Mỹ bỏ xa Nga khi F-35 được tích hợp tên lửa siêu thanh HAWC

ANTD.VN - Tên lửa siêu thanh HAWC sẽ giúp nâng cao đáng kể năng lực tấn công tầm xa của tiêm kích tàng hình F-35, thậm chí còn vượt xa mọi đối thủ đến từ Nga.

Thông qua việc tích hợp tên lửa siêu thanh HAWC (Hypersonic Air-Breath Weapon Concept) có tốc độ Mach 10, tiêm kích F-35 sẽ có năng lực tấn công tầm xa cực kỳ đáng gờm.

Hiện nay xu hướng đưa tên lửa siêu thanh lên tiêm kích để thực hiện đòn tấn công tầm xa đang trở thành trào lưu được nhiều cường quốc quân sự trên thế giới theo đuổi mà dẫn đầu là Nga với Kh-47M4 Kinzhal trang bị cho MiG-31K, hay Israel đưa Rampage lên F-15/16.

Theo đà phát triển, những quốc gia trên còn có ý định sẽ tích hợp vũ khí này cho tiêm kích tàng hình thế hệ 5 nhằm mở rộng khả năng tấn công mặt đất - mặt biển của chúng, tiêu biểu là Nga đã manh nha ý định gắn "Dao găm" cho Su-57 trong tương lai.

Tuy nhiên trong lúc này dự định trên của Nga vẫn chỉ ở dạng ý tưởng vì còn nhiều khó khăn cần giải quyết, vấn đề lớn nhất chính là trọng lượng quá nặng của quả đạn, chính sự chậm trễ của Nga đã vô tình tạo cơ hội cho Mỹ vượt qua.

Tập đoàn chế tạo vũ khí Lockheed Martin mới đây đã đăng tải trên website của họ hình ảnh đồ họa tiêm kích F-35C (phiên bản triển khai trên tàu sân bay) mang theo một dòng vũ khí tấn công thế hệ mới ở dưới cánh. Đây được cho chính là tên lửa siêu thanh HAWC.

Căn cứ thông tin được công khai, tên lửa siêu thanh HAWC sẽ sớm đi vào trực chiến ngay trong năm nay. Tên lửa hành trình mới có khả năng đạt tốc độ bay tới Mach 10 và mỗi tiêm kích F-35C có thể mang theo 2 đạn tên lửa ở dưới cánh.

Hiện tại, không rõ tên lửa HAWC có thể mang theo đầu đạn loại gì và khối lượng là bao nhiêu nhưng thông qua việc mang được 2 đạn thì F-35 đã vượt qua Su-57.

Lý do là bởi máy bay Nga chắc chắn sẽ chỉ mang được 1 quả Kh-47M2 Kinzhal ở điểm treo giữa thân như MiG-31K do trọng lượng quả đạn quá nặng vì được hoán cải từ tên lửa đạn đạo Iskander-M.

Kích thước quá lớn của quả đạn còn gây nhược điểm khác, đó là làm Su-57 mất hoàn toàn khả năng tàng hình khi làm tăng vọt diện tích phản xạ radar.

Tập đoàn Lockheed Martin còn cho biết thêm rằng ngoài việc trang bị cho tiêm kích F-35C bố trí trên tàu sân bay, trong tương lai gần, tên lửa HAWC sẽ được tích hợp trên mọi phiên bản F-35 gồm cả F-35B cho Thủy quân Lục chiến.

Bên cạnh đó, tên lửa HAWC cũng sẽ xuất hiện trên nhiều dòng máy bay chiến đấu khác của Mỹ như F/A-18E/F Super Hornet, P-8A Poseidon hay các oanh tạc cơ B-1 Lancer hoặc B-52H.

Cần nhắc lại, nguồn gốc của tên lửa hành trình siêu thanh HAWC là một trong những sản phẩm thuộc chương trình phát triển vũ khí tương lai theo đơn đặt hàng của Quân đội Mỹ.

Chương trình này được phát triển song song cùng dự án vũ khí lượn siêu thanh thế hệ mới Tactical Boost Glide (TBG) được thiết kế để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương và được hệ thống phòng không bảo vệ.

Trong năm 2018, Lầu Năm góc đã chi cho Tập đoàn Lockheed Martin 928 triệu USD để hoàn thiện HAWC với vai trò là vũ khí tấn công dành cho hải quân và hiện tại chương trình nghiên cứu chế tạo này đã về tới đích.