Các phương tiện truyền thông Nga, trích dẫn nguồn tin từ Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec đã cho biết một thông tin quan trọng liên quan tới máy bay ném bom tàng hình PAK DA.
Đại diện Rostec cho biết, họ đã hoàn thành mọi công việc nghiên cứu và phát triển nhằm tạo ra cơ sở để thử nghiệm máy bay ném bom PAK DA thế hệ mới (hay còn gọi là "tổ hợp hàng không tầm xa đầy hứa hẹn") trong tương lai.
Thành tựu thu về trong thời gian qua sẽ được các kỹ sư sử dụng để thử nghiệm các bộ phận của máy bay mới. Không có chi tiết nào khác về tình trạng của chương trình này được thông báo.
Cần nhớ lại rằng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đã ký hợp đồng nghiên cứu và phát triển (R&D) máy bay ném bom tàng hình mang tên lửa hành trình thế hệ mới với công ty Tupolev vào tháng 8 năm 2009.
Tuy vậy, Liên bang Nga chỉ đạt được thỏa thuận về phác thảo máy bay ném bom PAK DA của mình 12 năm sau khi ký kết hợp đồng R&D - vào năm 2021, tiến độ trên rõ ràng quá chậm chạp.
Có thông tin cho rằng tổ hợp Tupolev đang chế tạo một số nguyên mẫu của máy bay ném bom thế hệ tiếp theo, nhưng chưa có bất cứ hình ảnh hay phát ngôn chính thức nào xác nhận điều này.
Đồng thời, giới chức quân sự Nga nói rằng họ có kế hoạch sử dụng máy bay ném bom mới vào năm 2027 - tức là 18 năm sau khi ký hợp đồng R&D. Trước đó, người Nga cho biết các cuộc thử nghiệm với chiếc oanh tạc cơ sẽ bắt đầu vào năm 2022.
Với thực tế trên, nếu không có thông tin chi tiết về dự án này, tương lai trước mắt của nó có vẻ khá mơ hồ, nhất là khi nhiều mẫu vũ khí đình đám của Nga luôn rơi vào tình trạng chậm tiến độ.
Chúng ta có thể xem xét một ví dụ điển hình khác, chẳng hạn như mẫu máy bay chiến đấu tàng hình hạng nhẹ Su-75 Checkmate, như người Nga đã nói trước đó, "có thể được tạo ra vào cuối năm 2025".
Mô hình chiếc Su-75 Checkmate nói trên được trình làng lần đầu tiên vào mùa hè năm 2021. Đó là khi những tưởng tượng của người Nga khác biệt đáng kể so với thực tế, họ không lường trước được cuộc xung đột Ukraine nổ ra đã hút quá nhiều nguồn lực.
Chiếc oanh tạc cơ tàng hình tương lai PK DA được kỳ vọng sẽ sớm thay thế máy bay ném bom mang tên lửa chiến lược Tu-95 và Tu-160 chế tạo từ thời Liên Xô và hiện đã lạc hậu, bất chấp trải qua nhiều lần hiện đại hóa.
Máy bay ném bom PAK DA sẽ được chế tạo theo sơ đồ khí động học "cánh bay", nó phải được điều khiển bằng hệ thống "bay bằng dây" tối tân, trong kho vũ khí bắt buộc phải có tên lửa siêu thanh.
Bên cạnh đó, chiếc oanh tạc cơ chiến lược cần có khả năng điều khiển nhóm máy bay không người lái đi kèm. Ngoài ra nó dự kiến nhận được hệ thống liên lạc hiện đại, tác chiến điện tử tối tân để bổ trợ cho công nghệ giảm diện tích phản xạ radar.
Người Nga có lý do để cảm thấy sốt ruột và "ép tiến độ" với chương trình PAK DA, bởi mới đây máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới B-21 Raider của Mỹ đã chính thức bay thử nghiệm chuyến đầu tiên.