Loạt vũ khí độ, chế cực 'dị' nhưng đầy hiệu quả trên chiến trường Trung Đông

ANTD.VN - Chiến trường Trung Đông là nơi chứng kiến sự ra đời của nhiều loại vũ khí tự chế rất 'dị', tuy nhiên chúng tỏ ra hiệu quả không kém khi so với vũ khí chính quy.

Tháp pháo xe tăng Type 59 gắn hẳn lên khung gầm một chiếc xe tải Mercedes Benz Actros 8x4, nó được gia công thêm một bộ khung vững chắc đi kèm chân chống cân bằng, giúp tránh trường hợp lật xe khi khẩu pháo 100 mm khai hỏa.

Hầu hết các mẫu xe tải hoạt động tại Iraq hay các quốc gia nghèo ở Trung Đông đều được "viện trợ" từ những lô xe hết niên hạn sử dụng có nguồn gốc châu Âu (vòng đời rất ngắn, chỉ khoảng 5 năm do tiêu chuẩn vô cùng gắt gao).

Ý tưởng cũng rất độc đáo khi tháo rời tháp pháo của xe tăng Type 59 (phiên bản Trung Quốc sao chép T-54A của Liên Xô) và lắp đặt trên một rơ mooc kéo với 2 trục, có thể dễ dàng di chuyển khi kết nối rơ mooc với các loại xe tải hay xe quân sự khác.

Kế tiếp là một mẫu khí tài nhìn sơ qua khá giống với phong cách những loại xe tăng của phe Phát xít trong Thế chiến thứ 2. Thực chất đây là khẩu pháo phòng không 57 mm tách rời từ hệ thống AZP S-60 và lắp đặt trên khung gầm xe tăng T-55 - sản phẩm của xưởng cơ khí Farquat al-Abbas.

Thừa hưởng những tính năng của một khẩu pháo phòng không với tầm bắn hiệu quả 5,5 km (tối đa 12 km), cho phép phương tiện này tiêu diệt nhanh chóng xe bọc thép hạng nhẹ hay các loại xe bán tải vũ trang, triển khai yểm trợ hỏa lực tốt trong tác chiến đô thị hay những nơi có địa hình phức tạp.

Đặc biệt, khẩu súng máy hạng nặng DShK 12,7 mm thường được lắp đặt trên các xe tăng Liên Xô nay lại xuất hiện trên một bộ khung "vững chãi", đó là chiếc xe lôi 3 bánh của Trung Quốc 

Rocket tự chế gắn trên khung gầm một chiếc xe tải cũ, việc cắt ghép và hoán cải như trên khiến nhiều phương tiện tưởng như phải ra bãi rác vẫn còn phục vụ được. 

Vũ khí trên của Syria không có hệ thống ngắm bắn hay điều khiển nhưng sức công phá của nó thì cực lớn, dễ gây thương tích nặng nề cho đối phương.

Một loại tên lửa tự chế khác không rõ tên định danh, so với rocket "Con voi" thì quả đạn này có hình dáng khí động học tốt hơn hẳn với các cánh điều hương trên thân, có điều chưa rõ là tầm bắn cũng như khả năng sát thương của nó đến đâu.

Sự sáng tạo không tưởng khi giờ đây xe xúc lật cũng được tận dụng làm khung gầm mang pháo phản lực phóng loạt tự chế, những ống phóng rocket trên có cơ cấu nâng hạ lấy góc bắn cực kỳ độc đáo và cũng chẳng kém phần độc lạ.

Đây có lẽ là những hệ thống pháo phản lực phóng loạt tự chế có bề ngoài trông "chính quy" nhất khi ống phóng được gắn trên khung gầm xe tải quân sự việt dã và xe chiến đấu bộ binh BMP-1, chúng phần nào mang hơi hướng của những tổ hợp MLRS của Quân đội Nga.

Giàn phóng rocket tự chế đặt trên khung gầm xe tải này yêu cầu người bắn phải nối dây và thực hiện thao tác khai hỏa từ cự ly an toàn nhằm tránh rủi ro phát sinh bất chợt, loại vũ khí này có điểm "ưu việt" hơn đó là nó có sẵn đạn dự trữ trong các hộp chữ nhật đặt ngay phía sau.

Hệ thống "Cối phóng loạt tự hành" này có cơ cấu càng chống khá đặc biệt khi không sử dụng xi lanh thủy lực thường thấy, ngoài ra chưa rõ thao tác bắn của nó ra sao vì nếu phải nạp lần lượt đạn cho từng nòng rồi mới ra lệnh bắn thì tốc độ còn chậm hơn cách thức bắn truyền thống.

Một cải tiến khác với gàu xúc của máy công trình, giúp có thể tác xạ vào đội hình quân địch từ các góc bắn với độ cao khác nhau, rất khó lường.

Một chiếc xe ủi được "độ chế" các tấm thép quây kín các mặt, trông bề ngoài rất xấu và tạm bợ nhưng tác dụng mang lại không nhỏ, khiến cho người điều khiển cảm thấy tự tin hơn khi làm việc ngoài vùng chiến trận, khả năng chống đạn súng bộ binh của nó được dự đoán là không tồi chút nào.

Cuối cùng là một vỏ bình gas cũng được mang ra hoán cải trở thành đạn pháo phản lực phóng loạt tự chế với sức sát thương khá kinh hoàng, nó được độ thêm chuôi đạn để phục vụ phóng từ bệ bắn và cho khả năng bay chính xác hơn.