Lời ru buồn ở xóm "vô địch… đẻ"

ANTĐ - Cách trung tâm thành phố Thái Nguyên không xa, xóm nghèo Mỏ Ba, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ được nhiều người biết tới bởi danh hiệu xóm "vô địch đẻ”.

Nhà đông nhất đẻ 20 người con

Xóm nghèo Mỏ Ba, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ nằm lọt thỏm trong lòng núi. Gần Tết đứng trên cao nhìn về phía xa, từng đoàn người vẫn phành phạch xe máy chở những lát gỗ lim, nghiến mót được từ rừng già đã bị khai thác kiệt quệ ra ngoài bản.

Xóm Mỏ Ba nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng.

Đường lên với xóm quanh co, uốn lượn quanh sườn núi. Những con dốc thẳng đứng, những đoạn cua gấp và mặt đường lổn nhổn đất đá, lầy lội, trơn như bôi mỡ mỗi trận mưa qua. Bản làng chiều nay mây giăng và mịt mờ trong khói bếp.

Chỉ cách trung tâm thành phố Thái Nguyên không xa, xóm nghèo Mỏ Ba, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ được nhiều người biết tới bởi “danh hiệu”… “xóm vô địch đẻ”.

Xóm với 6 dân tộc gồm Dao, Mông, Nùng, Kinh, Cao Lan sinh sống, chỉ 132 hộ nhưng tổng nhân khẩu đã xấp xỉ 1000. Góp phần làm nên “bảng thành tích” này theo phó thôn Triệu Phúc Bình “chủ yếu là người Mông” (chiếm 65% dân số).

Xòe bàn tay ra, vị phó xóm trẻ tuổi Triệu Phúc Bình bắt đầu nhẩm tính. “Ôi, thôi nhiều lắm! Nhà ít thì 7 người con, đông thì 8-9 (như cặp vợ chồng Hồng Văn Nó (1967) - Vương Thị Dàng (1968) đã có 9 con, Hoàng Đức Quân (1961) - La Thị Hoa (1966) cũng 9 con, Vương Văn Khìn (1965)- Trương Thị Lý (1965): 9 con).

Nhiều hơn nữa thì từ 11-13 như ông Đào Văn Tư (13 con), ông Hồng Văn Páo (11 con), Lý Văn Día (11 con). Nhưng đông nhất vẫn là nhà ông Ngô Văn Sùng (20 người con)”.

Mới 54 tuổi mà Vương Văn (người Mông) trông như cụ ông đã gần thất tuần với một nách 7 đứa con nheo nhóc. Lý giải lý do vì sao người dân ở đây lại đẻ sòn sòn đến thế, lão cười móm mém (răng đã bị gãy mấy cái), phân bua:

“Đặt vòng ảnh hưởng sức khỏe lắm bởi nhà nào cũng có ruộng, có nương, dùng bao-cao-su không chịu được. Nhà nào đã có thai thì phải sinh, bỏ đứa bé trong bụng là trái với Chúa, là có tội, không ai dám làm đâu”.

Hai vị trưởng, phó xóm Mỏ Ba ngồi cạnh bên cũng ậm ừ, mắt buồn xa xăm gật đầu khẳng định những lời Vương Văn vừa nói.

Sinh đẻ là trời cho

Theo chân trưởng thôn Vương Văn Lầu, chúng tôi vào thăm nhà chị La Thị Hoa. Đi qua căn nhà chính bằng gỗ, sàn đất lỗ chỗ những hang hố xuống tới căn bếp nhỏ vốn là nơi sinh hoạt chính của gia đình, lửa từ những cành củi khô đang bập bùng cháy.

Giữa mùa đông rét mướt nhưng những con của Páo có đứa vẫn trần truồng, lang thang trên thưở ruộng trước nhà.

Giữa mùa đông rét mướt nhưng những con của Páo có đứa vẫn trần truồng, lang thang trên thưở ruộng trước nhà.

Xung quanh là những bàn tay nhỏ lấm lem và gương mặt đỏ bừng vì ngồi cạnh lửa. Người anh cả Hoàng Kim Đông (sinh năm 1986) lúi húi dọn dẹp đống bát đũa vừa ăn xong còn nằm chỏng chơ trên chiếc bàn gỗ cũ kỹ.

Chị Hoa và cô con gái đang cặm cụi thái rau, chuẩn bị nồi cám cho mấy con lợn phía sau nhà. Người mẹ cười nhăn nhó: “Cũng thấm thía rồi, sinh nhiều là vất vả lắm, không chăm lo được nhiều cho đàn con”.

Chị bảo “sinh đến thằng thứ 6, đã kế hoạch rồi mà “lỡ” bị bệnh nên phải tháo vòng”. Rồi đứa thứ 7, 8 và thằng út Hoàng Văn Ly (sinh năm 2006, kém anh cả tròn 20 tuổi) đã chào đời.

Cách nhà chị Hoa một thửa ruộng là gia đình Vương Văn Páo – Lý Thị Sào. Mới 33 tuổi, Páo đã là bố của 13 đứa trẻ (2 đứa đã mất vì bệnh tật). Ngôi nhà chiều nay chống hoác, chỉ có cậu anh cả Vương Văn Dí với 2 người em ở nhà. Mẹ Dí đi làm đồng, còn Páo đã trở dậy từ sáng, vào rừng săn thú.

Tiếng là anh cả nhưng Dí chỉ sinh năm 1996. Vậy là suốt mười mấy năm từ khi Dí chào đời, mỗi năm vợ chồng Páo – Sào sinh một đứa.

Nhưng, mọi con số trên đều bị xô đổ trước “kỳ tích” 20 người con của Ngô Văn Sùng (dân tộc Mông). Mới 56 tuổi, Sùng đã lên chức cụ. Con của Sùng 5 đứa đã dựng vợ, gả chồng. Rồi con của những người con ấy đã lại lên vợ chồng và có con.

Vào nhà đến lần thứ 3 mới gặp được Sùng vì hôm nay lão bận có việc ở nhà người con cả (đã đi làm ăn xa, lão ra trông coi hộ). Tiếng là lên chức cụ nhưng lão vẫn cơ bắp, khỏe như thân cây lim, cây nghiến trên rừng, xe máy vẫn lao như băng trên đoạn đường gồ ghề toàn dốc với đèo.

Mới 21 tuổi, Trần Thị Cu (vợ của Hoàng Kim Chu) đã một nách hai con.

Mới 21 tuổi, Trần Thị Cu (vợ của Hoàng Kim Chu) đã một nách hai con.

Những đứa con, cháu vây quanh ngôi nhà Sùng nô đùa, nghịch ngợm. Tất cả sàn sàn như nhau, mặt mày lấm lem. Cậu bé út mới lên 5 - 6 của Sùng tay cầm dao dựa đang lũn cũn chơi dưới bìa ruộng lúa đã thu hoạch còn chơ gốc rạ. Thoáng thấy người lạ, những đứa trẻ mắt ngơ ngác, có đứa khóc thét lên chẳng hiểu vì đói hay rét hay thấy chúng tôi, rồi chạy vòng ra phía sau hiên nhà, mắt tò mò hấp hé nhìn ra.

Cháu con nhiều quá, Sùng cũng chẳng đủ trí nhớ để ghi tên tất cả chúng vào đầu. Lão bảo chỉ nhớ mặt thôi. Từ đứa thứ nhất sinh năm 1978, Sùng cứ theo “định kỳ” hàng năm cho ra những người con với hai bà vợ. (Cũng thật lạ là hai bà vợ bao nhiêu năm ở với lão đều rất hòa thuận, chẳng mấy khi lời qua tiếng lại với nhau).

Lão ậm ừ, pha trò: “Cũng chưa biết được. Cứ có thai thì sinh thôi. Tính cả con cháu gần 60 người thế là thành một xóm được rồi nhỉ?” Định mang máy ảnh ghi lại một vài bức ảnh thì Sùng gạt tay “không thích đâu”, nhất quyết là không.

Trưởng thôn Vương Văn Lầu (cũng là con rể của lão) mãi sau này mới thì thầm giải thích với chúng tôi: “Có nhà báo từng lên đây, viết nói bố vợ mình sinh con nhiều là xấu, lạc hậu. Ông không thích thế. Sinh đẻ là trời cho, sao bảo xấu?...