Mỹ trước nguy cơ rơi vào 'bẫy dầu mỏ' của Saudi Arabia

ANTD.VN - Mỹ có thể rơi vào "Bẫy dầu mỏ" nếu quyết tâm trừng phạt Saudi Arabia vì cắt giảm sản lượng khai thác.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman Al Saud đã cảnh báo Mỹ sẽ hứng chịu hậu quả rất nặng nề nếu theo đuổi chính sách trừng phạt Riyadh vì cắt giảm sản lượng khai thác.

Vào tháng 10/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Saudi Arabia (KSA) sẽ phải đối mặt với "hậu quả" do đã thực thi và vận động các nước OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao.

Trên truyền thông, Riyadh đưa ra những tuyên bố đậm tính ngoại giao. Nhưng Thái tử bin Salman, trong một số cuộc trò chuyện riêng tư đã đưa ra luận điệu cứng rắn hơn nhiều.

Người đứng đầu chính quyền KSA đe dọa sẽ "thay đổi hoàn toàn" mối quan hệ với Washington và giáng một đòn kinh tế nặng nề vào Mỹ, nếu các biện pháp hạn chế được thực hiện đối với vương quốc Trung Đông.

Thông tin này được tiết lộ tới báo chí khi xảy ra vụ rò rỉ dữ liệu mật của cơ quan tình báo Mỹ, tuy nhiên "lời đe dọa" của Thái tử bin Salman thì vẫn chưa rõ ràng.

Nhưng cần lưu ý, bất chấp những khác biệt, Mỹ vẫn tiếp tục hợp tác với Saudi Arabia bởi Washington coi Riyadh là một trong những đối tác quan trọng nhất ở khu vực Trung Đông.

Trước những gì diễn ra, ông Alexander Frolov - Phó Tổng giám đốc Viện Năng lượng Quốc gia, nói với tờ PolitExpert (PE) rằng đây không phải là tuyên bố chính thức từ KSA, mà chỉ là "rò rỉ tài liệu mật".

Vì vậy tính chính xác của thông tin trên nên được đặt câu hỏi. Ở cấp độ chính thức, chúng ta vẫn chỉ thấy những lời đe dọa từ Mỹ nhằm vào quốc gia Trung Đông.

“Ví dụ Washington đã thông qua luật NOPEC, cho phép chính phủ Mỹ khởi kiện chống độc quyền đối với các thành viên OPEC. Đạo luật này thực chất nhằm chống lại Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ. Đây là quan điểm chính thức của Mỹ”, ông Frolov nói.

Mỹ gần đây luôn phàn nàn về việc Nga và Saudi Arabia liên kết kiểm soát thị trường dầu mỏ. Washington thường tuyên bố rằng OPEC+ đang thao túng giá và "cần phải bị xử lý".

Người đối thoại của tờ PE lưu ý rằng khi Nhà Trắng bắt đầu can thiệp vào thị trường dầu mỏ, chẳng hạn như áp trần giá vàng đen từ Liên bang Nga, thì lại được cho là không phải hành động thao túng.

“Nhưng trên thực tế, đây là một nỗ lực nhằm gây áp lực lên thị trường dầu mỏ. Vì vậy, Mỹ đang đổ lỗi cho các khai thác và nhà sản xuất tài nguyên".

"Giờ đây, nền tảng thông tin cần thiết đang được tạo ra để không công dân Mỹ nào ngạc nhiên và đặt câu hỏi tại sao chính phủ của họ đột nhiên tấn công Riyadh (và các nước OPEC khác)", chuyên gia Frolov nhấn mạnh.

Để hiểu những hậu quả kinh tế mà Saudi Arabia có thể gây ra cho Mỹ thì cần xem xét bối cảnh của những sự kiện đang xảy ra.

Thị trường châu Á, không giống như Mỹ và Liên minh châu Âu, vẫn đang phát triển khi nhu cầu tăng cao. Ngoài ra Washington và Brussels đã mất đi một đối tác mà họ có thể mua dầu với giá rẻ đó là Nga.

Như vậy nếu Riyadh không thích hành động của Washington, họ sẽ hành động rất đơn giản là ngừng bán vàng đen cho Mỹ và quay sang Trung Quốc, đất nước Trung Đông rõ ràng đang ở thế thắng và đẩy Mỹ rơi vào "bẫy dầu mỏ", ông Frolov cho biết.

“Thị trường Mỹ ít quan trọng hơn đối với dầu của Saudi Arabia nếu đặt cạnh Trung Quốc. Nước này đã gửi 14,4% sản lượng dầu của mình sang Mỹ, trong khi quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhập lượng vàng đen nhiều gấp 4 lần".

"Dễ dàng nhận thấy thị trường nào quan trọng hơn đối với KSA. Do vậy khi Mỹ cố gắng gây áp lực, họ phải hiểu vai trò của mình trong mối quan hệ với Riyadh”, chuyên gia người Nga kết luận.