Triển vọng nối lại đàm phán hòa bình Nga - Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hơn 1 năm kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, đàm phán hòa bình đang ngày càng trở thành yêu cầu cấp bách, nhất là với người dân Ukraine, nhằm giảm bớt đổ máu và khôi phục hòa bình.

Cái giá nặng nề của cuộc chiến tàn khốc

Hôm 9-3, ông Aleksey Danilov - người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraine cho biết, số lượng người dân Ukraine muốn Kiev đàm phán hòa bình với Mátxcơva đang gia tăng. Dù cho rằng đây là xu hướng đi ngược lại với chủ trương của chính phủ Ukraine nhưng quan chức an ninh cấp cao này cũng phải thừa nhận thậm chí ngay cả những người ở phía Tây Ukraine có xu hướng bài Nga cũng đang bắt đầu thảo luận về những việc như vậy. Ông Danilov chỉ ra việc một chính trị gia tại khu vực Lviv ở phía Tây được cho là đã kêu gọi Kiev ngồi vào bàn đàm phán với Mátxcơva.

Một xu hướng đáng lo ngại với triển vọng hòa bình ở Ukraine là việc Mỹ và châu Âu vẫn đẩy mạnh viện trợ quân sự cho Ukraine

Một xu hướng đáng lo ngại với triển vọng hòa bình ở Ukraine là việc Mỹ và châu Âu vẫn đẩy mạnh viện trợ quân sự cho Ukraine

Bên ngoài Nga và Ukraine, những cuộc vận động hòa đàm cũng liên tục diễn ra. Hôm 24-2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đề xuất giải pháp chính trị gồm 12 điểm khẳng định muốn ngăn khủng hoảng Nga - Ukraine vượt tầm kiểm soát, đồng thời nhấn mạnh đối thoại và đàm phán là những cách khả thi duy nhất để giải quyết xung đột. Trung Quốc mong muốn tất cả các bên liên quan nên ủng hộ Nga và Ukraine nối lại đối thoại trực tiếp càng sớm càng tốt nhằm hạ nhiệt tình hình và cuối cùng đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện. Đề xuất của Trung Quốc nêu rõ, các bên cần tuân thủ nghiêm luật pháp quốc tế đã được công nhận, trong đó có các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. Trung Quốc cũng kêu gọi từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh, theo đó các bên nên cùng có tầm nhìn về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững, đem lại hòa bình và ổn định dài hạn cho thế giới, từ đó sẽ giúp thiết lập một cấu trúc an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững.

Về phía các nước phương Tây, mặc dù thể hiện quan điểm thống nhất về sự ủng hộ vững chắc đối với Ukraine nhưng các quan chức Đức, Pháp và Anh được cho là đã đề xuất một hiệp ước an ninh hạn chế với mục tiêu thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình. Theo trang mạng Vox, giới chính trị gia ở Pháp, Đức và Anh ngày càng cho rằng Ukraine khó có thể giành lại toàn bộ lãnh thổ trong biên giới được quốc tế công nhận và cuộc xung đột có thể đi vào bế tắc. Vì thế, kế hoạch của Pháp, Đức và Anh là hứa hẹn với Ukraine về sự bảo vệ và khả năng tiếp cận vũ khí với hy vọng rằng những đảm bảo an ninh đó sẽ khuyến khích Ukraine theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình với Nga.

Mong muốn có đàm phán hòa bình ngày càng tăng lên là do những tác động tiêu cực mà xung đột Nga - Ukraine gây ra với cả hai phía. Cuộc xung đột này đã trở thành cuộc chiến tàn khốc nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Số liệu do Văn phòng cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc công bố vào tháng 1-2023 cho thấy, giao tranh kéo dài đã khiến gần 19 nghìn dân thường Ukraine thiệt mạng và bị thương, gần 13 triệu người, tức hơn 1/3 dân số Ukraine phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, nền kinh tế bị tê liệt. Ngân hàng thế giới ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraine bị thu hẹp 1/3, với thiệt hại lên tới 350 tỷ USD.

Tác động với nước Nga cũng không hề nhỏ. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã làm giảm doanh thu từ năng lượng, mặt hàng xuất khẩu chính của Nga. 300 tỷ USD dự trữ ngoài tệ của Nga ở nước ngoài bị đóng băng. Các nước phương Tây không chỉ chặn các nguồn đầu tư nước ngoài vào Nga, mà còn ngắt kết nối 3/4 lĩnh vực tài chính khiến GDP của Nga trong năm 2023 tăng trưởng -2,7%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Nga sẽ tiếp tục suy giảm trong năm 2023.

Những trở ngại ngăn cản đàm phán hòa bình Nga - Ukraine

Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine đã bước vào giai đoạn giằng co đẫm máu, tiêu hao cả vật chất lẫn sinh lực, thử thách sức chịu đựng của cả Nga và Ukraine, đưa hai bên đối đầu ngồi vào bàn đàm phán sớm ngày nào, thiệt hại sẽ bớt đi từng đó, nhất là với người dân thường. Trong quá khứ, hồi tháng 3-2022, Nga và Ukraine đã từng ngồi đàm phán dưới sự trung gian hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ. Đã có 4 vòng đàm phán diễn ra nhưng đến tháng 5 thì đàm phán đổ vỡ mà nguyên nhân như Nga cáo buộc là do có sự tác động từ phía Mỹ và phương Tây.

Nhưng đáng tiếc là hiện nay, triển vọng nối lại đàm phán hòa bình Nga - Ukraine khá mờ nhạt bởi quan điểm của Mátxcơva và Kiev vẫn đối đầu như nước với lửa. Tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký một sắc lệnh cấm đàm phán với Mátxcơva chừng nào Tổng thống Nga Vladimir Putin còn nắm quyền. Quyết định này là phản ứng của Ukraine trước việc Nga chính thức sáp nhập các vùng Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia sau khi những vùng này tổ chức trưng cầu dân ý hồi tháng 9-2022.

Gần đây nhất, trong bài phát biểu trước các quốc gia thành viên nhóm G7 vào đầu tháng 12-2022, ông Zelensky vẫn giữ lập trường cứng rắn khi đề xuất 3 bước nhằm đẩy nhanh quá trình tiến tới hòa bình trong cuộc xung đột với Nga. Theo ông Zelensky, trước hết Kiev cần được phương Tây cung cấp xe tăng, pháo, đạn pháo, cũng như nhiều pháo phản lực và tên lửa tầm xa hơn, hiện đại hơn. Bước thứ hai liên quan đến việc cung cấp viện trợ để ổn định tài chính, năng lượng và xã hội, đặc biệt là đảm bảo ngành năng lượng Ukraine trước các cuộc tấn công. Bước thứ ba sẽ thực hiện theo “công thức hòa bình”, triệu tập Hội nghị thượng đỉnh về Công thức hòa bình toàn cầu “để quyết định cách thức và thời điểm thực hiện”.

Trong khi đó, ông Dmitry Peskov - Người phát ngôn Điện Kremlin lại cảnh báo rằng “ba bước tiến tới hòa bình” do Tổng thống Zelensky đề xuất chỉ càng khiến xung đột leo thang. Điện Kremlin nhấn mạnh, Kiev phải công nhận “thực tế trên thực địa”, xem đó là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào. Các thực tế mới bao gồm tình trạng mới của các vùng Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia sau khi sáp nhập vào Nga, cũng như việc Bán đảo Crimea đã được sáp nhập từ năm 2014.

Một xu hướng đáng lo ngại nữa với triển vọng hòa bình ở Ukraine là việc Mỹ và châu Âu vẫn đẩy mạnh viện trợ quân sự cho Ukraine. Mới đầu tháng 3 vừa rồi, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo sẽ gửi một gói viện trợ quân sự mới trị giá 400 triệu USD cho Ukraine. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Mỹ đã chuyển cho Kiev số vũ khí trị giá hơn 32 tỷ USD trong số quỹ hơn 110 tỷ USD mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden phân bổ để viện trợ quân sự và kinh tế.

Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thì đang bàn với Ukraine thiết lập cơ chế điều phối cung cấp vũ khí cho nước này. Theo đó, ba bên sẽ tìm cách phối hợp, liên kết các ngành công nghiệp quốc phòng, các nhà thầu và chính phủ các nước thuộc EU và NATO nhằm đáp ứng nhu cầu vũ khí của Ukraine và bổ sung cho kho dự trữ đạn dược của các nước thành viên NATO và EU. Đây là cách tiếp cận mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho là giống với những gì châu Âu từng thực hiện để đảm bảo nguồn cung vaccine sớm trong đại dịch Covid-19. Dự kiến, EU sẽ sử dụng ngân sách chung để đặt hàng và mua tới 1 triệu quả đạn pháo, với chi phí lên tới 4 tỷ USD, cho Ukraine.