NATO có can dự trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Câu hỏi đó chưa từng được đặt ra cho tới khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công khai tuyên bố “không thể loại trừ khả năng” Liên minh quân sự NATO triển khai quân trên bộ tại Ukraine trong tương lai.
Nhiều trang thiết bị vũ khí mà NATO cung cấp cho Ukraine bị Nga thu giữ sau các cuộc xung đột ác liệt

Nhiều trang thiết bị vũ khí mà NATO cung cấp cho Ukraine bị Nga thu giữ sau các cuộc xung đột ác liệt

NATO muốn đối đầu trực tiếp với Nga?

Tuyên bố trên của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được đưa ra ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Âu ủng hộ Ukraine diễn ra tại Thủ đô Paris của Pháp ngày 26-2 vừa qua. Sau sự kiện với sự tham dự của lãnh đạo nhiều quốc gia châu Âu, ông Emmanuel Macron nhấn mạnh, các thành viên liên minh NATO “không thể loại trừ bất cứ khả năng nào”, kể cả việc triển khai quân trên bộ tại Ukraine trong tương lai.

Tuyên bố của ông chủ Điện Elysse đã gây sốc không chỉ ở châu Âu mà nhiều nơi trên thế giới. Bởi từ đầu cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine tới nay, trong suốt hơn 2 năm qua, không có bất kỳ một thành viên NATO hay một quốc gia châu Âu nào đề cập tới khả năng can dự trực tiếp vào cuộc xung đột, chứ chưa nói tới việc triển khai quân trên bộ tại đất nước đang xung đột ác liệt với Nga này. Bởi tất cả đều hiểu rằng, trực tiếp can dự vào cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng chính là trực tiếp xung đột quân sự với Nga. Nga có thể đang gặp khó khăn trong cuộc xung đột bằng vũ khí thông thường ở Ukraine, song không ai được phớt lờ thực tế quốc gia này là một cường quốc hạt nhân mạnh nhất nhì thế giới. Kho vũ khí hạt nhân của Nga có khả năng hủy diệt khủng khiếp mà bất kỳ ai cũng biết rõ điều này.

Thế nên, NATO cùng đồng minh của liên minh quân sự này dù hậu thuẫn tối đa cho Ukraine về vũ khí, trang bị trong cuộc xung đột với Nga, song vẫn rất cân nhắc trong việc cung cấp các vũ khí tầm xa có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Thậm chí, việc cung cấp vẫn kèm theo điều khoản không được dùng những vũ khí này để tấn công sang lãnh thổ Nga. NATO vẫn không muốn đối đầu trực diện với Nga. Càng không muốn xảy ra cuộc xung đột quân sự với một cường quốc hạt nhân như Nga.

Vậy, phải chăng tuyên bố của Tổng thống Emmanuel Macron về việc không loại trừ khả năng triển khai quân trên bộ tại Ukraine là câu buột miệng, lỡ lời? Thoạt đầu có thể đã có những suy nghĩ như vậy, nhưng không phải ai khác mà chính ông Emmanuel Macron đã có câu khẳng định khi tại Hội nghị thượng đỉnh tam giác Weimar cùng các nhà lãnh đạo Đức và Ba Lan diễn ra ngày 16-3 vừa qua, đã một lần nữa khẳng định “có lẽ đến một thời điểm nào đó dù không muốn nhưng phương Tây sẽ cần phải tiến hành các hoạt động trên bộ dưới bất kể hình thức nào để ngăn cản quân đội Nga”.

Khả năng NATO, chí ít là một hay vài thành viên của liên minh quân sự này, triển khai quân tới Ukraine được ông Emmanuel Macron đưa ra trong bối cảnh Ukraine sau thất bại của chiến dịch phản công vốn được kỳ vọng lớn trong mùa hè năm 2023 đã liên tiếp phải rút quân khỏi các khu vực chiến lược. Đặc biệt là mất “thành trì” Avdeevka vào tay quân Nga, là thành phố thứ hai sau khi đã buộc phải rút khỏi thành phố chiến lược Bakhmut trước đó.

Viễn cảnh Ukraine có thể thua trong cuộc xung đột với Nga là điều mà liên minh NATO không bao giờ chấp nhận. Đã có những thành viên NATO lo ngại về bước tiếp theo của Matxcơva nếu khuất phục được Ukraine. Thế nên, tuyên bố của Tổng thống Emmanuel Macron không chỉ là cân nhắc của một thành viên NATO. Cũng ông Emmanuel Macron cho biết thêm, việc đưa quân NATO vào Ukraine đang được nhiều nhà lãnh đạo châu Âu khác cân nhắc. Mặc dù nhà lãnh đạo Pháp không nêu cụ thể nhưng theo báo chí nước này, ông Emmanuel Macron đang muốn nói đến các nước Baltic, Ba Lan và Séc khi lãnh đạo các nước này gần đây liên tục có những tuyên bố như “không loại trừ việc thảo luận thêm về vấn đề này”.

Cảnh báo mạnh mẽ từ Matxcơva

Khả năng liên minh NATO đưa quân vào Ukraine, can dự trực tiếp vào cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine đang gây ra những phản ứng trái chiều nhau. Trước hết, Nga là người lên tiếng phản đối đầu tiên và mạnh mẽ nhất với tuyên bố của Tổng thống Emmanuel Macron. Matxcơva ngay từ khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine” đã coi cuộc xung đột này là một phần của cuộc chiến ủy nhiệm của liên minh do Mỹ cầm đầu với Nga. Bản thân các quốc gia phương Tây cũng công khai thừa nhận cung cấp thông tin mục tiêu và hỗ trợ lập kế hoạch cho các hoạt động quân sự của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Các nhà lãnh đạo Nga cũng nhiều lần bác bỏ truyên bố của phương Tây rằng Kiev tự đưa ra quyết định về cách thực hiện các hoạt động quân sự nhằm vào Nga. Matxcơva khẳng định, Ukraine quá phụ thuộc vào viện trợ quân sự của Mỹ và phương Tây để có thể quyết định và hành động độc lập. Tuy nhiên, sự can dự của NATO vào cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine cho tới nay, theo nhìn nhận của Matxcơva, vẫn dừng ở mức độ gián tiếp. Thế nên, một tuyên bố đề cập tới khả năng đưa quân của liên minh quân sự này vào Ukraine - trực tiếp can dự vào cuộc cung đột đã vấp phải sự chỉ trích và cảnh báo mạnh mẽ từ Nga.

Bình luận về tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh, nếu phương Tây điều quân tới Ukraine, một cuộc xung đột quân sự trực tiếp giữa NATO và Nga sẽ khó tránh khỏi. Ông Dmitry Peskov cảnh báo thêm rằng, các nước NATO phải nhận thức được điều này và “tự hỏi liệu điều đó có vì lợi ích của các nước này hay không”.

Tuyên bố mạnh mẽ nhất được đích thân Tổng thống Nga Vladimie Putin đưa ra khi cảnh báo phương Tây rằng, nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân là thực tế hiện hữu nếu gửi quân tới chiến đấu ở Ukraine. Phát biểu trước Quốc hội và người dân Nga ngày 29-2, Vladimie Putin nhấn mạnh, các quốc gia phương Tây “phải nhận ra rằng chúng tôi cũng có vũ khí có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của họ” và “điều này thực sự đe dọa một cuộc xung đột với việc sử dụng vũ khí hạt nhân và sự hủy diệt nền văn minh nhân loại”. “Họ không hiểu điều đó sao?” - nhà lãnh đạo Nga nói. Do đó, rất dễ hiểu vì sao nhiều thành viên NATO khác cũng đã ngay lập tức lên tiếng bác bỏ khả năng xem xét đưa quân trên bộ vào Ukraine như tuyên bố của Tổng thống Pháp. Nhiều nhà lãnh đạo quốc gia thành viên NATO không muốn có bất kỳ “mơ hồ” nào từ phía Nga về lập trường không can dự trực tiếp vào cuộc xung đột quân sự tại Ukraine.

Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani cảnh báo, kịch bản nếu NATO đưa quân tới Ukraine có thể gây ra Chiến tranh thế giới thứ ba, đồng thời loại trừ bất cứ khả năng về việc Roma sẽ triển khai quân để hỗ trợ Ukraine trong xung đột với Nga. Ông Antonio Tajani nêu rõ: “NATO không nên đưa quân tới Ukraine. Đó sẽ là một sai lầm. Chúng tôi cần giúp Ukraine tự vệ, nhưng việc đưa quân vào nước này để tiến hành cuộc chiến chống lại Nga đồng nghĩa với nguy cơ xảy ra Thế chiến III”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã công khai bác bỏ bất cứ khả năng nào về việc đưa quân NATO vào Ukraine. Mới đây nhất, hãng tin Bloomberg ngày 28-3 dẫn các nguồn tin riêng cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tức giận trước tuyên bố Tổng thống Emmanuel Macron về việc triển khai quân NATO đến Ukraine. Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với Bloomberg rằng, Washington tin ông Emmanuel Macron có thể khơi mào một cuộc xung đột quân sự trực tiếp giữa NATO và Nga khi đưa ra một kế hoạch như trên.