Bi kịch buồn của cô gái trẻ giúp việc nơi đất khách quê người

ANTĐ - Sumarti Ningsih sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng nhỏ thuộc miền trung Java, Indonesia. Vào cuối đời, cô lại phải chết một cách đau đớn khi bị giết và nhét xác vào một vali ngoài ban công ở Hong Kong. Lúc ấy, cô chỉ mới tròn 23 tuổi.

Sumarti là một cô gái trẻ vô tư và có tính tự lập sớm. Năm 2010, khi mới 19 tuổi, Sumarti đã trở thành một trong hàng ngàn người phụ nữ Indonesia rời nhà xuất ngoại làm giúp việc tìm kiếm vận may.

Sumarti - cô gái xấu số

Cũng như những người phụ nữ khác, Sumarti gửi một số tiền kha khá về nhà, nhưng số phận cuối cùng của cô không được may mắn. Một nhân viên ngân hàng tên Rurik Jutting đã giết chết cô cùng Seneng, một phụ nữ Indonesia khác. Xác của Sumarti được tìm thấy trong một vali trên ban công khi đã phân hủy nặng.

Làng Gandrungmangu, Cilacap, Indonesia

Phải mất 10 giờ đi bằng đường bộ từ thủ đô Jakarta của Indonesia đến Cilacap, quê hương của Sumarti. Con đường ngoằn nghèo đi sâu vào khu vực miền núi. Cuộc sống ở đây tách biệt hẳn so với thế giới bên ngoài: nghèo đói, tồi tàn và đau thương.

Ngôi làng Gandrungmangu, nơi Sumarti sinh ra, đang bị mất điện nhưng đám đông vẫn tụ tập trong bóng tối để làm lễ tang cho cô. Cha mẹ già ngồi khóc con và buồn rầu khi nghĩ về cuộc đời bất hạnh của con gái.

Ngôi nhà của Sumarti, mẹ và con trai của cô

Nếu quyết định gắn bó cả đời ở mảnh đất này, Sumarti sẽ phải thức khuya dậy sớm và chịu cảnh nghèo đói quanh năm. Sumarti cũng từng lấy một người đàn ông làng bên nhưng ly hôn ngay khi cô sinh con. Và cô rời nhà đi xuất khẩu lao động khi con trai mới được 40 ngày tuổi.

Cậu bé Mahammad giờ đã 5 tuổi, ngây ngô không hiểu chuyện gì đang xảy ra, thậm chí là không có một chút hoài niệm gì về người mẹ xấu số. Mẹ cô nói trong nước mắt: “Nó luôn gửi nhiều tiền về cho con trai và bảo chúng tôi mua bất cứ thứ gì Mohammad thích”.

Ở làng Gandrungmangu có khoảng 80% phụ nữ ra nước ngoài làm việc. Họ không được đi học và phải chấp nhận xuất khẩu ra nước ngoài giúp việc. Và họ đã trở thành huyết mạch kinh tế cho cả gia đình.

Sumarti rất hào phóng. Bằng chứng là trong ngôi nhà của cha mẹ cô có đầy đủ tiện nghi từ máy giặt, đầu DVD đến các đồ dùng sinh hoạt khác. “Sumarti đã giúp chúng tôi xây ngôi nhà này”, cha cô Ahmad Kaliman nói. “Mỗi tháng nó còn gửi cho chúng tôi 3m rupiah (300 USD), đôi khi là 6m rupiah. Con tôi là một cô gái tốt”.

Lần đầu, Sumarti rời Gandrungmang đến Hong Kong vào năm 2010. Khi hết hạn visa, cô trở về nhà năm 2013. Cô không chịu được cuộc sống ở quê nhà và mong muốn ra nước ngoài tìm việc thêm một lần nữa. Lần xuất ngoại này cũng là chuyến đi cuối cùng của Sumarti.

Vài ngày trước khi Sumarti kết thúc chuyến đi thứ 2 trở về nhà, gia đình cô đã nhận được tin dữ cô đã chết trong căn nhà của kẻ giết người Rurik Jutting. Dân làng đồn thổi rằng Sumarti đang là một cô gái mại dâm ở Hong Kong và bị giết. Gia đình cô khẳng định cô đang làm việc trong một quán cà phê.

Tại Hong Kong

Ở sân bay Hong Kong, có thể nhận được sự khác biệt giữa những phụ nữ Indonesia mới và cũ. Những người mới đến sẽ trùm khăn kín đầu và mặc váy dài, trong khi những người đã sống ở đây một thời gian sẽ mặc quần jean bó sát, quần áo hở hang và trang điểm.  

Hơn 150.000 người Indonesia đang sinh sống và làm việc ở Hong Kong như người giúp việc, trông trẻ, phục vụ tầng lớp trung lưu của thành phố. Nhưng cuộc sống của những người giúp việc ở đây không phải dễ dàng. Dậy sớm, nấu ăn, chăm sóc con cái và đôi khi chủ nhà còn đòi hỏi cao hơn mà mức lương họ nhận được chỉ là 500 USD/tháng.

Đó là một số tiền lớn ở quê nhà nhưng ở Hong Kong nó không đáng là bao.

Quán bar mà Sumarti được nhìn thấy lần cuối

Sumarti đến Hong Kong làm giúp việc nhưng cuối cùng đã bỏ công việc đó. Cũng giống như Sumarti, Lydia đến Hong Kong để làm giúp việc nhưng bỏ để tìm việc làm lương cao hơn. Cứ vài tuần cô lại thay đổi địa chỉ và công việc để đảm bảo an ninh của Hồng Kông không tìm thấy.

Lydia biết cả Sumarti và Seneng. Cô cho biết họ sống trong một khu nhà trọ công nhân bất hợp pháp. "Sumarti làm giúp việc trong một thời gian, nhưng sau đó cô nhìn thấy sự khác biệt giữa làm việc nhà với làm việc bất hợp pháp”.

Lydia nói Sumarti và Seneng đã trở thành gái gọi trong thành phố thay vì gắn bó với làm việc nhà và trông trẻ, hơn nữa vì những cám dỗ tiền bạc và vật chất nơi đất khách quê người.

Lydia đã làm việc bất hợp pháp một thời gian nhưng hiện tại cô đang rửa bát, dọn bàn trong một quán bar. Đôi khi nhiều người đàn ông đề nghị trả tiền để được lên giường với cô nhưng Lydia không chấp nhận vì biết rằng nó có quá nhiều rủi ro so với việc chỉ làm một người giúp việc.

Cảnh sát đang khám xét ngôi nhà mà xác Sumarti được tìm thấy

Lydia nói rằng một số người lao động Indonesia đã quá hạn thị thực và họ chuyển đến làm việc bất hợp pháp trong các quán bar tồi tàn ở Wan-Chai, khu vực giải trí của Hong Kong.

Bên trong New Makati, câu lạc bộ mà Sumarti được nhìn thấy lần cuối, một người đàn ông da trắng đang sờ mò 2 người phụ nữ trẻ châu Á và nhét một xấp tiền vào túi họ. Hàng chục cô gái trẻ Indonesia đang nhảy nhót trên sàn bên cạnh những người đàn ông da trắng nhiều tiền.

Nhưng có điều cũng phải công nhận rằng chỉ có một số người lao động nước ngoài chọn con đường này để làm giàu. "Những người lao động nhập cư từ Indonesia đến Hong Kong với ước mơ giàu có hơn. Những giấc mơ buộc họ phải làm bất cứ điều gì để mọi người ở nhà thấy họ đang thành công”, Sringatin, Phó trưởng Hiệp hội lao động Indonesia ở Hong Kong cho biết.

Trở lại làng

Một vài ngày sau khi chết, thi thể của Sumarti đã đưa về Jakarta và sau đó về đến làng. Cô được chôn cất tại nghĩa trang làng. Lễ tang sáng sớm có sự tham dự của bạn bè, gia đình và hàng chục người hàng xóm.

Đám tang của cô gái đoản mệnh

Con trai Sumarti vẫn ngây ngô và chỉ hiểu rằng mẹ không bao giờ trở về nhà. Cậu bé đang chơi với bạn ngay dưới gốc cây mà mẹ cậu chơi ngày còn nhỏ. Khuôn mặt của những đứa trẻ hồ hởi khi được hỏi ước mơ là gì: giáo viên, bác sĩ, y tá… Không ai nói rằng ước mơ là một người xuất khẩu lao động. Nhưng thực tế là đó là tương lai có thể có của hầu hết các bé gái trong làng. Khi không có việc làm, những cô gái trẻ sẵn sàng bỏ làng, bỏ quê hương đi xuất khẩu lao động.

Tuy nhiên, đôi khi mức giá mà họ phải trả quá cao…