Mấu chốt vụ nghị sĩ Philippines ‘đi đêm’ với Trung Quốc ở đâu?

Chính trường Philippines đang chao đảo sau khi vỡ lở việc Thượng nghị sỹ Trillanes đã bí mật thương lượng với Bắc Kinh từ hồi tháng 5/2012 về tranh chấp chủ quyền.

Những lời tố “phản quốc”

Câu chuyện lùm xùm chưa từng có trong lịch sử chính trường Philipines bắt đầu từ phòng họp Thượng viện Philippines hôm 19.9. Trong một bài phát biểu đặc quyền, Thượng nghị sỹ Antonio Trillanes IV đã cáo buộc Chủ tịch Thượng viện Juan Ponce Enrile là một tay sai của cựu Tổng thống Gloria Arroyo và gây áp lực thúc đẩy thông qua dự luật chia tách tỉnh Camarines Sur, được coi là có lợi cho con trai của bà Arroyo - Diosdado “Dato” Arroyo, để có được “chân” nghị sỹ tại 1 trong 2 tỉnh sau khi chia tách. Do đó, ông Trillanes khẳng định đã mất lòng tin vào khả năng lãnh đạo Thượng viện của Thượng nghị sỹ Enrile.

Ngay lập tức, Chủ tịch Thượng viện Enrile đăng đàn phản pháo. Nhưng thay vì thảo luận về Camarines Sur, ông "khui" ra chuyện ông Trillanes đã bí mật đàm phán với Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ giữa Manila và Bắc Kinh ở Biển Đông. Trillanes đã bỏ ra khỏi phòng họp của Thượng viện khi bị chất vấn về việc bí mật đến Bắc Kinh đàm phán.

Chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Ponce Enrile đã "bóc trần "chuyện "đi đêm" của Thượng nghị sỹ Trillanes với người Trung Quốc.

Chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Ponce Enrile đã "bóc trần "chuyện "đi đêm" của Thượng nghị sỹ Trillanes với người Trung Quốc.

"Ông ta không chịu được nhiệt. Ông ta là đồ hèn nhát", Chủ tịch Thượng viện Juan Ponce Enrile nói khi Trillanes rời phòng.

Sau đó, ông Enrile đọc to biên bản mà bà Sonia Brady – Đại sứ Philippines tại Trung Quốc lập, ghi lại cuộc gặp giữa bà và Thượng nghị sỹ Antonio Trillanes IV tại Bắc Kinh. Trong đó, ông nghị này gọi Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario là “kẻ phản quốc”, thậm chí muốn thay thế ông del Rosario bằng Bộ trưởng Nội vụ Mar Roxas,…

Chủ tịch thượng viện Enrile tố cáo nghị sĩ Trillanes đã tìm cách bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh. "Ông ta chính là "bóng ma trong nhà hát" trên chính trường Philippines", Enrile so sánh và thậm chí còn đặt câu hỏi "Nghị sĩ kiểu gì vậy?".

Nhiều nghị sĩ khác trong phiên họp bày tỏ sự ủng hộ và tin tưởng vào chính sách ngoại giao mà Ngoại trưởng del Rosario thực thi. Phó Tổng thống Jejomar Binay, khi trả lời các phóng viên, cũng ca ngợi việc thi hành trách nhiệm đứng đầu ngành ngoại giao của Rosario.

Về phía Ngoại trưởng del Rosario, ông cũng gửi một thông cáo tới quốc hội, nói rằng bản thân ông đang thực thi chính sách ngoại giao mà Tổng thống đề ra. Thông cáo có đoạn: "Chúng tôi sẽ không tôn trọng những kẻ đang chia rẽ chúng ta. Chúng ta cần có một chính sách thống nhất và một đội ngũ toàn tâm toàn ý bảo vệ lợi ích quốc gia".

Theo báo chí Philippines, Thượng nghị sỹ Trillanes cho biết ông ta được Tổng thống “ủy quyền” tổ chức những cuộc thương lượng ngầm với các quan chức Bắc Kinh để giải quyết tranh cãi giữa hai nước về chủ quyền bãi đá ngầm Scarborough ở Biển Đông. Ông Trillanes khẳng định ông có công hạ nhiệt căng thẳng với Trung Quốc sau khi tranh chấp nổ ra vào tháng 4 và cáo buộc ông del Rosario tội “phản quốc” vì chiến thuật ngoại giao “hung hăng” của ông này.

Ngoài ra, ông Trillanes còn tiết lộ ông đã gặp “các quan chức hàng đầu Trung Quốc” ít nhất 15 lần ở Manila và Bắc Kinh từ tháng 5/2012.

Bê bối trên lập tức trở thành đề tài chính trị nóng bỏng ở Philippines. Và những gì cần xác thực đã được xác thực lần lượt từ người phát ngôn của Tổng thống Edwin Lacierda đến Tổng thống Benigno Aquino.

Theo tờ Sun Star, ông Aquino cho các phóng viên hay rằng chính thượng nghị sĩ Trillanes đã tiếp cận ông đề nghị “đi đêm” với Trung Quốc và cho biết ông ta được các quan chức Trung Quốc tiếp cận, đề nghị về khả năng liệu có thể hành động như là một nhà thương thuyết ngoài luồng không.

Theo ông Aquino, ông đã chấp nhận đề nghị của ông Trillanes vì kênh ngoại giao chính thức lúc đó “rất hiếu chiến” và vì muốn giải quyết tình hình bãi cạn Scarborough một cách hòa bình.

Dù các vụ “đi đêm” của ông Trillanes khiến một số thượng nghị sĩ Philippines không hài lòng nhưng ông Aquino thừa nhận nó đã giúp hạ nhiệt căng thẳng tại bãi cạn Scarborough.

Theo Tổng thống Aquino, việc Trung Quốc rút bớt tàu khỏi bãi cạn Scarborough là "có công của Thượng nghị sỹ Trillanes".

Theo Tổng thống Aquino, việc Trung Quốc rút bớt tàu khỏi bãi cạn Scarborough là "có công của Thượng nghị sỹ Trillanes".

“Đó là thời điểm các tàu Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough tăng lên đến 18 chiếc, không kể số tàu con có thể lên đến 30 tàu. Con số đã giảm dần. Có lẽ, chúng ta có thể công nhận đó là công của thượng nghị sĩ Trillanes”, ông Aquino phát biểu. Tuy nhiên, Tổng thống Philippines từ chối tiết lộ các thành công khác từ những vụ “đi đêm” vì tính bí mật của chúng.

Những thừa nhận của Tổng thống khiến dư luận Philippines hoang mang và sôi sục. Một cựu luật sư của cựu Tổng thống Ferdinand Marcos thậm chí đã đệ đơn tố cáo ông Aquino và ông Trillanes về tội phản quốc vì các vụ “đi đêm” với Trung Quốc.

Trong đơn tố cáo có tuyên thệ dài 5 trang, luật sư Oliver Lozano khẳng định việc đưa vấn đề ra trước cơ quan chống tham nhũng sẽ chấm dứt “tranh chấp pháp lý” về tính xác thực của những đồn đoán nói rằng ông Trillanes “khao khát có sự ủng hộ của Trung Quốc cho tham vọng làm tổng thống của mình”.

Ông Lozazo cũng tố cáo ông Aquino bật đèn xanh cho ông Trillanes để thương thuyết lén lút với các quan chức Trung Quốc về tranh chấp trên biển nhằm làm lợi cho Trung Quốc và gây thiệt hại cho Philippines.

Câu chuyện chưa có hồi kết
Bê bối hiện tại không thể không khiến người ta phải đặt câu hỏi thực ra Tổng thống Philipines đang tính toán thế nào với Trung Quốc khi chỉ vài tháng trước, ông Aquino còn đang “ghi điểm” với người dân trong nước và quốc tế khi thể hiện lập trường kiên định dùng luật pháp quốc tế để giải quyết và không khoan nhượng với Bắc Kinh trong tranh chấp bãi cạn Scarborough.

Thậm chí, hồi đầu tháng 9, ông Aquino còn ra sắc lệnh chính thức đổi tên vùng biển bao gồm biển Luzon cũng như các vùng lãnh hải bao quanh, khu vực bên trong và sát nách bãi đá cạn đang có tranh chấp với Trung Quốc là “biển Tây Philippines” để khẳng định chủ quyền, bất chấp sự phản đối gay gắt của Bắc Kinh.

Mới đây, Bộ trưởng Nội vụ Mar Roxas đã được Tổng thống Aquino cử làm đặc phái viên mang thông điệp hòa bình sang gặp Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân tham dự Hội chợ Triển lãm thương mại Trung Quốc – ASEAN diễn ra tại Nam Ninh cuối tuần trước.

Theo người phát ngôn Tổng thống Philippines Edwin Lacierda, ông Tập Cận Bình đánh giá cao việc Tổng thống Benigno Aquino cử ông Roxas làm đặc phái viên tới tham dự Hội chợ Triển lãm thương mại Trung Quốc – ASEAN. Tân hoa xã ngày 21/9 dẫn lời ông Tập Cận Bình trong cuộc gặp với Bộ trưởng Nội vụ Philippines Mar Roxas cho hay, ông hy vọng mối quan hệ bị tổn thương bởi tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với Philippines có thể cải thiện và tình hình căng thẳng sẽ không tái diễn thêm một lần nào nữa.

Nhưng có một sự tình cờ trùng hợp là người được ông Aquino lựa chọn làm đặc sứ, theo đề nghị của Bắc Kinh, là Bộ trưởng Nội vụ Mar Roxas – cái tên đã được Thượng nghị sỹ Trillanes “muốn” là người thay thế Ngoại trưởng del Rosario. Và mấu chốt là ở chỗ trong cuộc đối thoại này 2 bên vẫn khẳng định chủ quyền với bãi đá cạn Scarborough/Hoàng Nham.

Trong khi đó, Phó phát ngôn Tổng thống Abigail Valte ngày 23/9 lại cho biết: “Chúng tôi nhận rằng chúng tôi... có một mối quan hệ đa tầng và đa lĩnh vực với Trung Quốc. Nó vượt ra ngoài vấn đề ở Biển Tây Philippines”.

Với những thông tin úp mở và nhiều chiều như thế này, hơn bao giờ hết dư luận đang chờ đợi sự khẳng định rõ ràng chính sách đối ngoại với Trung Quốc từ người đứng đầu chính phủ Philippines – Tổng thống Benigno Aquino.

Biên bản của bà Sonia Brady - mấu chốt của "scandal"

Theo công bố của Chủ tịch Thượng viện Philippines Enrile, biên bản cuộc gặp ghi ngày 17/8/2012 về cuộc gặp của Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Sonia Brady và Thượng nghị sỹ Antonio Trillanes IV có những điểm quan trọng sau:

- Thượng nghị sỹ Trillanes yêu cầu Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Sonia Brady không ghi biên bản cuộc họp.

- Trillanes đã gặp với một quan chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc đêm trước hôm gặp bà Brady.

- Trillannes đã gọi Ngoại trưởng Albert del Rosario là kẻ phản bội và nói rằng ông ta phạm tội phản quốc.

- Trillanes đã bí mật gặp gỡ với các quan chức Trung Quốc đàm phán về bãi cạn Scarborough và Biển Tây Philippines (Ông Enrile nói là ông Trillanes đã thực hiện 16 cuộc gặp).

- Trillanes nói rằng người Philippines "không ai quan tâm tới bãi cạn Hoàng Nham (Scarborough)".

- Trillanes nói rằng Trung Quốc không bao giờ có ý định thiết lập một đồn ở bãi cạn Scarborough.

- Trillanes nói với các quan chức Trung Quốc rằng Philippines không có khả năng bảo vệ bờ biển của mình.

- Trillanes nói rằng Philippines nên vận động hành lang các quốc gia ASEAN như Trung Quốc đã làm.

- Trillanes tuyên bố ông ta đã giải quyết vấn đề khó khăn với chuối của Philippines xuất khẩu sang Trung Quốc.

- Trillanes khăng khăng đàm phán song phương với Trung Quốc trong khi nội các muốn đàm phán đa phương về vấn đề này.

Theo báo chí Philippines, Đại sứ Sonia Brady – người đang hồi phục từ một cơn đột quỵ tại Bắc Kinh hơn một tháng trước đã được đưa về Manila để chăm sóc y tế tại quê nhà tối hôm 21/9. Bà Sonia Brady được hi vọng sẽ làm sáng tỏ những vấn đề nêu trong biên bản mà bà đã lập và được Chủ tịch Thượng viện Enrile dẫn chứng khi chất vấn Thượng nghị sỹ Trillanes.

Theo Petro Times