng bước tiến sâu vào thị trường 'năng lượng xanh' với trọng tâm là thị trường châu Á.

Báo chí quốc tế đánh giá,ngoài những nguồn tài nguyên hóa thạch truyền thống, Nga còn đang đẩy mạnh xuất khẩu năng lượng xanh sang châu Á khi xu thế này trở nên không thể đảo ngược.

Dự báo Moskva sẽ kiếm được hàng tỷ USD bằng cách bán những nguồn năng lượng trung tính carbon cho các khách hàng châu Á, tờ Asia Times đã viết về điều này khi xét đến triển vọng xuất khẩu nhiên liệu tái tạo của Nga.

Tạp chí của Hong Kong đánh giá, xu hướng chống biến đổi khí hậu đang buộc nhiều quốc gia phải chuyển sang sử dụng các nguồn tài nguyên sạch. Hiện tại năng lượng tái tạo như gió và mặt trời là điều họ mong muốn, nhưng chúng vẫn tỏ ra không đáng tin cậy.

Do vậy một nguồn năng lượng trung tính với carbon như khí tự nhiên đang trở thành sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp lớn trên thị trường châu Á thay vì than đá hay dầu mỏ, trong khi đây lại là một trong những thế mạnh của Nga.

Ấn phẩm Asia Times lưu ý rằng Nga đã kiếm được rất nhiều tiền từ việc cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LPG) cho Trung Quốc, đặc biệt khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington xấu đi.

Khi một cuộc khủng hoảng năng lượng xảy ra đối với Bắc Kinh, Moskva đã giúp đỡ đối tác của mình bằng cách tăng đáng kể việc cung cấp các nguồn năng lượng bổ sung cho quốc gia này.

Lần đầu tiên trong lịch sử, khí đốt đã được đưa tới cảng Thâm Quyến của Trung Quốc thông qua Tuyến đường biển phía Bắc, được sản xuất trong khuôn khổ dự án LPG Bắc Cực - Yamal của Nga.

Tương tự, Nga có thể sớm bắt đầu việc cung cấp khí đốt cho Ấn Độ thông qua hành lang biển Vladivostok - Chennai. Dọc theo tuyến đường nói trên, các sản phẩm LPG của Yamal sẽ thường xuyên đến các cảng của Ấn Độ.

Nga cũng bán một lượng lớn LPG cho Nhật Bản, mặc dù Thủ tướng Fumio Kishida đã nói rằng Tokyo sẽ dựa vào năng lượng hạt nhân, nhưng Tokyo hiện vẫn nhận khí đốt từ dự án Sakhalin II hợp tác giữa hai nước.

Với triển vọng như trên, dự kiến châu Á sẽ trở thành thị trường quan trong của năng lượng Nga với kim ngạch xuất khẩu hàng năm lên đến con số hàng tỷ USD, thậm chí còn không thua kém châu Âu vào tương lai.

Bên cạnh đó, Nga cũng đang âm thầm tiến vào thị trường điện gió và điện mặt trời - những nguồn năng lượng "xanh" hơn so với khí đốt, nhưng triển vọng để Moskva thắng các nhà thầu từ Mỹ và châu Âu là chưa cao.

Có lẽ cũng bởi nhận ra được hạn chế của mình, Nga đã chuyển hướng sang "tấn công" và nhu cầu điện hạt nhân tại châu Á, khi nhiều quốc gia nhận thấy những mà máy nhiệt điện dạng này thân thiện với môi trường hơn nhiệt điện than.

Những lo ngại về an toàn hạt nhân cũng không còn là trở ngại lớn khi công nghệ của Nga đã có bước tiến xa so với thời kỳ Liên Xô, nhiều lò phản ứng do Moskva xây dựng tại chính nước mình và một vài quốc gia khác đang hoạt động tốt là minh chứng rõ.

Nếu tiến thêm một bước vào thị trường điện hạt nhân, số tiền mà Nga thu được từ việc cung cấp "năng lượng xanh" cho khu vực châu Á thậm chí còn lên tới mức hàng chục tỷ USD.