Mỹ lần đầu điều chiến hạm tác chiến ven bờ lớp Freedom đến châu Âu

ANTD.VN -  Mỹ lần đầu tiên điều tàu USS Sioux City đến châu Âu, được biết đây là chiến hạm tác chiến ven bờ lớp Freedom và chúng đang sắp bị loại biên.

"Tàu USS Sioux City là chiến hạm tác chiến ven bờ lớp Freedom đã được triển khai đến khu vực hoạt động của Hạm đội 6, nhằm hỗ trợ lợi ích của Mỹ, đồng minh NATO và các đối tác tại châu Âu, châu Phi. Đây là thời khắc lịch sử với khu vực", Hạm đội 6 hải quân Mỹ ra thông cáo cho biết hôm 5/5.

Đây là lần đầu tiên hải quân Mỹ điều chiến hạm tác chiến ven bờ (LCS) tới châu Âu. Hải quân Mỹ cho biết đợt triển khai là cơ hội để thủy thủ đoàn USS Sioux City tích lũy kinh nghiệm tại khu vực mà các tàu chiến đấu ven biển chưa từng xuất hiện.

Hình ảnh do lực lượng này công bố cho thấy USS Sioux City di chuyển trên Đại Tây Dương cùng tàu khu trục USS Paul Ignatius hôm 4/5. Chưa rõ USS Sioux City cùng hai trực thăng MH-60S phối thuộc sẽ thực hiện nhiệm vụ gì tại châu Âu.

Chiến hạm này trước đó chỉ làm nhiệm vụ chống tội phạm ma túy ở vùng Caribe và Đông Thái Bình Dương.

Chuyến triển khai diễn ra trong bối cảnh hải quân Mỹ muốn loại biên 9 chiến hạm tác chiến ven bờ lớp Freedom, trong đó có USS Sioux City, dù chúng mới được đưa vào biên chế vài năm.

Chiến hạm tác chiến ven bờ sử dụng vật liệu nhẹ để giảm mớn nước, từ đó cho phép chúng hoạt động ở vùng biển nông gần bờ. Nhưng chính điều này khiến LCS dễ bị đe dọa bởi các hệ thống phòng thủ bờ của đối phương. Ngoài ra chi phí đắt đỏ khi hoạt động, đây là lý do khiến Mỹ quyết định loại biên chúng.
USS Freedom và USS Independence được chế tạo với các tiêu chuẩn khác biệt với những chiến hạm LCS còn lại, khiến khả năng vận hành chiến đấu của chúng càng bị hạn chế.
Mỹ bắt đầu chương trình LCS từ năm 2004, khi đó chiến hạm loại này được đánh giá có thiết kế hiện đại, giá rẻ, linh hoạt và tối ưu cho nhiệm vụ tuần tra các vùng biển nông gần bờ, có giao thông hàng hải nhộn nhịp như ở Trung Đông. Chúng được kỳ vọng sẽ trở thành trụ cột trong lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới vào năm 2025.
Vấn đề lớn nhất với chương trình LCS là khái niệm tác chiến. Hải quân Mỹ đầu tư hàng tỷ USD mỗi năm để đóng tàu LCS, nhưng lại không xác định rõ cách sử dụng chúng trong thực tế. Do thiết kế vội vã, lớp tàu này cũng liên tiếp gặp vấn đề với kết cấu và hệ thống cơ khí.
Các tàu chiến trước đó của hải quân Mỹ được chế tạo rất vững chãi để giảm thiệt hại trong chiến đấu, trong khi LCS sử dụng vật liệu nhẹ để tiết kiệm chi phí và giảm mớn nước, cho phép chúng hoạt động ở vùng biển nông gần bờ. Đây vô tình lại là điểm yếu chí tử đối với tàu chiến.
Báo cáo ngân sách của hải quân Mỹ hồi năm ngoái cho thấy mỗi tàu lớp Freedom có chi phí vận hành khoảng 70 triệu USD/năm, gần bằng mức 81 triệu USD của tàu khu trục lớp Arleigh Burke, trong khi tàu LCS có năng lực tác chiến thua kém rõ rệt.
Thiết kế nguyên gốc của lớp Freedom chỉ có thủy thủ đoàn chỉ 40 người, đây là một phần nguyên nhân khiến chi phí bảo dưỡng tăng cao, do các nhà thầu dân sự phải làm nhiều công việc hơn khi tàu lên ụ bảo dưỡng, thay vì những đầu việc mà thủy thủ có thể thực hiện trong quá trình làm nhiệm vụ.
Do là loại tàu chiến đấu ven bờ, chiến hạm tác chiến ven bờ lớp Freedom được thiết kế với các đặc điểm: nhỏ, nhanh, linh hoạt; dựa trên các module có thể thay thế; đa nhiệm; có khả năng tàng hình; liên kết với hệ thống quản lý tác chiến thống nhất.
Điểm độc đáo của các tàu là không gian trống chiếm tới 40% diện tích, khi cần thiết sẽ nhanh chóng được bổ sung các module vũ khí phù hợp cho nhiệm vụ tác chiến chống ngầm, chống hạm hoặc phòng không.
Tàu được trang bị hệ thống điện tử rất hiện đại bao gồm radar tìm kiếm mục tiêu TRS-3D được thiết kế đặc biệt cho các hoạt động ở ven bờ.
Chiến hạm lớp Freedom còn có hệ thống dữ liệu chiến đấu COMBATSS-21, hệ thống chiến tranh điện tử Argon ST WBR-2000 và hệ thống mồi bẫy hồng ngoại Terma A/S SKWS.

Tàu được các bị các loại vũ khí hiện đại bao gồm pháo hạm Mk 110 57mm với tầm bắn 14km, tốc độ bắn 220 phát/phút.

Hệ thống pháo bắn nhanh Mk44 Bushmaster II cỡ 30mm, hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp RIM-116 có tầm bắn hiệu quả 9km.

Để chống ngầm cũng như tàu chiến mặt nước, chiến hạm lớp Freedom được trang bị các cụm phóng ngư lôi đặt ở hai mạn sườn của tàu.

Tàu có thể tác chiến linh hoạt với trực thăng đa năng MH-60 Seahawk và trực thăng không người lái MQ-8 Fire Scout để đối phó với tàu chiến của kẻ thù, nhờ hệ thống quản lý chiến đấu hiện đại.
Giới quan sát cho rằng việc Mỹ triển khai tàu chiến USS Sioux City vốn chỉ có năng lực tác chiến ven bờ tới châu Âu được cho là có liên quan đến tình hình chiến sự đang diễn ra ở Ukraine. Hiện Washington vẫn đang trợ giúp nguồn vũ khí khổng lồ cho Kiev để kháng Nga.