Một vệ tinh lớn sẽ sớm rơi 'không thể kiểm soát' xuống Trái đất

ANTD.VN - Mối nguy cơ đến từ những vệ tinh ngừng hoạt động là có thật khi chúng có thể rơi xuống khu vực đông dân cư, mặc dù xác suất cực kỳ thấp.

Được phóng lên quỹ đạo vào năm 1995, vệ tinh Viễn thám Châu Âu 2 (ERS-2) của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã ngừng hoạt động từ hơn một thập kỷ trước.

Theo một tuyên bố của ESA, vệ tinh nói trên đã sử dụng hết lượng nhiên liệu dự trữ cuối cùng và dự kiến ​​sẽ đi vào bầu khí quyển vào khoảng giữa tháng 2/2024.

Như vậy đồng nghĩa với việc một vệ tinh khổng lồ bị tê liệt chuẩn bị lao mạnh vào bầu khí quyển Trái đất, hướng về phía mặt đất chỉ sau khoảng thời gian vài tuần nữa.

Ngay cả khi không có nhiên liệu, vật thể này vẫn nặng hơn 2,2 tấn. Một mảnh rác vũ trụ khổng lồ về mặt kỹ thuật có thể gây ra thiệt hại đáng kể nếu nó rơi xuống khu vực đông dân cư.

May mắn thay, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu nhấn mạnh rằng, khả năng bị thương với cá nhân là cực kỳ thấp: dưới 1/100 tỷ. Nói cách khác, khả năng bị sét đánh còn cao hơn rất nhiều.

Theo Space.com, đã có những trường hợp các vật thể lớn hơn nhiều, chẳng hạn như tầng trên của tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc - bộ phận này nặng khoảng 23 tấn đã chạm xuống bề mặt Trái đất một tuần sau khi phóng vào năm 2022.

Các quan chức NASA đã bày tỏ sự không đồng tình với hành vi nói trên của Trung Quốc khi cho phép các thành phần tên lửa khổng lồ rơi xuống bề mặt Trái đất mà không có bất kỳ sự giám sát hay theo dõi nào về đường đi và điểm va chạm của chúng.

Vị trí chính xác nơi vệ tinh khổng lồ ERS-2 rơi xuống vẫn chưa được xác định: "Vệ tinh được theo dõi liên tục để kiểm soát chặt chẽ mọi thay đổi về độ cao quỹ đạo của nó khi đã bị hỏng".

"Tuy nhiên do quá trình khử quỹ đạo tự nhiên, việc dự đoán chính xác thời điểm và vị trí mà vệ tinh sẽ bắt đầu đi vào bầu khí quyển Trái đất cũng như bắt đầu quá trình đốt cháy trở nên cực kỳ khó khăn", ESA trả lời trong mục các câu hỏi thường gặp.

Công bằng mà nói, trong quá trình trở thành một mảnh rác vũ trụ khổng lồ, vệ tinh đã thu thập được một lượng dữ liệu rất lớn và đáng giá về sự suy giảm của băng vùng cực...

Bên cạnh đó là những thay đổi trên bề mặt Trái đất, mực nước biển dâng cao, đại dương ấm lên và trạng thái hóa học của bầu khí quyển, cũng cung cấp hỗ trợ trong dự báo thiên tai, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu nhắc nhở.

Cơ quan Vũ trụ Châu Âu nói tiếp: "ERS đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển các công nghệ khác nhau có tác động đáng kể đến các dự án không gian tiếp theo".

"Đáng chú ý, điều này đã mở đường cho sứ mệnh Envisat cực kỳ thành công, góp phần to lớn vào sự hiểu biết của chúng ta về môi trường Trái đất".

"Ngoài ra những tiến bộ đạt được trong sứ mệnh ERS đã góp phần phát triển các vệ tinh thời tiết như MetOp, vệ tinh này rất quan trọng để dự báo thời tiết chính xác".

"Sứ mệnh ERS đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các dự án nghiên cứu hiện đại Earth Explorer và Copernicus Sentinels, giúp mở rộng hơn nữa kiến ​​thức của chúng ta về Trái đất".

"Hơn nữa các công nghệ do ERS phát triển cũng đã được sử dụng trong nhiều sứ mệnh vệ tinh quốc gia, từ đó cung cấp cơ sở cho những quan sát thường ngày mà chúng ta vẫn coi là điều đương nhiên trong thế giới hiện đại".