Mỹ bác tin khu trục hạm USS Benfold bị Trung Quốc 'xua đuổi' gần Hoàng Sa

ANTD.VN - Hải quân Mỹ bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về triển khai lực lượng "xua đuổi" khu trục hạm USS Benfold mang tên lửa hành trình Tomahawk áp sát Hoàng Sa ngày 20/1/2022.

Ngày 20/1, khu trục hạm USS Benfold (DDG-65) thuộc Hạm đội 7 của Mỹ thực hiện hoạt động tự do hàng hải (FONOP) gần quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.

Cùng ngày, Bộ Chỉ huy Chiến khu Nam bộ của Trung Quốc thông báo đã cho các đơn vị hải quân và không quân theo dõi, xua đuổi tàu USS Benfold.

Đáp lại, trong thông cáo được cập nhật, Hạm đội 7 của hải quân Mỹ cho rằng, tuyên bố của Trung Quốc về hoạt động của tàu Benfold ngày 20/1 là sai sự thật.

"Tuyên bố của Trung Quốc về chuyến tuần tra này là sai sự thật. USS Benfold thực hiện chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) theo quy định của luật pháp quốc tế và tiếp tục các hoạt động bình thường trong vùng biển quốc tế", Hạm đội 7 hải quân Mỹ cho biết.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố "xua đuổi" chiến hạm Mỹ trên Biển Đông nhưng bị Washington phủ nhận.
"Tuyên bố của quân đội Trung Quốc là động thái mới nhất trong nỗ lực diễn giải sai các hoạt động hàng hải hợp pháp của Mỹ, cũng như đòi yêu sách hàng hải phi lý và bất hợp pháp của họ tại Biển Đông, bất chấp quyền của các nước láng giềng ở Đông Nam Á", Hạm đội 7 Mỹ cho biết thêm.
Hạm đội 7 cho rằng hành vi của Trung Quốc trái ngược với cam kết của Mỹ trong tuân thủ luật pháp quốc tế và tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Mỹ thường xuyên triển khai chiến dịch FONOP ở Biển Đông để thách thức các yêu sách lãnh thổ phi lý của Trung Quốc.

Mỹ và cộng đồng quốc tế phản đối Trung Quốc vẽ ra "đường cơ sở thẳng" bao quanh toàn bộ vùng biển trong các chuỗi đảo ở Biển Đông.

Khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Benfold thường được Mỹ cử đi vòng quanh quần đảo Hoàng Sa, sau đó tiếp tục hoạt động ở Biển Đông nhằm đảm bảo tự do hàng hải theo thông lệ quốc tế.
Chiếc USS Benfold được đặt ky đóng mới từ tháng 9/1993, tới tháng 11/1994 được hạ thủy và bắt đầu chính thức gia nhập Hải quân Mỹ, từ tháng 3/1996.
Tới nay dù đã 25 năm tuổi, tuy nhiên khu trục hạm USS Benfold cùng toàn bộ các tàu chiến lớp Arleigh Burke, vẫn được coi là xương sống của Hải quân Mỹ.

USS Benfold có độ giãn nước tối đa 8.900 tấn, dài 154 mét, lườn rộng 18 mét và có mớm nước 9,4 mét.

Tàu được trang bị 3 động cơ Rolls Royce AG9130F cùng hai trục dẫn động, cho phép di chuyển được với tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ - tương đương với khoảng 56 km/h.

Biên chế thủy thủ đoàn trên tàu USS Benfold bao gồm 33 sĩ quan chỉ huy, 38 chỉ huy cùng 210 thủy thủ đoàn.

Giống như mọi tàu chiến lớp Arleigh Burke khác của Hải quân Mỹ, tàu USS Benfold có hệ thống vũ khí rất đa dạng và nguy hiểm.

USS Benfold được trang bị hệ thống vũ khí cực mạnh gồm: Một pháo hạm 127 mm, 96 ống phóng thẳng đứng VLS M41 với 32 phía trước và 64 phía sau. 8 tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon, 2 hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx 20 mm, 2 cụm phóng ngư lôi.
Ngoài ra, hệ thống Mk41 có thể phóng tên lửa hành trình tấn công mặt đất BGM-109 Tomahawk tầm bắn 2.500 km, tên lửa chống ngầm RUM-139 VL Asroc.
2 bên hông tàu được lắp 2 cụm phóng ngư lôi hạng nhẹ Mk32 324 mm. Hệ thống này có thể phóng ngư lôi Mk46 tầm bắn 10 km, hoặc Mk54 tầm bắn 15 km.
Cảm biến chính trên tàu là radar quét mảng pha điện tử thụ động AN/SPY-1. Radar này có khả năng phát hiện mục tiêu cỡ quả bóng golf ở cự ly 300 km.
"Trái tim" của Lassen là hệ thống chiến đấu tối tân Aegis được thiết kế để đối phó với các mối đe dọa khác nhau, đặc biệt là tính năng phòng thủ tên lửa liên lục địa BMD.
Cảm biến tiên tiến, hỏa lực cực mạnh, USS Benfold sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với tham vọng phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.