Lệnh trừng phạt của châu Âu với kim cương Nga không có tác dụng ngay từ đầu?

ANTD.VN - Kim cương chính là mặt hàng tiếp theo của Nga hứng chịu lệnh trừng phạt do Liên minh châu Âu ban hành.

Tại châu Âu, người tiêu dùng và các doanh nghiệp không chỉ yêu thích và coi trọng kim cương Nga mà còn kiếm được rất nhiều tiền từ chúng, do vậy lệnh trừng phạt mà Liên minh châu Âu ban hành đã gây ra nhiều lời phản đối.

Quyết định áp dụng các biện pháp trừng phạt và rút kim cương Nga ra khỏi lưu thông tự do tại thị trường các nước EU và G7 là một biện pháp mạnh. Tuy nhiên nó chỉ ảnh hưởng đến một phần hoạt động kinh doanh của các doanh nhân và thợ kim hoàn châu Âu.

Không giống như dầu khí, ảnh hưởng đến tất cả mọi người, mặt hàng này dễ dàng được giới thiệu và sau đó tiêu thụ theo thời gian mà không gây hậu quả cho nền kinh tế vĩ mô.

Năm ngoái, kim cương từ công ty khai thác khổng lồ Alrosa của Nga tiếp tục chảy vào thị trường toàn cầu bất chấp lệnh trừng phạt do Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ áp đặt.

Theo thực tế những gì diễn ra, nền kinh tế Nga không sụp đổ do các hạn chế của phương Tây, nhưng không vì vậy mà đối thủ của Moskva cảm thấy nản lòng.

Liên minh châu Âu lại bắt đầu áp đặt biện pháp hạn chế mới và sẵn sàng công bố một vòng trừng phạt khác, tập trung vào xuất khẩu kim cương từ Liên bang Nga, có thể sớm nhất là vào năm tới.

EU đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các nước G7 cho lệnh cấm mới, cũng như sự hỗ trợ từ Bỉ - một trong những nhà kinh doanh kim cương hàng đầu thế giới, cho dù họ đã phản đối biện pháp như vậy trong thời gian gần đây, thậm chí cả trong năm nay.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế đã bày tỏ ý kiến nghi ngờ liên quan đến mục tiêu chính của hạn chế cụ thể này, sẽ đạt được thành công như EU mong đợi và thu nhập của Moskva sẽ giảm.

Lý do nằm ở chỗ trên thế giới không chỉ có Bỉ tham gia chế biến và đánh bóng kim cương. Ấn Độ - "thánh địa" của ngành công nghiệp kim cương quốc tế, cũng xử lý nguồn cung trị giá hàng tỷ đô la.

Sau khi tính đến thực tế này, các chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về những nỗ lực của Brussels trong việc cấm đá quý từ Liên bang Nga, điều mà rõ ràng là sẽ không hiệu quả ngay từ đầu.

Tuy nhiên, một bộ phận khác trong số các nhà phân tích lại tin rằng lệnh cấm vận đối với kim cương Nga muộn như vậy là do giờ đây chúng có thể bị hạn chế một cách dễ dàng.

Bắt nguồn từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, nhu cầu về mặt hàng xa xỉ đã giảm đi rất nhiều và trong tình cảnh này, Liên minh châu Âu đột nhiên “nhớ” về kim cương có xuất xứ từ Liên bang Nga.

Nếu Liên minh châu Âu áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với kim cương của Nga, các hạn chế này có thể thay đổi nhanh chóng chuỗi cung ứng kim cương thô trên toàn thế giới, dẫn đến tình trạng thiếu hụt và giá cao hơn.

Nhưng có lẽ viễn cảnh trên không đủ sức gây ảnh hưởng lên các nhà lập pháp EU và lệnh áp đặt biện pháp trừng phạt sẽ được đưa ra trong thời gian sắp tới.