NATO ‘giật mình’ khi bị Nga đưa 11 máy bay ném bom chiến lược áp sát căn cứ không quân

ANTD.VN - Số lượng lớn máy bay ném bom chiến lược Nga được điều động tới vùng Murmansk đã khiến giới chức quân sự NATO phải cảnh giác.

Nga đã triển khai 11 máy bay ném bom chiến lược mang tên lửa hành trình có khả năng tích hợp đầu đạn hạt nhân tới khu vực Murmansk gần biên giới với Na Uy, nơi có một căn cứ không quân quan trọng của NATO.

Thông tin trên lần đầu được đăng tải bởi ấn bản Faktisk của Na Uy, họ đưa ra bằng chứng là hình ảnh vệ tinh do công ty Planet Labs của Mỹ cung cấp.

Tờ báo Na Uy cho biết, bức ảnh được chụp vào sáng ngày 7/10/2022, cho thấy 7 chiếc Tu-160 và 4 chiếc Tu-95 tại căn cứ không quân Olenya trên bán đảo Kola.

Các chuyên gia quân sự quốc tế cho rằng sự hiện diện của các máy bay ném bom tầm xa của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga ở khu vực này có tính chất lâu dài. Theo nhận xét, Moskva đã gửi một tín hiệu đến phương Tây.

Thông thường những chiếc oanh tạc cơ chiến lược này được đặt tại căn cứ không quân Engels ở vùng Saratov, nhưng hiện nay chúng đã được di chuyển lên phía Bắc, gần với đối thủ NATO hơn.

Trong gần 2 tháng, khu vực sân bay Olenya trống không, nhưng vào ngày 21/8/2022, 4 chiếc Tu-160 đã đến đó. Tiếp theo, vào ngày 25/9/2022, có thêm 3 chiếc Tu-95 được tăng cường tới đây.

Một số chuyên gia được phỏng vấn nhận định rằng việc triển khai nhóm không quân chiến lược tầm xa ở biên giới với Na Uy có thể liên quan đến cuộc tập trận của lực lượng hạt nhân chiến lược Nga mang tên Grom, thường được tổ chức vào tháng 10.

Tuy nhiên lần gần đây nhất, thời điểm diễn ra cuộc tập trận bị hoãn lại từ tháng 10/2021 đến tháng 2/2022, gần như trùng với thời điểm bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

"Bản thân việc triển khai và tiến hành tập trận với các máy bay ném bom chiến lược là một hình thức răn đe hạt nhân, vì vậy nhìn chung có thể coi đây là một phần trong những lời cảnh báo về sử dụng vũ khí hạt nhân được Tổng thống Putin đưa ra".

Nhận xét trên được nhà phân tích quân sự người Na Uy Lars Peder Haga cho biết, đồng thời Giáo sư của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy Katarzyna Zisk cũng đồng ý với quan điểm này.

Theo Giáo sư Zisk, việc triển khai Tu-160 và Tu-95 là một phần của hệ thống ngăn chặn do Tổng thống Nga Vladimir Putin xây dựng, những phương tiện tác chiến nói trên giúp ông chủ Điện Kremlin nâng cao sức mạnh cho lời nói của mình.

Đáng chú ý là trên đất Na Uy, Không quân Mỹ cũng đã triển khai sẵn một phi đội máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer cũng có khả năng mang tên lửa hành trình lắp đầu đạn hạt nhân.

Moskva cho rằng NATO đã có động thái khiêu khích trước, vì vậy những hành động được họ triển khai hiện nay chỉ là phản ứng nhằm đáp trả đối phương, Nga khẳng định mình không phải là bên gây hấn trước.

Ngoài máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer thì trên đất Na Uy còn có nhiều chiến đấu cơ tàng hình thế hệ năm F-35 Lightning II của cả Mỹ lẫn nước chủ nhà.

Dự báo trong tương lai sẽ có những cuộc đối đầu trên không quyết liệt, với việc máy bay chiến đấu kèm sát máy bay ném bom của hai bên như trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh.