- Thủ tướng Czech: EU nên "cầu cứu" Nga để giải quyết khủng hoảng tị nạn
- CH Czech phạt nặng hành vi kỳ thị người nước ngoài
Kinh doanh nhà hàng là lĩnh vực chịu tác động mạnh của Luật EET
Hôm 25-2, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình tại Quảng trường Vaclav ở trung tâm Thủ đô Praha của Czech. Cuộc biểu tình do Hiệp hội doanh nhân và quản lý (APM) tổ chức để bày tỏ sự bất bình đối với Luật Thống kê doanh thu trực tuyến (EET). Những người biểu tình giương cao các khẩu hiệu phản đối Luật EET, chỉ trích Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính A. Babis, tác giả của Luật EET, đồng thời phê phán Thủ tướng B. Sobotka thỏa hiệp với ông A. Babis.
Bắt đầu được áp dụng từ ngày 1-12-2016, Luật EET là hình thức nối mạng máy tính tiền ở các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, sản xuất với các cơ quan tài chính. Khi máy tính tiền nhập một khoản thu nào đó, dù là nhỏ nhất, thì ngay lập tức số liệu sẽ được truyền tới cơ quan tài chính. Sau khoảng 2-3 giây, cơ quan tài chính sẽ gửi lại máy tính tiền mã số của khoản thu đó để in ra cho khách hàng.
Các khoản thu từ một máy tính tiền được lưu lại trong hồ sơ của cơ quan tài chính và cộng dồn lại vào cuối tháng để tính thuế doanh thu lên tới 21%. Để tránh trường hợp người nhận tiền không in phiếu thu, ngoài các biện pháp kiểm tra và phạt nặng thì cơ quan tài chính còn khuyến khích người trả tiền nâng cao ý thức giám sát bằng cách tổ chức quay xổ số các phiếu thu.
Được thử nghiệm đầu tiên trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn, dự kiến từ tháng 3-2017, Luật EET sẽ mở rộng tới việc bán buôn và bán lẻ hàng hóa. Tổng cộng có khoảng 300.000 doanh nghiệp lớn, nhỏ chịu tác động của Luật EET. Theo dự tính của Bộ trưởng Tài chính A. Babis, ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm khoảng 18 tỷ koruna (tương đương 666,7 triệu euro).
Trong khi Chính phủ Czech hy vọng sẽ có thêm nguồn thu và ngăn chặn nạn trốn thuế thì các doanh nghiệp chịu tác động của Luật EET, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ tỏ ra rất lo ngại. Rất nhiều các nhà hàng ẩm thực đang làm việc với hệ thống thu ngân không đủ khả năng kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu của Luật EET. Cụ thể đây là những máy tính tiền đơn giản không thể kết nối mạng được hoặc khi sản xuất không có yêu cầu giao dịch qua internet.
Ông Varoslav Kral - một luật sư dẫn ra ví dụ như chủ nhà hàng phải tự bỏ tiền ra để cung cấp hóa đơn cho món hàng chỉ giá 2 koruna (tương đương 2.000 đồng) vì nếu không đưa hóa đơn cho khách hàng thì sẽ bị phạt nặng. Nhiều người khác thì lo ngại những hệ quả nặng nề mà Luật EET mang lại như tận thu thuế, gây phiền phức, làm tăng chi phí, cản trở việc kinh doanh, chèn ép những người kinh doanh nhỏ.
Chính vì thế mà ngay ngày đầu tiên áp dụng bộ luật này, hơn 1.000 nhà hàng, quán bia tại Czech đã đóng cửa, trong đó có những nhà hàng được thành lập từ thế kỷ 19. Từ một vấn đề kinh tế, Luật EET đã lan sang lĩnh vực chính trị khi các chính khách đối lập, trong đó có Đảng Dân chủ Công dân (ODS) cho rằng EET không làm tăng ngân sách mà làm tăng sự bất ổn xã hội Czech. Đảng Dân chủ cơ đốc giáo KDU-ČSL cũng lên tiếng phản đối Luật Thống kê doanh thu trực tuyến.
Một nhóm các doanh nhân ở Czech đã soạn bản kiến nghị gửi Chính phủ Czech về việc hủy bỏ Luật EET. Bản kiến nghị đã chỉ trích sự can thiệp của chính quyền đối với hoạt động kinh doanh, đặc biệt là đối với những vùng miền khó khăn muốn khởi nghiệp, nhấn mạnh Luật EET không chỉ làm tổn hại đến các thương nhân mà còn khiến người tiêu dùng phải chịu gánh nặng chi phí do giá tăng.
Tuy nhiên, theo nhận định chung của các chuyên gia thì nỗ lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Czech nhằm chống lại đạo luật EET rất khó thành công, bởi Chính phủ Czech, đặc biệt là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính A. Babic rất quyết tâm thực hiện Luật EET. Cứ theo đà này, Luật EET có thể trở thành một vấn đề chính trị lớn ở Czech, nhất là vào dịp bầu cử.