Mới nhất: Hàng loạt trường hợp được xét, truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang

ANTD.VN - Nghị định 28/2024/NĐ-CP quy định chi tiết trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” và việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến.

Nghị định quy định mốc thời gian để tính khen thưởng: Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp từ 15-7-1950 đến 20-7-1954. Thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ từ 21-7-1954 đến 30-4-1975 (chống đế quốc Mỹ ở miền Bắc; chống đế quốc Mỹ ở miền Nam; làm nhiệm vụ giúp nước bạn Lào từ tháng 5.1972 đến tháng 12.1975).

Thời kỳ bảo vệ Tổ quốc: Chiến tranh biên giới Tây Nam từ tháng 5-1975 đến 7-1-1979; Chiến tranh biên giới phía Bắc từ tháng 2-1979 đến 31-12-1988; làm nhiệm vụ giúp nước bạn Lào từ tháng 5-1975 đến 31-12-1988; làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Cam-pu-chia từ tháng 1-1979 đến 31-8-1989…

Thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ, có thời gian tại ngũ từ đủ 24 tháng trở lên thì được tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.

Thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, đã được công nhận liệt sĩ, được truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”. Thanh niên xung phong được xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” 1 lần.

Thanh niên xung phong khi xét khen thưởng được cộng dồn thời gian tham gia công tác trong các mốc thời gian quy định trên để đảm bảo đủ tiêu chuẩn xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.

Tiếp theo đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 02/2024/TT-BNV quy định biện pháp thi hành Nghị định 28/2024/NĐ-CP hướng dẫn trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” và việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến.

Theo Điều 2 Thông tư 02/2024/TT-BNV với Thanh niên xung phong đã được công nhận liệt sỹ, hồ sơ đề nghị truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” được nộp tại nơi cư trú của thân nhân Thanh niên xung phong.

Trường hợp hồ sơ đề nghị xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” không hợp lệ hoặc cần bổ sung đầy đủ theo quy định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn Thanh niên xung phong hoặc thân nhân của Thanh niên xung phong hoàn thiện hồ sơ và nộp hồ sơ đúng quy định…

Sở Nội vụ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có ý kiến về các hình thức khen thưởng Thanh niên xung phong đã được tặng thưởng được khai tại Bản khai đề nghị tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong” và báo cáo các trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn trước Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp tỉnh khi họp xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.

Thanh niên xung phong đã hy sinh, từ trần, sau khi được Chủ tịch nước quyết định truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, việc tổ chức trao tặng được thực hiện tại nơi thân nhân Thanh niên xung phong sinh sống.

Việc xét khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến theo Điều 3 Thông tư 02/2024/TT-BNV như sau:

Việc xét, đề nghị khen thưởng thành tích kháng chiến phải đảm bảo chính xác, khách quan, có đủ căn cứ pháp lý, khen thưởng đúng người, đúng thành tích. Khi thẩm định hồ sơ đề nghị khen thưởng thành tích kháng chiến cần lưu ý đến mức độ thành tích; cá nhân được đề nghị khen thưởng thành tích kháng chiến thì phải tham gia kháng chiến tích cực và liên tục, đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Điều lệ khen thưởng thành tích kháng chiến và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Việc thẩm định hồ sơ và trình cấp có thẩm quyền xét, đề nghị khen thưởng thành tích kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ phải thực hiện theo các quy định của Điều lệ khen thưởng thành tích kháng chiến chống Pháp ban hành kèm theo Nghị quyết 6-NQ/TVQH...