Máy bay chiến đấu Nga đang dần “phủ sóng” khu vực Đông Nam Á

ANTĐ - Hiện nay, có khá nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á đang sử dụng các loại máy bay của Nga. Trong tương lai, châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng, sẽ là một thị trường mà các hãng hàng không Nga tập trung khai thác.

Chủ tịch tập đoàn chế tạo máy bay (UAC) của Nga, ông Mikhail Pogosyan tuyên bố với các phóng viên ngày 15-02 rằng, chiến lược chính của Tập đoàn chế tạo máy bay (UAC) của Nga trong thị trường khu vực Đông Nam Á không phải chỉ là bán máy bay, mà là xây dựng quan hệ đối tác chiến lược lâu dài với khu vực này.

Hiện nay, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Myanmar và các quốc gia khác tích cực khai thác máy bay quân sự của Nga, và trong tương lai khu vực này có triển vọng rất tốt, cả về phát triển dịch vụ và xúc tiến các máy bay mới (chẳng hạn như Yak -130).

Tại triển lãm hàng không Singapore, Tập đoàn này đã có nhiều cuộc gặp với khách hàng tiềm năng. Theo ông Pogosyan, xét theo việc sử dụng máy bay dân dụng Sukhoi Superjet ở Indonesia, Lào và Mexico, có thể nói rằng có cơ sở để hướng tới thị trường Trung Quốc, Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác.

Máy bay chiến đấu Nga đang dần “phủ sóng” khu vực Đông Nam Á ảnh 1

Nga muốn xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các khách hàng Đông Nam Á


Hiện nay, một số nước Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia, Malaysia… đang là nhưng khách hàng chủ yếu của máy bay chiến đấu Nga. Các nước này cũng đang có những kế hoạch mua thêm các máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Nga. Ví dụ, Indonesia có ý định mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Sukhoi T-50 của Nga để thay thế hết các chiến đấu cơ F-5 Tiger của Mỹ.

Hiện nay, trong biên chế trang bị của không lực Indonesia đã có một phi đội 16 chiếc máy bay chiến đấu dòng Sukhoi, bao gồm 5 chiếc máy bay chiến đấu Su-27SKM và 11 chiếc máy bay chiến đấu Su-30 MK2 hai chỗ ngồi, bố trí trong căn cứ không quân "Sultan Hasanuddin" ở Makassar, tỉnh Nam Sulawesi.

Tháng 4 năm 2013, không quân Indonesia cũng đã đặt mua thêm 6 chiếc nữa, bắt đầu bàn giao vào năm 2014, nâng tổng số máy bay Su-27/Su-30 lên 22 chiếc. Trong tương lai, Bộ Quốc phòng Indonesia dự định đến năm 2024 thành lập 8 phi đội tiêm kích Su-30MK2, mỗi phi đội biên chế 16 chiếc.

Máy bay chiến đấu Nga đang dần “phủ sóng” khu vực Đông Nam Á ảnh 2

Máy bay chiến đấu Su-30 MK2 của không quân Indonesia


Như vậy, trong gần 10 năm tới, Indonesia có thể mua hơn 100 máy bay chiến đấu Su-30MK2 mới. Theo Tư lệnh Không quân Indonesia Ida Bagus Putu Dunia, các tiêm kích này sẽ tạo ra “lực lượng răn đe mạnh mẽ”, củng cố tiềm lực chiến đấu của không quân Indonesia.

Trước đây, Nga đã cung cấp cho Malaysia 18 chiếc máy bay chiến đấu MiG-29A trong 2 năm 1994-1995, sau đó là 18 chiếc máy bay chiến đấu Su-30MKM vào năm 2009. Ngoài ra, họ còn bán cho Malaysia 12 chiếc máy bay trực thăng vận tải quân sự Mi-171Sh. Nga cũng đã mở một Trung tâm sửa chữa kỹ thuật vào năm 2012 và một Trung tâm huấn luyện bay rất bề thế vào năm 2011 tại Malaysia.

Máy bay chiến đấu Su-30MKM là phiên bản xuất khẩu cho Malaysia rất giống với máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30MKI của Ấn Độ. Su-30MKM đã được nâng cấp đáng kể từ phiên bản xuất khẩu Su-30K ban đầu với việc giữ lại phần lớn khung máy bay và các trang bị cơ bản nhưng kết hợp một số công nghệ hiện đại từ dự án Sukhoi Su-35 và Sukhoi Su-37.

Máy bay chiến đấu Nga đang dần “phủ sóng” khu vực Đông Nam Á ảnh 3

Máy bay MiG-29 của không quân Malaysia


Cuối năm ngoái, Nga đã ký hợp đồng bán thêm 18 máy bay chiến đấu đa chức năng Su-30MKM cho Malaysia. Trị giá của mỗi máy bay loại này (bao gồm cả công tác bảo hành) là khoảng 50 triệu USD. Theo nguồn tin trên, Malaysia muốn thảo luận với Nga về khả năng nâng cấp phiên bản của Su-30MKM có khả năng trang bị các tên lửa mới, bao gồm cả tên lửa siêu âm BrahMos.

Ngoài ra, ở Đông Nam Á còn có Myanmar cũng sử dụng máy bay chiến đấu MiG-29 của Nga. Myanmar nhận được các máy bay chiến đấu MiG-29 đầu tiên năm 2001-2002, khi mà Nga đã chuyển giao cho Không quân nước này 12 tiêm kích MiG-29, trong đó có một máy bay huấn luyện chiến đấu hai chỗ ngồi MiG-29UB.

Ngày 06 tháng 12 năm 2009, Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport đã ký kết một hợp đồng mới trị giá 412 triệu EURO (khoảng 547 triệu USD) để cung cấp cho Không quân Myanmar 20 tiêm kích MiG-29 với các biến thể khác nhau bao gồm 10 chiếc MiG-29B, 6 chiến đấu cơ nâng cấp MiG-29SE và 4 máy bay huấn luyện chiến đấu hai chỗ ngồi MiG-29UB.

Máy bay chiến đấu Nga đang dần “phủ sóng” khu vực Đông Nam Á ảnh 4

Máy bay MiG-29 của không quân Myanmar


Theo hợp đồng được ký kết, trong tháng 12 năm 2011, Công ty MiG đã bàn giao cho Myanmar 14 chiếc MiG-29SE/B đầu tiên. Sáu chiếc MiG-29 còn lại theo hợp đồng này đã được chuyển giao cho Không quân Myanmar trong năm 2012.

Ngoài ra, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng là một khách hàng truyền thống của hàng không Nga với nhiều loại máy bay chiến đấu của 2 hãng Mykoian và Sukhoi.

2 quốc gia Lào và Campuchia cũng sở hữu một số lượng nhỏ các máy bay chiến đấu thế hệ cũ thuộc các phiên bản của MiG-21, Myanmar cũng sở hữu một biến thể của MiG-21 là F-7M (biến thể xuất khẩu của J-7 do Trung Quốc thiết kế dựa theo MiG-21) và một số loại trực thăng Nga.