Một bữa tiệc độc đáo chưa từng thấy

ANTĐ - Đó là tiệc của Báo An ninh Thủ đô tại sân Trung tâm triển lãm Vân Hồ, 15-8-2011. Tôi chưa từng dự bữa tiệc nào đông, vui và có nhiều điều “chưa từng thấy” như thế ở Việt Nam. Đứng tại Hà Nội mà tôi tưởng như đang “lạc” trên “bãi biển” sông Seine nước Pháp mùa hè.

1. Cách tổ chức tiệc luôn bộc lộ phong cách của chủ nhân. Kỷ niệm 35 năm  ra số báo đầu tiên, ngày hội của một tờ báo thành cuộc tụ quần của đông đảo các giới, với đa dạng lĩnh vực. 18h30 tôi đến, sân khấu (SK) ngoài trời náo nhiệt. Báo đang tổ chức trao giải phát thưởng và dưới SK là một “biển người”. Biết nhà báo Đào Lê Bình là Tổng biên tập từ 1995, lãnh đạo ANTĐ thành một trong những “Mạnh Thường Quân” làm từ thiện nhiều nhất  làng báo cả nước, biết ông yêu nghệ thuật, nhưng qua dịp này, tôi mới thấy lòng hào hiệp, liên tài của vị “thuyền trưởng”. Bữa tiệc khổng lồ với 1000 khách, không chỉ các phóng viên, nhà báo, mà hiện diện nhiều nhà văn, nhà thơ: Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, nhà văn Đỗ Chu; nhạc sĩ Văn Dung, NSƯT Trung Hiếu, Thiện Tùng (Nhà hát Kịch Hà Nội); đạo diễn Vương Đức; đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, NSND Trần Bình (Giám đốc Nhà hát Ca nhạc nhẹ Việt Nam), nhà văn - Trung tướng Hữu Ước v.v… 

Tôi thầm cảm ơn ANTĐ đã tạo một “cớ đẹp” cho các tài danh hội ngộ mà hoàn toàn vui vẻ, khác với những cuộc đại hội tuy tập trung đông “nhân vật nổi tiếng”, mà rất “căng” vì bầu bán, thị phi.

Làm cuộc “quần anh hội” này, ANTĐ quả là “tay chơi” từ ý tưởng 1000 chiếc áo pull màu xanh ngọc với chữ A màu đỏ in trên ngực trái, sản xuất xong từ đầu tháng 8, ai đến cũng có quà. 

Bàn đón tiếp, phát quà cho khách với các nữ nhân viên đồng phục thành một triền xanh ngọc. 150 phóng viên, nhà báo ANTĐ mặc chiếc áo ấy, còn khách mời thì áo nguyên tem trong túi cùng báo tặng và phong bao “lì xì”. Tưởng tượng 1000 người mặc áo này, thì ấn tượng lắm, như đưa cả biển trời dồn về Vân Hồ bừng sáng.

Sau phần lễ, SK vẫn tiếp tục ca nhạc. Màn hình Led liên tục chiếu chương trình về báo. Có quyền phô diễn sức mạnh chứ, từ tháng 1-2010, ANTĐ đã phát sóng Truyền hình An ninh - ATV rồi mà, mấy tờ báo in có truyền hình riêng đâu.

Không có “lời thì thầm của mùa Xuân” giữa âm thanh náo nhiệt, mọi người nói chuyện tăng âm lượng. Đèn không quá sáng, vừa đủ lãng mạn, dịu cho mắt, cho trăng 16 có chốn buông. Nhà hàng quay bê tại chỗ, rồi chế biến luôn. Những khay inox, đĩa trắng bày trên bàn phủ khăn trắng, màu sắc hương vị  thức ăn mời gọi. Các thực khách hào hứng nhập tiệc, đĩa trắng, thìa nĩa sáng loáng bắt đầu “gọi món” về. Tôi thích dự tiệc tối, sau một ngày làm việc mệt nhọc, thưởng thức bữa tối là cách relax tuyệt vời, hết thảy đều được thư giãn tận hưởng, lại đúng bữa. Đã thu mà vẫn nóng, giữa thành phố chật chội, nóng gắt mà ăn trưa, ngán lắm, đó là một trong các lý do làm tôi trốn những lời mời ăn, gặp buổi trưa. Người Pháp thường làm tiệc tối, bữa ăn kéo dài tạo dịp để gặp gỡ, chuyện trò và kết thúc là hát, nhảy. Nếu được tổ chức trong không gian bên sông hồ, chắc rằng tiệc ANTĐ còn ấn tượng hơn.

Nào, ẩm thực hấp dẫn thúc giục! Thịt bê nóng hổi, ngọt và thơm làm sao, tỏa sự phong phú qua các món: bê tùng xẻo, bê tái chanh, bê trộn thính, món thịt bê hầm cà ri ăn cùng bánh mì lạ miệng hết sớm nhất. Có salad dưa chuột và có cả sung muối cùng khế, chuối xanh chấm tương. Lại thêm giò lụa, giò bò cắt khoanh uống cùng bia hơi Hà Nội. Rất Tây lại thật Việt. Chỉ tiếc gió trốn đâu, khiến ai cũng đầm đìa mồ hôi khuôn mặt và lưng áo, song thật vui, phấn khởi. Niềm vui, hãnh diện của tờ báo bề dày qua 1/3 thế kỷ được nhân lên, cộng hưởng bởi lòng tin mến, chia sẻ của giới nghệ thuật - độc giả tinh tuyển của báo, khiến tất cả gần nhau hơn. Ngay khi vừa gặp, bạn tôi, nhà báo Đỗ Vân Quế đã có 10 năm làm việc tại ANTĐ, gắn với tờ báo từ hồi sinh viên về đây thực tập, đã đón chu đáo và “mật báo”: “Có kem đấy!” Tôi hơi mệt và dường như ai cũng khát nên nước khoáng tưởng thiếu. Rồi ai cũng được tiếp ân cần. Quế biết tôi mê kem từ nhỏ. Thật bất ngờ khi món tráng miệng là kem. Độc đáo quá! Tôi chưa dự tiệc ở đâu dessert bằng kem que! Ra thùng xốp tự lấy, kem được giữ lạnh bằng các túi đá, toàn chocolate bọc sữa, kem Hòa Bình, một thương hiệu 53 năm của Hà thành. Ở Pháp, đôi lúc người ta cũng tráng miệng bằng kem ly, nhưng đa số là bánh ngọt và trái cây, vì kem đắt. Tôi và Quế mỗi người 1 que, muốn ăn que thứ hai thì... hết. Hóa ra kem là món “khoái khẩu” của số đông. Trong phút chốc, chúng tôi trẻ lại 20 tuổi, khi cầm que kem mát lạnh và muốn ăn chậm cho đừng mau hết, như hồi nhỏ.

2. Mau hết, cũng là thực trạng phát hành của ANTĐ, tờ báo gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân Thủ đô, sau Hà Nội mới. 5 vạn tờ/ kỳ, không lần nào tồn ế, vì diện “phủ sóng” và lan tỏa của báo khắp nơi, cho nhiều đối tượng. Từ báo tuần, tới 1-7-2006 ANTĐ đã thành nhật báo và ngay năm sau có báo điện tử với 3 địa chỉ website, là đột phá đáng nể. Cách chiêu hiền đãi sỹ, trân trọng người viết khiến ANTĐ có lượng cộng tác viên sáng tác đủ để mỗi số báo đặc biệt, báo Tết, nhìn các tên tuổi trên trang báo, biết tờ báo mạnh thế nào. Thu hút, mở rộng, mời được những cây bút nổi tiếng viết cho mình là nhờ cách xử sự lịch thiệp. Không cần thẩm định lại nhận định của NSND Hoàng Dũng khi ông nói : “Tôi rất quý mến anh Đào Lê Bình, qua những lần tiếp xúc và làm việc, để lại trong tôi ấn tượng khó phai. Tổng biên tập một tờ báo của công an mà phong cách rất nghệ sĩ và đặc biệt là yêu chuộng, am hiểu nghệ thuật”. Nhà báo Đào Lê Bình vốn học Tổng hợp Văn - “lò đào tạo” nhiều tên tuổi văn chương. Không kể các chương trình ca nhạc gây từ thiện “Tết vui cùng người nghèo” được tổ chức thường xuyên bởi các nghệ sĩ ca múa chuyên nghiệp, tôi hay gặp nhà báo họ Đào nhiều lần ở Nhà hát Lớn Hà Nội khi đến xem các đêm diễn trong vai trò khán giả và cả nhà tổ chức, như đêm nhạc “Một mình” của nhạc sĩ Thanh Tùng (NSND Trần Bình đạo diễn). Yêu nghệ thuật và xây dựng các hoạt động thông qua/mang tính nghệ thuật, kể cả kinh doanh, quảng cáo luôn phản ánh tầm văn hóa của một ông chủ, khẳng định đẳng cấp của doanh nghiệp, tòa soạn. Đây là một định luật thừa nhận toàn cầu bởi những tập đoàn lừng danh thế giới.

3. Không phải ai nhiều tiền cũng có phúc ở nhà đẹp, có vợ đẹp. Đấy là thực tế. Không phải doanh nghiệp, tòa báo lớn nào cũng có trụ sở đẹp ANTĐ có duyên ấy, điều mà nhiều người “ghen” và mong ước. 

Trụ sở báo qua 4 lần thay đổi, đều thuộc Hoàn Kiếm, quận trung tâm nhất. Ba lần biệt thự thời Pháp, 1 lần là nhà khu phố cổ (số 2 Hàng Giấy, từ 1985 - 1997). Rồi một tòa biệt thự Pháp nữa ở 136 Nguyễn Khuyến. Hiện nay, trụ sở báo ANTĐ tại 82 phố Lý Thường Kiệt là một trong các toà soạn đẹp nhất Việt Nam. Tòa biệt thự 3 tầng đặc trưng kiến trúc Pháp, tường vàng, cửa lớn cửa sổ vòm sơn xanh, cầu thang gỗ, vẻ đẹp muốn giữ chân khách đến. Để ngắm nhìn, để được thư thả chốc lát, được đắm trong phần cổ kính còn không nhiều nơi thành phố nghìn năm. Mấy chục phòng trang bị hiện đại, trong dáng vẻ đặc thù gotic lại có sân vườn rộng, với đa cổ thụ, cây bưởi trĩu quả trước nhà, thêm bể cá vàng lại càng thành của hiếm. Biệt thự Tây mà cây cá rất Việt Nam. 

Hollywood có bộ phim nổi tiếng “Chữ A màu đỏ” với minh tinh Demi Moore thủ vai chính. A là chữ đầu bảng chữ cái. A là âm thanh đầu tiên mỗi đứa bé cất tiếng, mỗi người phát âm. Lấy biểu tượng chữ A vàng trên nền đỏ, phải chăng ANTĐ tự nhận sứ mệnh tiên phong dấn thân vào mọi khó khăn, thách thức để phản ánh, gìn giữ, xây dựng Thủ đô yên bình, như cái tên mình thành một tôn chỉ. Logo chữ A này được Tổng biên tập Đào Lê Bình sáng tác và đăng ký bảo hộ bản quyền từ 2003.

Tôi tin tưởng ANTĐ sẽ lớn mạnh, chữ A luôn trong tốp đầu làng báo và ngày hội 40 năm của báo, sẽ là đại tiệc khổng lồ ngoài trời, nhiều gió bên sông, hồ, để tất cả được thăng cùng chữ A, mũi tên tình yêu cuộc sống. Chữ A to mở đầu hàng chữ vàng, nổi bật nền đá đỏ sát chân vòm cổng đá thân thiện, hàng rào thoáng. Mỗi lần qua 82 Lý Thường Kiệt, tôi thường chạy xe chậm lại. Nơi ấy, hơn một điều khiến ta lưu nhớ.