Lái xe 'Be' quay lén khách nữ sẽ bị phạt tới 20 triệu đồng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mạng xã hội đang xôn xao trước vụ việc nữ khách hàng phát hiện hình ảnh, thông tin của mình trong chuyến đi với lái 'xe ôm' công nghệ 'Be', bị quay lén và chia sẻ lên mạng. Theo các luật sư, hành vi này là vi phạm pháp luật, có thể bị phạt tới 20 triệu đồng.

Theo chị T.V (19 tuổi) - người đặt cuốc 'xe ôm' công nghệ của hãng 'Be', do lái xe T điều khiển, di chuyển từ quận Đống Đa về quận Cầu Giấy, Hà Nội, chị không hề biết mình bị ghi hình trong suốt quãng đường đi và vô cùng lo lắng khi phát hiện hình ảnh của mình bị đăng tải lên mạng xã hội.

Điều đáng nói là không chỉ chị V mà còn nhiều hành khách nữ khác cũng xuất hiện trên trang mạng xã hội của tài xế T, theo cách tương tự.

Sau khi biết được điều này, chị V đã liên hệ trực tiếp với lái xe T và yêu cầu giải thích rõ song người này không những không xin lỗi mà còn từ chối gỡ video trên mạng, nên chị V đã cùng bạn bè đăng bài cảnh báo lên mạng xã hội và liên hệ với bên 'Be Group' để được giải quyết.

Nhìn nhận vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, nếu những thông tin chị V cung cấp là đúng sự thật, thì việc lái xe công nghệ sử dụng trái phép hình ảnh và thông tin cá nhân của khách hàng để đăng tải lên mạng xã hội khi chưa được họ cho phép là vi phạm pháp luật.

Tại Điều 32, Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Nếu việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại điều này, thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, theo khoản 2, Điều 11, Bộ luật Dân sự 2015, chủ thể có hình ảnh bị xâm phạm có quyền tự mình hoặc được quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi.

Do đó, khách hàng đi xe công nghệ có quyền yêu cầu lái xe công nghệ, đơn vị cung cấp dịch vụ…gỡ bỏ video có sử dụng hình ảnh của mình.

Về chế tài xử lý, theo Luật sư Lê Hồng Vân, nếu có đủ căn cứ chứng minh cá nhân sử dụng hình ảnh sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của khách hàng trên mạng xã hội thì tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo điểm e, khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022), người nào có hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

Còn theo Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi đăng tải hình ảnh của người khác khi không được cho phép nếu không gây hậu quả nghiêm trọng hoặc hậu quả ít nghiêm trọng thì bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng.

Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, buộc phải gỡ bỏ video chứa nội dung vi phạm đã đăng tải.

Nếu có căn cứ xác định việc sử dụng trái phép hình ảnh nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của người khác thì hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS 2015.

Trả lời câu hỏi "liệu Be Group có phải bồi thường thiệt hại khi khách hàng có yêu cầu", Luật sư Hồng Vân nhận định, để yêu cầu bồi thường đối với các thiệt hại phát sinh và mức bồi thường là bao nhiêu thì cần căn cứ vào quy định có liên quan trong “Điều khoản sử dụng” dịch vụ đã được khách hàng xác nhận và có bản chất là hợp đồng.

Khi đó, khách hàng cần chứng minh hành vi vi phạm của 'Be Group' nói chung và lái xe nói riêng trong việc cung cấp dịch vụ và yêu cầu bồi thường theo quy định của Điều khoản sử dụng này (nếu có).