Lưới lửa phòng không mạnh nhất thế giới đang bảo vệ thủ đô Kyiv

ANTD.VN - Một lưới lửa phòng không mạnh nhất thế giới đã được thiết lập để bảo vệ thủ đô Kyiv của Ukraine.

Một sĩ quan chỉ huy mang quân hàm Đại tá của Lực lượng vũ trang Ukraine trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Times đã nói rằng thủ đô Kyiv đang được bảo vệ bởi lưới lửa phòng không mạnh nhất thế giới.

"Hiện tại xung quanh khu vực thủ đô Kyiv có một lưới lửa phòng không mạnh nhất thế giới, được cấu thành từ các tổ hợp Patriot của Mỹ, NASAMS của Na Uy, IRIS-T của Đức, Crotale của Pháp và cả S-300 từ thời Liên Xô", nguồn tin cho biết.

Những hệ thống phòng không do phương Tây cung cấp cho Ukraine đóng vai trò quyết định trong việc bảo vệ bầu trời Kyiv, khi tính năng kỹ chiến thuật của chúng được đánh giá ở mức rất cao so với vũ khí chế tạo từ thời Liên Xô.

Tuy nhiên vị Đại tá Quân đội Ukraine nói thêm rằng tất cả các hệ thống tên lửa phòng không mà ông vừa đề cập ở trên đang gặp phải tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng.

Theo nhận xét, phương Tây đã không lên kế hoạch tốt và không dự tính được hoàn toàn những gì có thể xảy ra. Nếu đánh giá chính xác tình hình, sẽ không có vấn đề gì xảy ra đối với nguồn cung cấp đạn dược.

"Bạn không thể lên kế hoạch cho một cuộc chiến khi chỉ sản xuất 150 - 160 tên lửa đánh chặn dành cho tổ hợp Patriot hàng năm. Chúng tôi đã sử dụng số lượng này chỉ trong vòng một tháng".

"Nếu chúng ta đợi đến mùa thu, vào khoảng giữa tháng 10, có nguy cơ xảy ra những cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng một lần nữa, chắc chắn mùa đông năm nay sẽ còn khó khăn hơn năm ngoái", người đối thoại của tờ The Times dự đoán.

Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, để đối phó tốt hơn những cuộc tập kích tên lửa, họ cần thêm nhiều hệ thống phòng không tối tân khác để có thể đánh chặn đa dạng các loại mục tiêu.

Hiện tại, các tổ hợp phòng không của Ukraine có năng lực rất tốt khi được sử dụng để tiêu diệt tên lửa đạn đạo cũng như tên lửa hành trình, xác suất trúng đích của chúng theo nhận xét đạt mức gần 100%.

Mặc dù vậy, khi gặp phải những phương tiện tấn công tương đối rẻ tiền, chẳng hạn như máy bay không người lái cảm tử Shahed-136 thì những hệ thống Patriot, NASAMS hay IRIS-T không phải lựa chọn tối ưu.

Việc sử dụng những quả tên lửa đánh chặn trị giá nhiều triệu USD để tiêu diệt mục tiêu bay có giá thành chỉ vài chục ngàn USD rõ ràng quá lãng phí và không thể duy trì cơ số đạn cần thiết nhằm chiến đấu lâu dài.

Để khắc phục tình trạng này, Ukraine đang yêu cầu đối tác viện trợ đạn dược cho những tổ hợp phòng không thế hệ cũ vốn có giá thành rẻ hơn rất nhiều, để "đặc trị" những phương tiện tấn công rẻ tiền như UAV cảm tử Shahed-136.

Bên cạnh đó việc bổ sung những tổ hợp pháo cao xạ tự hành cũng là rất cần thiết, đặc biệt khi ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine có thể tự chủ đạn cho chúng, bởi hoạt động sản xuất đã được nối lại.

Khi kết hợp những tổ hợp vũ khí nói trên lại với nhau, lực lượng phòng không bảo vệ Kyiv có thể đánh bại cuộc tập kích ồ ạt bằng chiến thuật tung UAV cảm tử đi trước "dọn đường", rồi tên lửa hành trình và đạn đạo nối tiếp để ra đòn quyết định.