Lo ngại Nga, Thụy Điển tăng quân ở đảo tiền tiêu

ANTD.VN -  Các lực lượng vũ trang Thụy Điển đang tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu ở một số khu vực trong đó có đảo Gotland với lý do Nga gia tăng hoạt động quân sự.
"Các nguồn lực quân sự sẽ được tăng cường đến một số nơi của Thụy Điển trong đó có đảo Gotland tại biển Baltic", Michael Claesson, giám đốc hoạt động của quân đội Thụy Điển, cho biết trong một tuyên bố hôm 13/1.

Tờ Aftonbladet hôm 14/1 công bố hình ảnh cho thấy xe bọc thép tuần tra bến cảng Visby, thị trấn lớn nhất trên đảo.

Thụy Điển là quốc gia lớn nhất ở Bắc Âu, nhưng lại không phải thành viên NATO, chính vì thế họ phải dựa hoàn toàn vào sức mạnh nội tại của mình.
Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, Thụy Điển khôi phục chế độ quân dịch bắt buộc từ năm 2018 và tăng cường khả năng quân sự vốn đã suy giảm từ cuối năm Chiến tranh Lạnh.

Đảo Gotland nằm cách vùng Kaliningrad của Nga, khu vực được quân sự hóa, khoảng 320 km về phía tây bắc.

"Tình hình an ninh ở khu vực gần chúng tôi đã nghiêm trọng trong thời gian dài và diễn biến gần đây của các sự kiện củng cố thêm bức tranh đó", bà Claesson nói,

Bà cũng cho rằng động thái của hải quân Nga "không có nghĩa mối đe dọa gia tăng, nhưng chúng tôi luôn thích ứng với tình hình hiện tại".

Hồi đầu tuần, tiêm kích Thụy Điển theo sát các tàu đổ bộ của Hạm đội phương Bắc Nga tiến vào biển Baltic qua eo biển Great Belt, Đan Mạch.
Động thái của Thụy Điển diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây gần đây leo thang sau khi Mỹ, NATO cáo buộc Nga điều khoảng 120.000 quân tới sát biên giới với Ukraine, bày tỏ lo ngại nước này có thể phát động một cuộc chiến tổng lực.

Nga bác bỏ cáo buộc và tuyên bố chúng "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.

Moscow tháng trước đưa ra loạt đề xuất an ninh với phương Tây nhằm tìm cách giảm hiện diện quân sự của NATO xuống mức những năm 1990.

Nga cũng yêu cầu NATO đảm bảo không mở rộng liên minh về phía đông hoặc triển khai vũ khí, lực lượng ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Tuy yêu cầu của Nga đã không được Mỹ và NATO chấp thuận, các nhà lãnh đạo phương Tây cho rằng, quyết định làm bạn hoặc gia nhập tổ chức nào là quyền tự quyết của họ, sẽ không chịu sự chi phối của bất quốc gia nào.

Đầu tuần này, Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Thụy Điển, ông Micael Byden, cảnh báo quân đội Thụy Điển sẽ không thể thực hiện chức năng của mình nếu Nga buộc phương Tây phải đồng ý với các đề xuất của họ.
Trong khi đó, cựu chỉ huy quân đội Thụy Điển ở Gotland những năm 1990, ông Karlis Neretnieks cho rằng nước này nên tăng cường hệ thống vũ khí hạng nặng tới hòn đảo này để phòng thủ.
"Để thực hiện chiến lược tấn công, chiếm đảo chớp nhoáng, đối phương có thể đưa đến đảo Gotland ít nhất 2.500 quân, nếu không tăng cường vũ khí hạng nặng và quân số, hòn đảo này có thể thất thủ chỉ trong một ngày", cựu chỉ huy quân đội Thụy Điển cho biết.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, đối phương có thể có thể bắt đầu đợt tấn công bằng cách điều 60 lính đặc nhiệm giả vờ là các kỹ sư đến sửa chữa đường ống dẫn khí đốt.
Sau khi mở đường đổ bộ lên đảo, 2.000 binh sĩ, 20 xe tăng và các hệ thống phòng không sẽ nhanh chóng xuất hiện, vô hiệu hóa khả năng phản công của Thụy Điển. Sau đó có thể 500 lính dù cũng đổ bộ lên đảo bằng đường hàng không nếu cần thiết.
Cựu sĩ quan quân đội Thụy Điển, Trung tá Jörgen Elfving đồng ý rằng một ngày nào đó, Gotland có thể bị đánh chiếm.
Hòn đảo có thể bị đối phương tấn công từ đường không bằng sự kết hợp giữa lực lượng không quân và lính thủy đánh bộ.

Nga được cho là đã nhắm tới đảo Gotland sau khi thu hồi thành công bán đảo Crimea, quân đội nước này cũng đã tổ chức các cuộc tập trận chiếm đảo trên biển Baltic. Máy bay ném bom Nga cũng xuất hiện trong khu vực.

Tuy vậy, chuyên gia quốc phòng Peter Mattsson nghi ngờ về tham vọng chiếm đảo Gotland của Nga. "Điều đó phụ thuộc vào mục đích của Nga, nhưng rõ ràng là hết sức tốn kém.

Nga hoàn toàn có đủ khả năng chia cắt đảo Gotland khỏi Thụy Điển. Nhưng việc chiếm đảo là không cần thiết. Moscow có thể kiểm soát khu vực này từ xa bằng nhiều cách khác nhau".
Mối quan hệ giữa Thụy Điển-Nga trở nên khá căng thẳng từ năm 2014 khi Nga tăng cường sự hiện diện quân sự tại biển Baltic. Đáp trả hành động của Nga, Thụy Điển tuyên bố cân nhắc khả năng gia nhập NATO.