Nga bắt được UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ, cục diện chiến trường thay đổi mạnh

ANTD.VN - Nga bắt được UAV Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất và có thể nhanh chóng khai thác bí mật về dòng vũ khí này, từ đó đề ra phương cách đối phó hữu hiệu.

Nga bắt được UAV Bayraktar TB2 là thông tin đang được quan tâm nhất hiện nay, bởi lẽ điều này có thể góp phần thay đổi cục diện tại các chiến trường có sự can dự của Moscow như Syria và Đông Ukraine.

Nguồn tin từ Avia cho biết Ankara đã nổi cơn thịnh nộ trong bối cảnh quân đội Nga không chỉ bắn hạ thành công, mà còn bắt được máy bay chiến đấu không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất

Một số nguồn tin cho biết, Nga đã phối hợp với quân đội Syria để bắn hạ và thu được máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ còn khá nguyên vẹn này.

Chiếc UAV Bayraktar TB2 được cho là bị tổ hợp phòng không tầm thấp Pantsir-S1 Nga cung cấp cho Syria "víu cổ".

Việc có trong tay chiếc UAV Bayraktar TB2 sẽ giúp Nga rất nhiều trong việc đối phó với loại vũ khí đang "làm mưa làm gió" trên chiến trường này.
Phía Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự không hài lòng với việc Nga thu giữ UAV Bayraktar TB2 của họ; mặc dù các phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng không tập trung vào chủ đề này.
UAV Bayraktar TB2 được coi là một trong các máy bay chiến đấu không người lái mạnh nhất thế giới hiện nay.
Syria là chiến trường thử lửa đầu tiên với các “nạn nhân” rất đa dạng, từ xe tăng chủ lực, xe chiến đấu bộ binh, xe bọc thép chuyển quân đến các tổ hợp phòng không.

Chiến tích cực kỳ đáng nể của UAV Bayraktar TB2 tại xung đột Nagorno-Karabakh. Đã có những báo cáo cho biết đã có khoảng 200 xe tăng bị dòng UAV này tiêu diệt trong các cuộc xung đột gần đây.

Hơn 122 UAV Bayraktar TB2 được sử dụng bởi Azerbaijan, Qatar và Ukraine cũng như lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, đã hoàn thành hơn 270.000 giờ bay.
Bayraktar TB2 (trong tiếng Thổ nghĩa là “Người cầm cờ"), đây là một máy bay chiến đấu không người lái có thể giám sát và điều khiển từ xa (bởi trạm điều khiển mặt đất) hoặc bay tự động, do công ty tư nhân Baykar Makina sản xuất cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ (TAF).
Loại vũ khí này đã tạo ra một bước đột phá trong lĩnh vực tình báo, chỉ định và cả tấn công mục tiêu.
UAV Bayraktar TB2 bắt đầu được phát triển vào năm 2007 bởi một cựu sinh viên Thạc sĩ trường MIT (Mỹ) và là con rể Tổng thống đương nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc phát triển UAV Bayraktar TB2 được thúc đẩy bởi lệnh cấm xuất khẩu UAV của Mỹ cho Thổ Nhĩ Kỳ, liên quan tới việc nước này sử dụng chúng chống lại nhóm PKK (Đảng Công nhân Kurdistan - một tổ chức chính trị và quân sự của người Kurd) trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.
Tháng 6 và tháng 8/2014, UAV Bayraktar TB2 đã lập kỷ lục thế giới về máy bay không người lái thuộc hạng chiến thuật tầm trung về thời lượng bay - 24 giờ 34 phút (ở độ cao 8km).
UAV Bayraktar TB2 thử lửa lần đầu tiên tại Syria và năm 2018, ngay sau đó chúng được sử dụng liên tục để tạo ưu thế cho lực lượng đối lập Syria được Ankara hậu thuẫn.
UAV Bayraktar TB2 có chiều dài 6,5m, sải cánh 12m, trọng lượng cất cánh tối đa 650kg, trọng tải hữu ích 150kg.

UAV này được trang bị động cơ đốt trong Rotax 912 công suất 100 mã lực, tốc độ hành trình 130km/h, tốc độ tối đa 222km/h, trần bay 8.200m, thời gian bay 25-27 giờ, bán kính điều khiển từ trạm mặt đất 150km.

Cấu hình tiêu chuẩn TB2 bao gồm mô-đun camera quang điện tử (EO), mô-đun camera hồng ngoại (IR), thiết bị, công cụ tìm kiếm và hệ thống điều khiển laser, được tích hợp phần mềm và hệ thống điều khiển tiên tiến.
Một hệ thống tấn công hoàn chỉnh của loại vũ khí này thường gồm 6 UAV, 2 trạm điều khiển mặt đất, 3 thiết bị đầu cuối dữ liệu mặt đất, 2 thiết bị đầu cuối video từ xa và thiết bị hỗ trợ mặt đất.
Vũ khí trang bị là hai tên lửa chống tăng UMTAS (nặng 37kg, đường kính 160mm, tầm bắn 500-8.000m), cũng do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển. Ngoài ra nó còn có thể mang theo bom thông minh hoặc rocket có điều khiển.
Tại chiến trường miền Đông Ukraine, mặc dù được Nga cảnh báo không sử dụng loại vũ khí này, nhưng Kiev vẫn dùng chúng để đánh phá các mục tiêu của lực lượng dân quân gây nên nhiều tổn thất.