Mỹ âm thầm mua khối lượng kỷ lục uranium làm giàu từ Nga bất chấp lệnh trừng phạt

ANTD.VN - Bất chấp đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu uranium làm giàu từ Nga, Mỹ vẫn âm thầm mua gom mặt hàng trên với khối lượng rất lớn.

Hãng thông tấn RIA Novosti cho biết, vào tháng 5/2024, Mỹ đã mua khối lượng uranium làm giàu lớn kỷ lục, lên tới 91,1 tấn U-235 từ Nga với trị giá 209,5 triệu USD.

Đây là giá trị lớn nhất kể từ tháng 3/2023, khi Nga cung cấp 245,9 triệu USD nhiên liệu hạt nhân cho Mỹ. Với thực tế trên, Moskva đứng thứ ba về doanh số bán U-235 cho Mỹ trong khoảng thời gian được mang ra tham chiếu.

Như vậy Washington đã tăng cường mua U-235 có nguồn gốc từ Moskva lên mức tối đa hàng năm, hãng thông tấn RIA Novosti cho biết trong một bài phân tích sau khi trích dẫn dữ liệu mới nhất từ ​​Cục Thống kê Mỹ.

Căn cứ vào số liệu thống kê, trong tháng 5/2024, Trung Quốc đứng đầu về khối lượng U-235 cung cấp cho Mỹ với giá trị 323,6 triệu USD, trong khi đó Pháp giữ vững vị trí thứ hai với kim ngạch xuất khẩu U-235 là 245,4 triệu USD.

Tổng cộng trong tháng 5 vừa qua, Mỹ đã mua khối lượng U-235 với giá trị lớn nhất mọi thời đại - lên tới 987 triệu USD. Ngoài ra lần đầu tiên kể từ tháng 7/2015, việc nhập khẩu được thực hiện từ tất cả các nhà cung cấp lớn.

Trong danh sách nói trên, vị trí thứ tư trong tháng 5/2024 thuộc về Đức khi họ cung cấp U-235 cho Mỹ với giá trị 96,8 triệu USD, đứng thứ năm là Hà Lan - 63,3 triệu USD, tiếp đến là Vương quốc Anh - 38 triệu USD.

Bên cạnh đó, theo ghi nhận thì còn có những đợt giao hàng với quy mô nhỏ trong tháng 5/2024 bởi những nhà sản xuất khác, ví dụ như kim ngạch xuất khẩu U-235 của Kazakhstan cho Mỹ đạt 8 triệu USD và Bỉ là khoảng 2,6 triệu USD.

Trước đó vào tháng 4/2024, Nga không bán nhiên liệu hạt nhân cho Mỹ, Trung Quốc cũng ngừng cung cấp U-235 trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4, trong khi việc gián đoạn nhập khẩu từ Pháp kéo dài từ tháng 2 cho tới tháng 4/2024.

Tới giữa tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký luật đạo cấm nhập khẩu uranium làm giàu ở cấp độ thấp từ Liên bang Nga; luật này sẽ có hiệu lực sau 90 ngày kể từ khi văn bản được ký.

Mặc dù vậy tài liệu nói trên cũng quy định việc có thể tạm thời đình chỉ lệnh cấm vận cho đến đầu năm 2028 nếu cảm thấy cần thiết, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy việc gia hạn được thực hiện.

Có vẻ như trong khoảng thời gian hiện tại, các nhà máy điện hạt nhân của Mỹ đang tranh thủ nhập khẩu uranium làm giàu cấp độ thấp từ Nga để chạy lò phản ứng trước khi lệnh cấm vận chính thức có hiệu lực, đó là lý do giải thích tại sao kim ngạch và khối lượng lại tăng vọt.

Bên cạnh uranium làm giàu của Nga, Mỹ còn đang gặp khó trong việc đưa ra biện pháp trừng phạt tiếp theo nhằm vào "hạm đội bóng tối" đang vận chuyển dầu thô của Moskva ra khắp thế giới.

Các chính trị gia tại Washington lo ngại khi bước đi cứng rắn nhất được thực hiện, dầu thô của Nga sẽ biến mất hoàn toàn trên thị trường thế giới, gây ra cuộc khủng hoảng nguồn cung và làm cho giá xăng tăng vọt.

Điều này có thể khiến cho lạm phát tại Mỹ quay lại mức cao, đồng thời giáng đòn mạnh vào chiến dịch tái tranh cử tổng thống của ông Joe Biden và Đảng Dân chủ cầm quyền.