Trả lời phỏng vấn của giới truyền thông hôm thứ 7 - ngày 9/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, các công ty phương Tây vẫn hướng tới sự hợp tác kinh tế với Nga bất chấp lệnh trừng phạt, còn Moscow hoan nghênh tinh thần này và sẵn sàng mở rộng hợp tác.
Ông nhấn mạnh rằng hiện nay thành công thương mại được quyết định bởi sự hợp tác quốc tế hiệu quả, những đề án quy mô lớn tầm cỡ thế giới hầu như không thể thực hiện đơn độc. Nước nào tách ra khỏi xu hướng chung của nền kinh tế toàn cầu cũng không thể phát triển được.
Tổng thống Nga khái quát một vấn đề có tính tất yếu là ngay cả trong bối cảnh khủng hoảng chính trị hiện tại, các công ty nước ngoài và Nga đều thấu hiểu đòi hỏi khách quan của cơ chế kinh tế. Hiện nay, nắm quyền chỉ đạo trong vấn đề hợp tác luôn là chủ nghĩa thực dụng và tư duy lành mạnh, không đan xen các ý đồ chính trị.
Ông Putin đã phát biểu như trên tại nghi lễ trọng thể khởi động dự án lắp ráp giàn khoan thăm dò West Alpha trên biển Kara, được tổ chức dưới hình thức cầu truyền hình. Nguyên thủ quốc gia Nga đã phát lệnh khởi đầu đề án khoan thăm dò dầu khí do Rosneft và công ty dầu khí ExxonMobil của Mỹ cùng nhau thực hiện.
Tổng thống Vladimir Putin đánh giá sự kiện này là bước đi quan trọng trong công cuộc phát triển khai thác mỏ đầy triển vọng ở Bắc Cực. Ông cũng bày tỏ niềm tin rằng các đề án chung của Rosneft và ExxonMobil sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế hai nước.
Ông Phutin nhấn mạnh rằng Nga đánh giá cao sự hợp tác với công ty Mỹ, coi đó là đối tác đáng tin cậy. Trong thời gian qua, cùng với ông lớn dầu khí của Anh là BP, ExxonMobil vẫn tiếp tục duy trì hợp tác với Nga trong lĩnh vực dầu khí, bất chấp quyết định cấm vận của chính phủ 2 nước này.
Được biết, trong những ngày qua, chính phủ Mỹ và Liên minh châu Âu, cùng với Nhật Bản đã đưa ra hàng loạt lệnh cấm vận bổ sung nhằm vào Nga sau khi NATO tuyên bố Moscow có những động thái tăng quân dọc biên giới Nga-Ukraine, làm tình hình gia tăng căng thẳng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá, lệnh cấm vận của phương Tây khó có thể làm suy yếu nền kinh tế Nga bởi vì lệnh này chủ yếu áp đặt có hiệu quả đối với bộ phận nhỏ của nền kinh tế Nga, còn các công ty lớn của Mỹ và EU vẫn tiếp tục hợp tác, bất chấp lệnh trừng phạt, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí.