Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để 'bảo vệ lợi ích sống còn'

ANTD.VN - Mỹ đã có những dấu hiệu cho thấy sẵn sàng đàm phán với Nga sau tuyên bố sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để "bảo vệ lợi ích sống còn" của họ.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken mới đây cho biết, quân đội nước này sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp khẩn cấp, thông tin trên đã gây ra không ít lo ngại.

Phát biểu tại hội nghị các nước tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, ông Blinken giải thích quan điểm của Washington là cần phải bảo vệ "lợi ích sống còn".

“Miễn vũ khí hạt nhân còn tồn tại, vai trò cơ bản của nó vẫn là ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân vào nước Mỹ, cũng như vào các đối tác và đồng minh của chúng ta".

"Washington sẽ xem xét việc sử dụng vũ khí hạt nhân chỉ trong những điều kiện khắc nghiệt - nhằm bảo vệ lợi ích sống còn của bản thân cũng như và các đồng minh của chúng ta”, ông Blinken kết luận.

Nhưng sau đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẵn sàng đàm phán với Nga để thay thế hiệp ước START-3: “Hôm nay, chính quyền của tôi đã sẵn sàng đàm phán nhanh chóng về một hệ thống kiểm soát vũ khí mới sẽ thay thế cho hiệp ước START sẽ hết hạn vào năm 2026".

Theo Tổng thống Biden, Washington và Moskva đã nhất trí về sự ổn định chiến lược ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Phía Mỹ kỳ vọng rằng Liên bang Nga sẽ thể hiện sự sẵn sàng làm việc với một văn kiện mới.

Trước diễn biến trên, ông Sergey Ermakov - chuyên gia hàng đầu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga đã nói với tờ PolitExpert rằng Mỹ đang nỗ lực ngăn chặn sự leo thang của xung đột với Nga, để mối đe dọa chiến tranh hạt nhân không còn bao trùm khắp thế giới.

Đối với Mỹ, vấn đề đảm bảo an toàn hạt nhân thực sự cấp bách. Washington đã đánh giá kỹ tình hình và khả năng đáp trả của Moskva, do đó họ mới đề nghị Nga ngồi vào bàn đàm phán.

“Các cuộc tham vấn đã diễn ra ngay cả trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Khi START-3 được gia hạn lần trước, rõ ràng đây là lần cuối cùng và thế giới cần một văn kiện mới".

"Trong điều kiện hiện nay, giữa bối cảnh quan hệ giữa phương Tây và Nga ngày càng trầm trọng, sẽ rất khó đạt được mong muốn, nhưng vẫn là có thể. Các nỗ lực của cả Moskva và Washington đều nhằm vào mục tiêu này".

"Mong muốn thảo luận về giải trừ vũ khí hạt nhân là một hiện tượng khá tích cực, nhưng đó chúng ta cần xem xét các hành động sẽ được thực hiện sau những lời hùng biện như vậy”, nhà khoa học chính trị nói.

Các cuộc tham vấn về kiểm soát vũ khí hạt nhân nên luôn được diễn ra. Trong trật tự thế giới hiện đại và tương lai, vấn đề an toàn hạt nhân cần được quy định rõ ràng, chuyên gia Yermakov bình luận.

“Vì lợi ích của toàn bộ cộng đồng quốc tế cũng như với Nga, điều quan trọng là phương Tây không đưa ra bất kỳ đòi hỏi quá đáng nào trong tiến trình thỏa thuận, họ cần bình đẳng với chúng tôi".

"Moskva cũng cho rằng cần phải tuân thủ chế độ kiểm soát vũ khí. Liên bang Nga luôn minh bạch về quy định hạt nhân: Điện Kremlin là đại diện cho sự an toàn hạt nhân”, ông Yermakov nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, cũng có không ít lo ngại về khả năng Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường Ukraine nếu gặp bất lợi lớn, đây có thể là nguyên nhân dẫn tới những cảnh báo gần đây của Mỹ.