Những “lằn ranh đỏ” mong manh trong cuộc xung đột ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Câu chuyện “lằn ranh đỏ” trong mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang được bàn tán nhiều bởi điều này có thể ảnh hưởng không chỉ đến cuộc xung đột Nga - Ukraine mà còn là nguy cơ đụng độ giữa Nga với khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) dẫn tới Chiến tranh thế giới thứ 3.
Tấn công vào bán đảo Crimea có thể vượt qua “lằn ranh đỏ”, dẫn tới những phản ứng quyết liệt của Nga

Tấn công vào bán đảo Crimea có thể vượt qua “lằn ranh đỏ”, dẫn tới những phản ứng quyết liệt của Nga

Những ranh giới mong manh và nhạy cảm

Trong những tháng qua, đã có nhiều suy đoán về các “lằn ranh đỏ” của Nga cũng như hành động nào của phương Tây và Ukraine sẽ bị coi là vượt qua các lằn ranh đó. Điều này càng được chú ý hơn khi Ukraine liên tục kêu gọi phương Tây viện trợ máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa để đẩy lùi các cuộc tiến công của Nga. Nếu điều đó xảy ra, các vũ khí này sẽ có khả năng tấn công vào sâu lãnh thổ Nga. Liệu đây có phải là “lằn ranh đỏ” có thể dẫn đến phản ứng quyết liệt của Nga?

“Lằn ranh đỏ” là thuật ngữ để chỉ giới hạn, việc không được phép, ranh giới không nên vượt qua. Liên quan đến Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine, “lằn ranh đỏ” ngụ ý rằng có những giới hạn xác định mà nước này có thể chấp nhận với phương Tây và Ukraine. Nếu phương Tây và Ukraine vượt qua những giới hạn này, Nga sẽ đáp trả theo những cách mới và nguy hiểm hơn, xung đột sẽ leo thang lên một mức mới khó có thể kiểm soát.

Trên thực tế, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Nga chưa bao giờ tuyên bố một cách rõ ràng về “lằn ranh đỏ” của mình. Thường thì trước những động thái mới của Mỹ và phương Tây trong việc viện trợ các loại vũ khí mới cho Ukraine, Nga sẽ có phản ứng cụ thể. Đầu tháng 3 vừa rồi, khi một số nước phương Tây đưa máy bay chiến đấu đến đồn trú ở Ba Lan để có thể chuyển cho Ukraine, Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev đã bình luận trên mạng xã hội rằng các nước này “sẽ bị coi là các bên trực tiếp tham gia xung đột với Nga”. Ông Medvedev nhấn mạnh thêm: “Bất cứ ai quyết định viện trợ những vũ khí trên hay hỗ trợ sửa chữa chúng cùng với các huấn luyện viên quân sự, lính đánh thuê nước ngoài đều bị coi là mục tiêu tấn công quân sự chính đáng của Nga”.

Về phía Mỹ và các nước phương Tây, kể từ khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự” đặc biệt ở Ukraine, các quan chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vạch ra 2 mục tiêu chính trong chính sách của Mỹ đối với cuộc xung đột này: đầu tiên là hỗ trợ Ukraine giành ưu thế và đánh bại Nga về mặt quân sự và thứ hai là tránh một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa NATO và Nga. Mới đây, Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck khẳng định, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine hiện nay, sự hiện diện của quân đội Đức tại Ukraine là “lằn ranh đỏ” mà nước này không được vượt qua.

Điều này giải thích vì sao cách đây 1 năm, ý tưởng thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine đã vấp phải sự phản đối của Mỹ và NATO bởi việc này sẽ dẫn tới khả năng các phi công NATO sẽ phải đối đầu trực tiếp với các máy bay chiến đấu của Nga hoặc tấn công các trận địa phòng không nằm bên trong lãnh thổ của Nga. Mỹ và NATO cũng từ chối yêu cầu của Kiev được cung cấp hệ thống tên lửa lục quân chiến thuật (ATACMS) có tầm bắn 300km, đủ sức tấn công vào sâu lãnh thổ của Nga

Hiện Mỹ và NATO thực hiện các bước đi thận trọng trong các quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine để không phạm vào các ranh giới nhạy cảm. Tuy nhiên, mức độ hiện đại của các loại vũ khí này tăng dần theo thời gian. Lúc đầu, Mỹ và NATO chỉ cung cấp cho Ukraine các vũ khí phòng thủ như tên lửa chống tăng, tên lửa phòng không, pháo các loại. Theo thời gian, danh mục cung cấp cho Ukraine mở rộng sang hệ thống pháo phản lực HIMARS với tầm bắn lên tới 70 km. Hiện nay, các vũ khí mà Mỹ và NATO dự định chuyển cho Ukraine có xe tăng hạng nặng, như xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams của quân đội Mỹ, Leopard 2 của Đức và Challenger 2 của Anh. Gần đây, NATO đã bàn đến việc chuyển giao máy bay chiến đấu hiện đại như F-16 của Mỹ, Gripen của Thụy Điển cho Ukraine. Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ là bước ngoặt trong chính sách trợ giúp của Mỹ và NATO cho Ukraine.

Hệ lụy khủng khiếp từ nút thắt nguy hiểm Crimea

Theo nhà quan sát Steven Pifer, học giả tại Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ), những “lằn ranh đỏ” của Nga, vốn chưa bao giờ được tuyên bố rõ ràng, dường như ít nghiêm trọng hơn so với những lo ngại của phương Tây. Đó là lý do sự hỗ trợ quân sự của Mỹ và đồng minh cho Ukraine vẫn mở rộng mà không vượt qua giới hạn chấp nhận của Nga thời gian qua.

Tuy nhiên, nhận xét này của ông Pifer không chỉ rõ đâu là giới hạn của sự hỗ trợ quân sự này. Vì thế, theo các nhà phân tích quân sự, “lằn ranh đỏ” của Nga là giới hạn mà nước này có thể phản ứng một cách quyết liệt, chẳng hạn như sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Học thuyết răn đe hạt nhân của Nga chỉ rõ Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân “để đáp trả việc sử dụng hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại Nga hoặc các đồng minh”, cũng như “để đáp trả một cuộc tấn công thông thường đe dọa sự tồn tại của nhà nước Nga”.

Với cách diễn giải trên thì “lằn ranh đỏ” của Nga có thể là sự tham gia trực tiếp của NATO vào cuộc xung đột ở Ukraine bởi điều đó đe dọa sự tồn vong của nước Nga. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào tháng 2-2023, chuyên gia chính sách an ninh và đối ngoại Nga Alexei Arbatov đã đưa ra nhận định về các “lằn ranh đỏ” của Nga. Theo ông Arbatov, “lằn ranh đỏ” đầu tiên là “các nước NATO không trực tiếp tham gia vào xung đột dù họ cung cấp vũ khí cho Ukraine”.

Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy lập trường của NATO về việc không can dự trực tiếp vào xung đột ở Ukraine đã thay đổi. Trong bài phát biểu hôm 11-3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định: “Chúng tôi không chiến đấu với Nga ở Ukraine. Đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO sẽ dẫn đến Thế chiến thứ 3, điều mà chúng ta phải cố gắng ngăn cản”. Ukraine cũng chưa bao giờ đề nghị phương Tây hỗ trợ binh lính mà chỉ đề nghị hỗ trợ vũ khí.

Một “lằn ranh đỏ” khác với Nga là bán đảo Crimea mà Nga đã tuyên bố sáp nhập từ năm 2014. Điện Kremlin từng cảnh báo Ukraine tấn công Crimea là hành động “nguy hiểm”, có thể đưa xung đột lên một tầm cao mới và ảnh hưởng đến an ninh toàn cầu cũng như toàn châu Âu. Mỹ cũng không ủng hộ Ukraine giành lại Crimea. Khi được hỏi về quan điểm của Mỹ đối với việc hỗ trợ Ukraine giành lại bán đảo Crimea, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng

Washington “không khuyến khích” Kiev làm như vậy. Ông Blinken cho biết thêm rằng trọng tâm chính của Mỹ là hỗ trợ Ukraine ở mặt trận miền Đông Ukraine, còn vấn đề giành lại Crimea là quyết định riêng của Kiev. Theo Ngoại trưởng Mỹ, nỗ lực giành lại Crimea của Ukraine có thể vượt qua “lằn ranh đỏ” của Tổng thống Nga Vladimir Putin và khiến nước này phản ứng mạnh hơn.

Tuy nhiên, Ukraine cũng coi Crimea là “lằn ranh đỏ” không thể khoan nhượng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng tuyên bố: “Chỉ khi nào Crimea trở lại, điều đó mới đồng nghĩa hòa bình được khôi phục thực sự”. Đây chính là nút thắt lớn nhất khiến triển vọng đàm phán hòa bình để chấm dứt xung đột ở Ukraine vẫn rơi vào bế tắc. Những tuyên bố đầy cứng rắn từ cả đôi bên đối với Crimea cho thấy tính chất khó giải quyết của cuộc xung đột. Nếu giao tranh thực sự nổ ra trên bán đảo này, hệ lụy sẽ rất khủng khiếp.