Mỹ tiếc nuối tiêm kích F-16XL khi F-16 Fighting Falcon sắp 'nhận sổ hưu'

ANTD.VN - Tiêm kích F-16XL là sự tiếc nuối lớn của Không quân Mỹ khi nó chưa được sản xuất hàng loạt bất chấp có nhiều ưu điểm.

Đã xuất hiện đề nghị Không quân Mỹ (USAF) hãy "hồi sinh" tiêm kích F-16XL nhằm giữ dòng chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon huyền thoại trên bầu trời thêm một thời gian nữa.

Hai chiến đấu cơ hạng nhẹ mang ý nghĩa biểu tượng của sự đối đầu trong Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô đó là Mikoyan MiG-29 Fulcrum và General Dynamics F-16 Fighting Falcon.

Trong gần 50 năm, F-16 đã tham gia nhiều cuộc chiến và thể hiện vị thế thống trị của USAF. Hàng chục quốc gia cũng đang vận hành những phiên bản khác nhau của chiếc tiêm kích nói trên.

Đã chứng minh năng lực trong chiến trận, tham gia vào rất nhiều cuộc xung đột, ưu điểm nổi trội của F-16 Fighting Falcon đó là nhanh nhẹn, cơ động, chi phí vận hành thấp và rất đáng tin cậy.

Nhờ những ưu điểm của mình, tiêm kích đã liên tục được hiện đại hóa để đến ngày nay, phiên bản F-16 Block 70/72 Viper vẫn được xem là chiến đấu cơ đáng sợ hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên gần đây xuất hiện thông tin về việc Không quân Mỹ sẽ loại bỏ F-16 Fighting Falcon vào khoảng năm 2025, loại máy bay chiến đấu này sẽ chính thức được "nhận sổ hưu".

Việc từ bỏ một chiến đấu cơ đã 50 tuổi khi đó là điều hợp lý, nhất là khi USAF còn hàng ngàn tiêm kích F-15 Eagle, F/A-18 Hornet, F-22 Raptor và F-35 Lightning II trong thành phần tác chiến.

Nhưng khi F-16 sắp nghỉ hưu, một câu hỏi được đặt ra đó là dự án F-16XL bị lãng quên có giúp kéo dài tuổi thọ của F-16 hay không, và liệu F-16XL có phải là lựa chọn tốt hơn so với những phiên bản Fighting Falcon hiện nay?

F-16XL là một dự án vũ khí được tạo ra vào cuối thập niên 1970, nó được xác định là máy bay chiến đấu tương lai của USAF trong cuộc cạnh tranh với F-15E Strike Eagle.

Washington khi đó đã thông qua F-15E Strike Eagle, khi các quan chức quân sự cho rằng bài toán kinh tế nên được tối ưu hóa bằng việc nâng cấp một nền tảng có sẵn, cho dù F-16XL tỏ ra không hề thua kém.

Các nguồn tin khẳng định rằng nếu Washington chọn F-16XL thì chi phí sản xuất loại máy bay chiến đấu này sẽ đắt hơn nhiều so với đối thủ lúc bấy giờ là F-15E Strike Eagle, do khung thân khác biệt.

Dễ dàng nhận thấy F-16XL là chiếc chiến đấu cơ rất đặc biệt, nó sở hữu đôi cánh cánh tam giác rộng, mang lại lực nâng lớn hơn khoảng 25% so với F-16 bản cơ sở.

Các chuyên gia quân sự cho rằng hình dạng đặc biệt của cánh, kết hợp với sức mạnh phần thân tiêu chuẩn của F-16 sẽ mang lại tốc độ và khả năng cơ động cao hơn nữa.

Điều này nghĩa là máy bay có thể hoạt động trong thời gian dài với tốc độ cao mà không chịu nhiều tác động bất lợi. Không ngạc nhiên khi những người tạo ra nó đã tham khảo ý kiến ​​của các kỹ sư NASA, sau khi họ tiến hành hơn 3.600 giờ thử nghiệm trong đường hầm gió.

F-16XL có thể đã được chuyển đổi thành máy bay ném bom cỡ nhỏ của Không quân Mỹ khi nó nhẹ hơn 272 kg so với F-16 tiêu chuẩn, nhờ vậy mang được nhiều vũ khí hơn. Trên thực tế, F-16XL đã thử nghiệm vai trò máy bay tiếp dầu nhỏ được trang bị bom.

Vẫn có ý kiến ​​cho rằng lẽ ra Washington không nên từ bỏ tiêm kích F-16XL, bởi thiết kế của nó mang lại những đặc tính ấn tượng như khả năng cơ động cao, tầm hoạt động rộng và trang bị vũ khí mạnh mẽ, đây có thể là thời điểm USAF nên suy nghĩ về việc "hồi sinh" dự án.