Mảnh đời bèo bọt trong đường dây buôn bán phụ nữ, trẻ em quốc tế

ANTĐ - Đã một năm kể từ khi Khin Khin Oo bị cha bán sang Trung Quốc. 8000 nhân dân tệ - đó là cái giá cho một cô gái Myanmar 4 tuổi dễ thương từ một gia đình tan vỡ.

Ngồi trong ngôi nhà tranh tồi tàn của mình, bà của Khin Khin Oo, Ma Shan kể về câu chuyện đáng thương của gia đình: “Tôi là một nông dân, quanh năm trồng ngô khoai, nhưng con trai tôi lại nghiện heroin. Vì vậy chúng tôi không có tiền”.

Cuộc sống gia đình của bà Ma Shan luôn trong tình trạng xáo trộn. Chỉ cần đi vài bước trong căn nhà ngập bóng tối, có thể giật mình khi thấy một người đàn ông đang ngồi bất động, nhìn chằm chằm về phía trước khi nghe ai đó nói chuyện về mình.

Khin Khin Oo bị chính cha ruột của mình bán sang Trung Quốc

Con gái bà Ma Shan cũng có một cuộc sống không mấy tốt đẹp. Cô bỏ đi cùng với một người đàn ông và để lại 2 đứa con cho người mẹ già khốn khó. Đó là Khin Khin Oo và một cậu em trai hồn nhiên đang nghịch đất ngoài sân.

“Vào một ngày, cha con bé là Soe Khine trở lại đón nó”- bà Ma Shan kể lại- “4 ngày sau, con bé vẫn đi biền biệt mà không có tin tức, tôi linh cảm chuyện gì đó không ổn xảy ra. Tôi lo lắng mất ăn mất ngủ”.

Lo sợ điều tồi tệ nhất, bà Ma Shan đã đi đến nhờ cậy một người già nhất trong làng và hỏi chuyện một số người bạn của Soe Khine. Bà nhanh chóng phát hiện anh ta gặp rắc rối về tài chính và đã bán con gái ruột của mình để lấy tiền chơi cờ bạc. "Hắn ta đã thua hết sạch tiền vì chơi cá độ”, bà Ma Shan lắc đầu nói.

Nghèo đói và dân trí thấp đã đẩy nhiều phụ nữ và trẻ em vào cạm bẫy của bọn buôn người

Ngay lập tức, cảnh sát Myanmar đã vào cuộc. Họ tìm thấy Soe Khine và anh thú nhận rằng với sự giúp đỡ của một người phụ nữ ở Kachin, anh đã bán con gái mình cho một kẻ buôn người Trung Quốc.

Cảnh sát đi theo đường mòn đến thị trấn biên giới Ruili của Trung Quốc, nơi họ phát hiện ra rằng Khin Khin Oo đã bị bán một lần nữa, lần này là với giá 12.000 nhân dân tệ (khoảng 2000 USD) cho một cặp vợ chồng hiếm muộn.

Sau một tuần kết hợp tìm kiếm với cảnh sát Trung Quốc, Khin Khin Oo đã được tìm thấy và trở về với bà ngoại. May mắn thay, cô bé đã được cặp vợ chồng kia đối xử tốt. Lo sợ cho sự an toàn của cháu gái, bà Ma Shan đã đưa Khin Khin Oo đến sống với một người dì ở Trung Quốc.

Thiếu phụ nữ trầm trọng

Khu vực biên giới phía đông bắc của Myanmar với Trung Quốc đã trở nên nổi tiếng về buôn bán phụ nữ trẻ. Chính sách một con của Trung Quốc và truyền thống “trọng nam khinh nữ” đã khiến nước này mất cân bằng giới tính trầm trọng. Điều tra nhân khẩu học ước tính đến năm 2020, Trung Quốc sẽ có khoảng 24 triệu nam giới không tìm được vợ.

Tương lai xa xôi và nhu cầu đó đã thúc đẩy việc buôn bán phụ nữ trẻ em từ các quốc gia láng giềng của Trung Quốc như Myanmar. Tuy nhiên, nhiều khi việc buôn bán bất hợp pháp này lại có sự đồng lõa của chính gia đình các nạn nhân.

Chính sách một con và truyền thống “trọng nam khinh nữ” đã khiếnTrung Quốc mất cân bằng giới tính trầm trọng

Người đứng đầu thị trấn Namkhan, ông Myint Kyaw vừa nói vừa chỉ vào những bức ảnh: “Đây là bốn cô gái từ 15 và 18 tuổi ở thị trấn Kutkai đến Trung Quốc để tìm việc. Họ đã không có tin tức gì trong 8 tháng nay”.

"Người phụ nữ này 26 tuổi và mất tích khá lâu. Chúng tôi đang cố gắng để theo dõi qua cộng đồng dân chúng sống ở Trung Quốc". Ông Myint Kyaw ước tính rằng khoảng 10% phụ nữ ở khu vực Ta'ang đã bị bán đi theo một cách nào.
May mắn thoát hiểm

Lamo Bokdin là một trong những người phụ nữ Myanmar bị bán sang Trung Quốc. Trước đó, cô là một nhân viên chạy bàn tại một nhà hàng ở thị trấn Ruili, Trung Quốc.

"Làm việc được một thời gian, ông chủ nói với tôi rằng tôi không cần phải làm việc tại nhà hàng nữa và tôi sẽ kết hôn với anh trai của ông ấy”, Lamo Bokdin nói. 40.000 nhân dân tệ là số tiền thỏa thuận được trả cho cuộc hôn nhân mua bán này.

"Lúc đầu tôi từ chối, nhưng ông chủ của tôi nói rằng tôi sẽ được bán cho anh trai ông ta hoặc một người đàn ông già khác”. Buộc lòng, Lamo phải chuyển đến nhà chồng ở Bắc Kinh bắt đầu một cuộc sống mới. Trong 3 tháng, Lamo bị giam giữ và không được phép ra khỏi nhà.

Lamo may mắn thoát khỏi ngôi nhà địa ngục

"Tôi không được phép gọi điện thoại và tôi đã phải ở lại bên trong nhà suốt. Hắn ta nói rằng chúng tôi chỉ có thể đi thăm cha mẹ tôi khi tôi sinh một đứa con”.

Lamo không chịu được chèn ép và quyết tâm bỏ trốn. “Tôi bị giam trên tầng hai của tòa nhà. Căn phòng có một ô cửa sổ đan chặt bằng lưới thép. Tôi đã cắt thủng nó và nhảy xuống đường”. "May mắn thay, không có ai nhìn thấy tôi ngã xuống đất. Vì vậy, tôi lấy một chiếc xe đến ga xe lửa, nhờ cảnh sát giúp tôi mua một vé ra khỏi Bắc Kinh".

Hiện giờ, Lamo đang sống chung một căn phòng cùng em gái. Cô đã có thể tự kiếm sống bằng công việc dệt váy truyền thống của mình.

Cả Khin Khin Oo và Lamo đều là những nạn nhân may mắn của “nạn thương mại hóa con người”. Trong đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em ở Myanmar hay bất cả quốc gia đang phát triển nào trên thế giới, không phải ai cũng may mắn tìm được đường về như Khin Khin Oo. Nhiều nạn nhân phải sống một cuộc sống khổ cực, bị bốc lột và bán vào các nhà chứa, suốt đời sống trong tủi cực.