- Năm 2024, ngân sách chi 32 nghìn tỷ đồng cho trợ cấp xã hội
- Nghỉ hưu trước tuổi khi tinh gọn bộ máy, trợ cấp tính thế nào?
Cử tri kiến nghị nghiên cứu tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp |
Bộ LĐ-TB&XH cho biết nhận được kiến nghị của cử tri các tỉnh: Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Ninh Thuận và An Giang đề nghị nghiên cứu tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% (bằng mức lương hưu tối đa).
Qua đó, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động có mức sống tối thiểu khi mất việc làm, thất nghiệp; hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần.
Theo cử tri, hiện nay mức hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn còn thấp, không đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động. Trong khi, tính đến cuối năm 2023, quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư gần 60 nghìn tỷ đồng.
Phản hồi cử tri, Bộ LĐ-TB&XH cho biết trên cơ sở kế thừa quy định tại Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp.
Mức hưởng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam nói chung, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp nói riêng được xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế của các nước, có điều kiện tương đồng với Việt Nam, và thực hiện thành công chính sách này như: Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines…
Đồng thời, cũng thực hiện theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), theo đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp không ít hơn 45% của thu nhập trước đó, hoặc không ít hơn 45% tiền lương tối thiểu theo quy định.
Thực tế, việc triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện nay phù hợp với nguyên tắc được tính toán trên cơ sở mức đóng góp, góp phần đảm bảo an toàn cho Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Bởi theo mỗi năm, số lượng người nhận trợ cấp thất nghiệp có xu hướng tăng dần, và số lượng người lao động có thời gian tích lũy đóng bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng lên, dẫn đến thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ dài hơn.
Thống kê trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2023, số thu – chi bảo hiểm thất nghiệp cơ bản đã tiệm cận nhau.
Mặt khác, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng trợ cấp thất nghiệp là chế độ ngắn hạn, hỗ trợ chỉ một phần thu nhập cho người lao động, giảm khó khăn khi công việc tạm thời bị mất.
Vì vậy, quy định như dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), ngoài đảm bảo kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, còn nhằm thúc đẩy người lao động chủ động, nhanh chóng tìm kiếm công việc mới, thay vì chỉ dựa vào trợ cấp thất nghiệp.
Đồng thời, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cũng đã bổ sung các quy định tăng cường hỗ trợ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động duy trì việc làm, hạn chế thất nghiệp.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng có các chế độ hỗ trợ khác; hỗ trợ người lao động nhanh chóng tìm kiếm công việc mới như tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề.