Làm rõ nguyên nhân "siêu chiến hạm tàng hình" KRI Klewang bị cháy rụi

ANTĐ- Có rất nhiều ưu điểm khi sử dụng vật liệu carbon composite trong việc chế tạo tàu chiến, tuy nhiên, nhược điểm của vật liệu này là dễ cháy hơn.

Theo phân tích và đánh giá của một nhóm kỹ sư ĐH Surabaya, nguyên nhân khiến một vụ cháy nhỏ dẫn tới phá hủy hoàn toàn tàu tên lửa tàng hình cao tốc KRI Klewang (giá 12 triệu USD) bắt nguồn từ việc lạm dụng vật liệu carbon để chế tạo thân tàu.
Aries Sulisetyono, một kỹ sư ngành hàng hải và là người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Hàng hải Indonesia lưu ý, ngọn lửa bùng cháy đến tận đáy tàu KRI Klewang. Hỏa hoạn có sự dữ dội tới bất thường.

"Nó (con tàu) bị đốt cháy quá nhanh. Từ trước tới giờ, chúng tôi chưa bao giờ thấy một vụ cháy nào dữ dội và nhanh chóng như vậy, có một cảm giác nghi ngờ rằng thân tàu có thể bị đốt cháy quá nhanh chóng", ông nói.

"Có rất nhiều ưu điểm khi sử dụng vật liệu carbon composite khi so sánh với vật liệu kim loại trong việc chế tạo thân tàu. Tuy nhiên, nhược điểm của vật liệu này là nó dễ cháy hơn và do đó, nguy cơ cháy tăng lên", ông Baheramsyah nhận định.

Surjo Widodo, chuyên gia động cơ đẩy hàng hải bình luận rằng, việc lựa chọn các vật liệu được sử dụng trong thiết kế một con tàu cần phải được thực hiện cẩn thận hơn, đặc biệt là vật liệu trong khoang máy. Ông Widodo nói rằng, động cơ V-12 lắp trên tàu KRI Klewang có thể hoạt động ở nhiệt độ lên tới hơn 250 độ C.

Giáo sư toán ứng dụng Subchan, ĐH Surabaya, đồng thời là thành viên nhóm nghiên cứu do Chính phủ Indonesia chỉ định, tham gia vào nghiên cứu thiết kế tàu chiến lấy làm tiếc vì Bộ Quốc phòng Indonesia không cho phép các nhà nghiên cứu tham gia vào việc thiết kế và đóng tàu Klewang.
Tàu KRI Klewang được Công ty Lundin Industry Invest tiến hành chế tạo ở Banyuwangi. Con tàu được hạ thủy vào hôm 31/8, 4 tuần trước khi xảy ra đám cháy.

Bỏ qua có yêu cầu an toàn tối thiểu


 Ông Subchan lưu ý, trong quá khứ, Hải quân Indonesia đã không đặt ra các yêu cầu tuân thủ qui định an toàn và phòng hỏa hoạn tối thiểu, thậm chí, đối với tàu dân sự, bởi không có một cơ quan giám sát chung của Bộ Quốc phòng.

Ông Subchan cũng nhấn mạnh, nước này cần phải xây dựng một tiêu chuẩn đóng tàu quốc gia hoặc ít nhất là phải thực hiện theo qui định tiêu chuẩn và được quốc tế công nhận, bởi đó là những yêu cầu quan trọng, bảo đảm an toàn cho những thủy thủ vận hành và đảm bảo con tàu có thể thực hiện đúng vai trò thiết kế.

Ông Subchan và các nhà nghiên cứu khác, tới từ nhiều trường đại học đang sẵn sàng giúp Bộ Quốc phòng và Hải quân Indonesia thực hiện đánh giá các vấn đề đã xảy ra với Klewang, nhằm phòng tránh các sự cố đáng tiếc tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Tàu tên lửa tàng hình cao tốc KRI Klewang bị cháy vào hôm 28/9 khi đang neo đậu tại bến cảng ở căn cứ hải quân Banyuwangi để bảo trì. Con tàu đã được lên kế hoạch để bắt đầu một cuộc thử nghiệm kéo dài trên biển nhưng chưa kịp thực hiện.
Cả Hải quân Indonesia và nhà sản xuất đều nhiều lần đổ lỗi do mạch điện trên tàu bị chập làm bùng phát ngọn lửa. Trong khi đó, Ủy ban Hạ viện không ngoại trừ một hành động phá hoại ngành công nghiệp quốc phòng trong nước.