Làng nổi nơi cửa sông Cái Mắm

ANTĐ - Thấy ông Tô Đức Thịnh làm ăn có hiệu quả, nhiều hộ trong vùng đã tìm đến học hỏi, cùng với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền huyện Đầm Hà (Quảng Ninh), đến nay ở cửa sông hiu quạnh ngày nào đã có hẳn một làng nổi nuôi trồng thủy sản gồm 16 hộ.

Sau 2 năm nuôi cá, ông Thịnh (ở giữa) đã tích lũy vốn liếng đóng thêm nhiều nhà bè mới

Một mình lập nghiệp 

8 giờ sáng khi con nước lên ngấp nghé bến tàu, tôi cùng cán bộ phụ trách nuôi trồng thủy sản và nông thôn mới của huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) lên chiếc tàu nhỏ của HTX Đức Thịnh vừa cập bờ trước đó gần một tiếng đồng hồ để bán hải sản và mua đồ dùng thiết yếu đưa ra làng nuôi trồng thủy sản.

Sau chừng 45 phút, con tàu nhỏ cập nhà bè của ông Tô Đức Thịnh - Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thủy sản Đức Thịnh. Ngồi uống trà bên chiếc bàn nhỏ kê sát lan can ngay cạnh mép nước biển xanh trong, ông chủ nhiệm - lão ngư quắc thước kể về công việc của mình.

Năm 2002, sau hàng chục năm làm ở HTX vận tải biển của huyện rồi buôn bán thủy sản, ông trở về vay được 60 triệu đồng đóng nhà bè với 6 ô nuôi trồng thủy sản lênh đênh nơi cửa sông Cái Mắm. Chỉ sau 2 năm nuôi hàng chục loại cá như cá song chấm, song hoa, hồng đỏ, cá giò, cá thác, hồng mỹ…cho kết quả kinh tế cao, ông đã tích lũy được vốn liếng kha khá để rồi đầu tư tiếp 20 cây vàng đóng thêm nhà bè mới, nâng tổng số diện tích nuôi trồng lên 24 ô lồng toàn bằng gỗ táu có thể chịu được gió bão cấp 11, cấp 12. 

Khoảng 11 giờ trưa, con trai cả của ông Thịnh đi câu ngoài biển từ sáng trở về. Xách mớ cá tráp vàng tươi chừng 6kg để chiều mẹ đem vào bờ bán, anh nhẩm tính buổi sáng nay  cũng kiếm được trên 400 nghìn đồng, đấy là chưa kể đến dăm con song chấm nhỏ đem thả vào lồng nuôi và buổi chiều anh lại ngồi ngay tại bè câu cá giòn. Đây chính là công việc thường ngày của anh và bình quân ngày nào anh cũng kiếm được từ 400 - 500 nghìn đồng, phụ giúp cho cuộc sống gia đình. Sau 10 năm cần mẫn làm ăn ở cửa bể mênh mông trời nước, mỗi năm ông Thịnh chỉ về đảo qua ngôi nhà 2 tầng khang trang ở thị trấn huyện khoảng vài chục ngày, thời gian còn lại ông đều dành cho việc chăm cá trên nhà bè và giúp đỡ bà con nuôi trồng thủy sản.

Cá tráp vàng câu được trong buổi sáng

Khó khăn của làng nổi

Thấy ông Thịnh làm ăn có hiệu quả, nhiều hộ trong vùng đã tìm đến học hỏi, cùng với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền huyện cho mỗi hộ đầu tư nuôi trồng mới 15 triệu đồng cũng như kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, đến nay ở cửa sông cô quạnh ngày nào đã có hẳn một làng nổi nuôi trồng thủy sản gồm 16 hộ. Đến năm 2012 vừa qua, ông Thịnh cùng 7 xã viên khác thành lập HTX nuôi trồng thủy sản Đức Thịnh. Là một trong hai HTX nuôi trồng thủy sản của cả huyện, nhưng sau hơn một năm thành lập, HTX mới chỉ vay được 500 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của tỉnh. Theo Chủ nhiệm Tô Đức Thịnh, khó khăn lớn nhất hiện nay của HTX là việc khó tiếp cận được các nguồn vốn vay của nhà nước, bởi HTX không có nhiều tài sản để thế chấp.

Anh Hoàng Văn Đức - 30 tuổi, chủ nhà bè với 12 ô lồng nuôi chủ yếu là cá sủ sao  - ở nhà bè bên cạnh ghé qua chơi cho biết: Tháng 9 năm ngoái (2012), gia đình anh đầu tư 180 triệu đồng đóng nhà bè và 50 triệu đồng cá giống, đó là chưa kể đến chi phí đầu tư mua tàu bè để đi lại và ăn uống trong khoảng thời gian đợi chờ lứa cá trưởng thành mới có sản phẩm cho thu nhập, nhưng lại rất khó trong việc vay vốn và khi tiếp cận thì chỉ được vay 20 triệu đồng – một con số quá ít ỏi so với tổng số đầu tư trung bình là 300 triệu đồng để mỗi hộ gia đình lập nghiệp.

Một góc làng nuôi trồng thủy sản

Bảo vệ rừng ngập mặn 

Với địa hình thuận lợi, cửa sông Cái Mắm được bao bọc xung quanh bởi đảo Cuống, đảo Thoi Dây và hàng trăm hecta rừng ngập mặn chạy vòng cung suốt từ huyện Hải Hà đến khu vực huyện Vân Đồn và Tiên Yêu, tạo ra một vùng biển kín, ít bị ảnh hưởng bởi sóng to gió lớn, và đặc biệt môi trường sinh thái ở đây rất thuận lợi do nước biển có độ mặn và nhiệt độ phù hợp với sự sinh trưởng của các loài hải sản. Năm 2013, tôm tự nhiên, cua biển, cá song chấm cùng các loài ngán, hà, ốc sản sinh rất nhiều, do rừng ngập mặn được phục hồi và gìn giữ đã tạo ra sự đa dạng sinh học. Ý thức được điều này, đã từ lâu các hộ nuôi trồng ở đây đều tự giác bảo vệ rừng ngập mặn, ngăn ngừa không cho các hành vi chặt phá, đào bới làm hại đến rừng ngập mặn.

Nhận thấy rõ tầm quan trọng của rừng ngập mặn trong việc phát triển sinh kế của làng nuôi trồng thủy sản, HTX Đức Thịnh đang lập đề án xin được bảo vệ khoanh nuôi 2 cánh rừng ngập mặn ở khu vực cửa sông, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, chống sói mòn đất và che chắn cho khu vực khoanh nuôi của bà con khỏi bị ảnh hưởng của sóng gió. Ngoài ra, để nghề nuôi trồng thủy sản và các sản phẩm từ biển được bảo vệ cũng như khẳng định được giá trị trên thị trường, HTX đang cùng bà con làng nổi xúc tiến việc xây dựng khu vực nuôi trồng thủy sản an toàn, xây dựng logo, nhãn hiệu hàng hóa cho các loài thủy sản của Đầm Hà có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.