|
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (thứ hai từ trái sang) tiếp đoàn khách Nhật Bản tại Bắc Kinh ngày 5-7, trong đó ông Denny Tamaki - Thống đốc Okinawa đứng cạnh bên trái ông Lý Cường |
Đây là một chi tiết được Katsuji Nakazawa - biên tập viên kỳ cựu của hãng tin Nikkei (trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản) đặc biệt chú ý. Ông Nakazawa đã có 7 năm làm phóng viên ở Trung Quốc, sau đó là Trưởng văn phòng Nikkei ở Bắc Kinh. Ký giả này cũng từng được trao giải Nhà báo quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
Buổi tiếp đón long trọng
Theo phân tích của biên tập viên Nakazawa, mọi việc bắt đầu từ việc chụp ảnh chung trong buổi tiếp đón. Ở đó, Thống đốc Denny Tamaki là thành viên của Hiệp hội Xúc tiến thương mại quốc tế Nhật Bản, còn Trưởng đoàn Yohei Kono là Chủ tịch của Tổ chức thúc đẩy quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Nhưng khi chụp ảnh, ông Tamaki đứng bên trái Thủ tướng Lý Cường, còn Trưởng đoàn Yohei Kono đứng bên phải. Chỉ riêng việc sắp xếp vị trí cũng đã nói lên ẩn ý của Trung Quốc.
Trong lịch sử, nhiều bức ảnh có Chủ tịch Mao Trạch Đông thì đứng bên trái ông thường là những cộng sự thân cận nhất. Đó có thể là cựu Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ hoặc cựu Thủ tướng Chu Ân Lai. Xa xưa hơn nữa, thời Trung Quốc cổ đại, vị quan đứng bên cánh tả thường có vị thế cao hơn bên cánh hữu. Chuyến thăm của Thống đốc tỉnh Okinawa tới Bắc Kinh đã khiến dư luận bàn tán. Nhiều cư dân mạng Trung Quốc tranh luận rằng, lập trường ủng hộ của “Ryukyu” (quần đảo Okinawa từng được gọi là vùng lãnh thổ Ryukyu) sẽ mang lại cho Trung Quốc một chiến thắng về mặt ngoại giao.
Một chuyên gia quen thuộc với quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản cho biết, Trung Quốc trải thảm đỏ đón ông Tamaki theo chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Nguồn tin cho biết: “Có thể nói rằng, vị khách danh dự thực sự không phải là ông Yohei Kono mà là ông Tamaki - người đã bày tỏ sự phản đối đối với các chính sách an ninh của chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida liên quan đến Đài Loan”.
|
Ông Denny Tamaki - Thống đốc Okinawa (thứ hai từ phải sang) tham quan bảo tàng Ryukyu ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến trong chuyến thăm Trung Quốc vào đầu tháng 7-2023 |
Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc không gặp Thống đốc Okinawa, nhưng Thủ tướng Lý Cường đã có buổi tiếp đón long trọng bất thường với phái đoàn có ông Tamaki. Rất hiếm khi một Thống đốc tỉnh của Nhật Bản có thể gặp Thủ tướng Trung Quốc. Đáng nói, ông Lý Cường là một trong những phụ tá thân cận nhất của ông Tập Cận Bình, từng là thư ký của ông Tập khi cả hai từng công tác ở tỉnh Chiết Giang. “Có vẻ như việc Thủ tướng Lý Cường gặp Thống đốc Tamaki đã được quyết định từ rất sớm. Có thể nói rằng quyết định được đưa ra phù hợp với mong muốn của nhà lãnh đạo cao nhất”, một nguồn tin khác quen thuộc với quan hệ giữa Okinawa và Trung Quốc cho biết.
Nước cờ của Trung Quốc
Trước đó, Trung Quốc đã đi một nước cờ sớm hơn sự kiện này. Hôm 1-6, Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Cục Lưu trữ xuất bản và văn hóa quốc gia Trung Quốc ở ngoại ô Bắc Kinh. Trong chuyến thăm đó, ông Tập Cận Bình đề cập đến lịch sử trao đổi giữa Phúc Châu (thành phố nằm trên bờ biển của tỉnh Phúc Kiến, đối diện với Đài Loan) và vùng lãnh thổ xưa kia từng gọi là Ryukyu (tức quần đảo Okinawa). Vương quốc Ryukyu tồn tại trong 450 năm, từ 1429 đến 1879, có quan hệ sâu sắc với Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình từng ở Phúc Châu từ năm 1990 đến 2002, là lãnh đạo cao nhất của Phúc Châu và sau đó là lãnh đạo của tỉnh Phúc Kiến.
Khi ở Trung Quốc, Thống đốc Okinawa cũng đã đến thăm Phúc Châu - nơi có một bảo tàng nhỏ về sự trao đổi giữa Ryukyu và các triều đại nhà Minh, nhà Thanh của Trung Quốc. Một bức ảnh của ông Tập Cận Bình chụp trong thời gian ở Phúc Châu được trưng bày tại cơ sở này.
|
Cổng vào tòa nhà chính của Cục Lưu trữ xuất bản và văn hóa quốc gia Trung Quốc nằm ở ngoại ô Bắc Kinh |
Để hiểu được loạt diễn biến gần đây liên quan đến quan chức Okinawa, cần phải hiểu ý nghĩa chuyến thị sát của người đứng đầu Bắc Kinh đối với Cục Lưu trữ xuất bản và văn hóa quốc gia Trung Quốc. Nội dung buổi làm việc đã được đăng tải lên trang nhất của tờ Nhân dân nhật báo (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc) số ra ngày 4-6-2023. Cơ sở lưu trữ vừa được khánh thành này nằm trong vùng núi ở quận Trường Bình (Bắc Kinh) và là nơi có 13 lăng mộ hoàng đế nhà Minh đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Tòa nhà chính của kho lưu trữ ở Bắc Kinh cùng với 3 chi nhánh hoành tráng của nó ở Hàng Châu, Quảng Châu và Tây An (thủ đô của Trung Quốc cổ đại) được ví như biểu tượng cho “kỷ nguyên mới” của ông Tập Cận Bình.
Người ta nói rằng, cơ sở đóng vai trò là “trung tâm xuất bản quốc gia” lần đầu tiên được thành lập vào đầu thế kỷ 15, dưới triều đại nhà Minh (1368-1644). Ở đó chứa các khối gỗ dùng để in sách và ghi chép lịch sử. Thời đó, việc biên soạn sách sử đều do các hoàng đế nhà Minh và nhà Thanh kiểm duyệt, điều này thể hiện uy quyền của họ. Quan trọng hơn, sự kiểm soát chặt chẽ đối với lịch sử và văn hóa của các triều đại Trung Quốc khiến những quốc gia xung quanh thấy được “trật tự lấy Trung Quốc làm trung tâm”. Kho lưu trữ được Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trương xây dựng phần nào gửi gắm thông điệp đó. Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đã định vị chuyến đi của Thống đốc Tamaki tới Phúc Châu như một phần của dự án lập Cơ quan Lưu trữ văn hóa và ấn phẩm quốc gia, mà theo một nguồn tin là do ông Tập Cận Bình yêu cầu. Giới chức Bắc Kinh trải thảm đỏ đón ông Tamaki vì họ không coi Okinawa đơn thuần là một vùng của Nhật Bản. Họ chuẩn bị để biến Okinawa cùng với dự án lấy Cục Lưu trữ xuất bản và văn hóa quốc gia Trung Quốc làm biểu tượng trở thành “át chủ bài” trong quan hệ ngoại giao đối với Nhật Bản và các quốc gia khác. Động thái này cũng liên quan đến vấn đề Đài Loan do tương cận Okinawa về mặt địa lý.
Trong bài bình luận trên Nikkei, nhà báo Katsuji Nakazawa nhận định, có vẻ như Trung Quốc muốn gây áp lực với Nhật Bản bằng cách không xóa ngay các lập luận xoay quanh “Ryukyu”. Họ đang chơi một ván bài, trong đó ngầm cảnh báo nếu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác tiến thêm một bước trong vấn đề Đài Loan thì Trung Quốc có thể đáp trả bằng cách sử dụng lá bài tương cận Ryukyu.