Loạt khí tài Mỹ chưa qua thực chiến sẽ được dùng để chống Nga tại châu Âu?

ANTD.VN - Loạt khí tài chưa qua thực chiến của Mỹ nhiều khả năng sẽ có đối tượng thử nghiệm "chất lượng cao" là Quân đội Nga, trong trường hợp chiến tranh nảy sinh tại châu Âu.

Các đơn vị Mỹ đã mang theo vũ khí chưa được thử nghiệm trong trận chiến tới châu Âu, chúng được lên kế hoạch sử dụng trong trường hợp có xung đột giả định với Moskva. Ông Kyle Mizokami - một nhà báo của Cổng thông tin Popular Mechanics đã nói về điều này.

Nhà phân tích Mỹ nhắc lại rằng Washington gần đây đã cử lính dù đến Đông Âu "để hỗ trợ các đồng minh NATO và Ukraine" trong bối cảnh tồn tại "mối đe dọa từ Nga". Được biết khoảng 1.700 binh sĩ từ Sư đoàn Dù 82 đã đến Ba Lan, và khoảng 300 lính dù nữa sẽ được triển khai tại Đức.

Đánh giá về khả năng chiến đấu của Quân đội Mỹ,chuyên gia Mizokami cho biết: “Có vẻ như binh sĩ Mỹ đã mang theo một kho vũ khí chưa được kiểm tra trên thực địa tới châu Âu”.

Chúng ta đang nói về vũ khí và thiết bị quân sự chưa được kiểm chứng trong điều kiện thực tế, rõ ràng Mỹ và NATO dự định sử dụng chúng trong trường hợp đụng độ với Nga như một bài kiểm tra "chất lượng cao".

Đầu tiên trong danh sách thống kê là tổ hợp tên lửa chống tăng nổi tiếng FGM-148 Javelin. Ông Mizokami nhớ lại rằng gần đây đã có rất nhiều lời bàn tán về việc cung cấp vũ khí do Mỹ sản xuất này cho Ukraine.

Không phải ngẫu nhiên khi Javelin được thiết kế đặc biệt để đối phó với đội hình thiết giáp của Liên Xô và sau đó là Nga. Tuy nhiên vũ khí của Mỹ phát huy hiệu quả như thế nào trên thực địa vẫn là một ẩn số.

"Javelin được sử dụng để phá hủy các boong-ke và công trình kiên cố khác trong chiến dịch của Mỹ ở Afghanistan và Iraq, nhưng hiếm khi phục vụ trong vai trò diệt tăng như dự kiến ​​ban đầu", ông Mizokami nói.

"Đồng thời FGM-148 Javelin dự kiến ​​sẽ trở thành một hệ thống vũ khí chủ chốt cho lực lượng bộ binh hiện đang đóng quân ở châu Âu", chuyên gia Mizokami lưu ý thêm.

Ngoài ra các đơn vị Mỹ, bao gồm cả những binh sĩ thuộc Sư đoàn Dù 82 sẽ sử dụng xe bọc thép Stryker ICV Dragoon hiện đại hóa, được trang bị pháo tự động XM-813 30 mm.

Nhà báo Mizokami nhấn mạnh: “Loại vũ khí này được thiết kế để tiêu diệt các phương tiện bọc thép hạng nhẹ của đối phương, chẳng hạn như xe chiến đấu bộ binh BMP-2 và BMP-3 của Nga, cũng như xe thiết giáp bánh lốp BTR-80”.

Tuy nhiên, hiệu quả của pháo tự động XM-813 được lắp trên xe bọc thép Stryker, vẫn chưa được thử nghiệm trong điều kiện thực chiến.

Tiếp theo là chiếc SUV ISV của Quân đội Mỹ. Phương tiện này không được thử nghiệm tại hiện trường, nhưng ngay cả trên thao trường nó vẫn chưa được chứng minh là tốt nhất. Ông Mizokami nhớ lại: "Trong quá trình thử nghiệm đã ghi nhận nhiều thiếu sót ở ISV".

“Tuy nhiên miễn là không có sự thay thế nào cho các quân nhân Mỹ đến Ba Lan, họ sẽ phải di chuyển trên chiếc SUV đặc biệt này”, nhà báo của tờ Popular Mechanics nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chuyên gia Kyle Mizokami chỉ ra rằng cho đến nay việc "triển khai ở châu Âu" mới chỉ ảnh hưởng đến các lực lượng và thiết bị mặt đất của Mỹ.

Tuy nhiên trong tương lai, Washington gần như chắc chắn sẽ cử hàng không đến trợ giúp đồng minh, họ chủ yếu trông cậy vào tiêm kích tàng hình F-35A với khả năng chống lại các mục tiêu trên không và trên bộ.

“F-35 đã từng tham chiến ở Afghanistan và Iraq, nhưng trong cả hai trường hợp, máy bay chiến đấu của Mỹ đều phải đối đầu với kẻ thù yếu về kỹ thuật, nó chưa được sử dụng để chống lại kẻ thù sở hữu hệ thống phòng không tiên tiến và tiêm kích hiện đại"

“Các hệ thống tên lửa phòng không Tor, Buk và S-400 của Nga nằm trong số những vũ khí nguy hiểm nhất trên thế giới, trong khi chiến đấu cơ MiG-29, Su-30 và Su-35 gây ra mối đe dọa nghiêm trọng trên không”, tác giả bài viết cảnh báo.

Do vậy, vẫn chưa rõ kho vũ khí do Washington cung cấp cho châu Âu sẽ có hiệu lực ở mức độ nào trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự thực sự với Moskva.