Làm cách nào 2 chiếc M2 Bradley Mỹ tiêu diệt 5 xe tăng T-72 Iraq trong một trận chiến?

ANTD.VN - Hai xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley của Mỹ đã gây bất ngờ khi đánh bại 5 xe tăng T-72 của Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh.

Trong Chiến dịch Bão táp sa mạc, việc 2 xe chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ đụng độ một "thành trì" của Iraq với 18 xe tăng T-72 trấn giữ và giành chiến thắng là điều cực kỳ bất thường.

Thực tế trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc, xe chiến đấu bộ binh Bradley tiêu diệt nhiều xe tăng Iraq còn nhiều hơn cả xe tăng M1 Abrams.

Tất nhiên một phần là do số lượng xe Bradley rất nhiều, nhưng nếu không có những tính năng kỹ chiến thuật vượt trội, thành tích trên khó có thể đạt được.

Và một trong những trận đánh li kì nhất giữa xe chiến đấu bộ binh Bradley với xe tăng Iraq diễn ra vào cuối tháng 2/1991, khi chiếc M2 Bradley của Mỹ đã tiêu diệt 5 xe tăng T-72.

Đó là Trận chiến 73 Easting nổi tiếng, đây không phải tên địa danh mà là một tuyến tiến công trong kế hoạch - một trong những trận chiến xe bọc thép lớn nhất của lịch sử chiến tranh hiện đại.

Khi đó Trung đoàn Kỵ binh Thiết giáp số 2 - Quân đoàn VII của Quân đội Mỹ nhận lệnh phá vòng vây của lực lượng Iraq ở Kuwait và tấn công Lữ đoàn Thiết giáp số 18 và 37 thuộc Sư đoàn Cơ giới số 3 Tawakalna thuộc Vệ binh Cộng hòa tinh nhuệ.

Mặc dù nhiều người đổ lỗi cho sự thất bại của Quân đội Iraq là do thiếu chuẩn bị và tinh thần chiến đấu của binh sĩ kém, nhưng trong hồi ký của các cựu chiến binh Mỹ lại không có thái độ xúc phạm nào đối với kẻ thù.

Thay vào đó, họ chỉ nói về sự lạc hậu của vũ khí Iraq, mà Trận chiến 73 Easting là ví dụ điển hình.

Thành tích đặc biệt mà 2 chiếc Bradley thiết lập như đã nói là sự kết hợp của một số yếu tố và sự trùng hợp cực kỳ bất ngờ về đặc điểm tác chiến của cả hai bên.

Diễn ra vào khoảng 16h30 ngày 26/2/1991, Trung đoàn Thiết giáp số 2 Quân đội Mỹ đã chia thành 9 đại đội xung kích (mỗi đại đội 12 - 13 xe Bradley trong phiên bản trinh sát M3, 9 xe tăng M1A1 Abrams) đã chủ động tấn công từ rạng sáng.

Cuộc tấn công của Quân đội Mỹ diễn ra với việc sử dụng tích cực pháo binh, hàng không, đi kèm sự hỗ trợ hỏa lực trực tiếp của trực thăng tấn công.

Sau đó một đại đội thiết giáp đã tiến vào vị trí Quân đội Iraq, nhờ kính ngắm ảnh nhiệt của Bradley, binh sĩ Mỹ đã phát hiện đối thủ sớm hơn, họ nhanh chóng phá hủy xe tăng T-72 bằng tên lửa chống tăng TOW, những chiếc Abrams chỉ đơn giản là dọn dẹp chiến trường.

Nhưng sau đó thời tiết can thiệp - một cơn bão cát nổi lên, mang lại những thay đổi đáng kể cho chiến sự. Do không thể hỗ trợ trên không, các đại đội xung kích bắt đầu mất tương tác.

Đây là tình huống giữa Đại đội E (Eagle) vừa mở cuộc đột kích thành công vào tuyến phòng thủ của Iraq với một đơn vị xe tăng gồm 18 chiếc T-72 và Đại đội G (Ghost) cách đó vài km về phía Bắc

Hai chiếc Bradley dưới sự chỉ huy của Thiếu Úy Paul Haynes di chuyển qua sa mạc trong điều kiện bão bụi, anh ta nhận thấy bóng những chiếc xe tăng ở khoảng cách vài trăm mét. Câu chuyện của người chỉ huy đơn vị trinh sát này được kể lại như sau:

"Tôi hiểu rằng đó là thiết bị quân sự, nhưng tôi không chắc là của ai, vì có thể đó là xe tăng của đại đội Eagle. Tôi ra lệnh tiến lại gần và leo lên ngọn đồi gần nhất, nơi người lái xe dừng lại".

"Chúng tôi lái xe đến gần, tôi thấy mọi người, họ lên xe, nổ máy và nhận ra rằng đó là một chiếc T-72. Và ngay khi điều này xảy ra, người lái xe của tôi nói rằng có một chiếc xe tăng địch ở phía trước".

"Tôi trả lời người lái xe - 'vâng, tôi hiểu', nhưng anh ta đáp lại - 'không thưa ngài, ngài không hiểu đâu, đối phương đang ở ngay trước mặt chúng ta".

"Tôi nhìn xuống và nhận ra nơi chúng tôi tiến vào chính là hố chiến đấu của chiếc T-72 đã được đào sẵn. Giành quyền kiểm soát khẩu pháo, tôi hạ nó xuống và bắn một phát đạn 25 mm vào cửa sập tháp pháo và sau đó ra lệnh cho mọi người thu hẹp khoảng cách".

"Nhưng bây giờ kẻ thù đã chú ý đến chúng tôi, tôi đã thấy các tháp pháo xe tăng xoay về hướng mình như thế nào. Tôi hiểu rằng đơn giản là không có nơi nào để rút lui và chấp nhận cuộc chiến".

"Chúng tôi triển khai bệ phóng tên lửa TOW, nhắm vào chiếc T-72 gần nhất và ra lệnh cho người điều khiển khai hỏa. Vài giây sau, chiếc xe tăng được chiếu sáng trong tầm nhìn của tôi biến thành một quả cầu lửa".

"Ở đây tôi thấy rằng thực sự có tới 8 chiếc T-72 trước mặt và kẻ thù hiện đang rất tức giận. Tôi nhắm vào một chiếc xe tăng khác, ra lệnh khai hỏa và xem tên lửa bay ra khỏi ống phóng, nhưng nó rơi xuống đất cách đó 10 mét".

"Tuy vậy đồng đội của tôi trên chiếc Bradley thứ hai đã tiêu diệt thêm 2 xe tăng nữa trong 30 giây. Có vẻ như mọi thứ đều ổn, nhưng bây giờ chúng tôi đã hết tên lửa trong bệ phóng. Vì vậy, tôi ra lệnh rút lui để nạp đạn".

"Tôi tiếp tục bắn từ khẩu pháo 25 mm vào tháp pháo xe tăng với hy vọng phá vỡ thiết bị ngắm của chúng. Tôi thấy một trong số chúng quay lại với tôi và chĩa pháo".

"Tôi vội bắn trước và nghĩ - xạ thủ đối phương cần bao lâu để tiêu diệt tôi. Và giống như trong phim, vào đúng thời điểm quan trọng, đồng đội của tôi xuất hiện và phá hủy chiếc T-72 này".

Tổng cộng trong trận chiến kéo dài vài phút này, 2 chiếc Bradley đã hạ gục 5 xe tăng T-72. Sau đó sự hỗ trợ đã đến với họ và hoàn thành việc kết liễu thành trì của quân Iraq, đã có 13 chiếc T-72 bị phá hủy tại vị trí này, một số chiếc đã bị các tổ lái bỏ lại.

Một vài yếu tố đã hội tụ trong trận chiến trên để mang lại kỳ tích. Đầu tiên, hai chiếc Bradley trong cơn bão cát chỉ đơn giản là "đi lạc" vào cứ điểm của kẻ thù, trên đó có hơn một đại đội xe tăng không có kíp lái vào thời điểm tiếp xúc trực quan đầu tiên.

Đồng thời, phương tiện đầu tiên đang ở vị trí bắn cố định hoàn toàn, xe tăng Iraq cũng bất ngờ khi xe chiến đấu bộ binh của Mỹ bất ngờ xuất hiện.

Thứ hai, ngay cả ở khoảng cách nhỏ như vậy, sự hiện diện của thiết bị ngắm ảnh nhiệt trên Bradley đã đóng một vai trò quan trọng.

Thậm chí trong điều kiện tầm nhìn hoàn hảo, xe chiến đấu bộ binh của Mỹ chỉ cần xả tên lửa TOW từ khoảng cách tối đa, nằm ngoài tầm bắn hiệu quả của pháo xe tăng T-72 Iraq vẫn có thể chiến thắng.