Lạ lùng ở nơi đàn ông dễ mến, đàn bà hay cười

ANTĐ - Chốn miền rừng phía tây Quảng Bình, nơi phát tích của dãy Hoành Sơn vang danh một thưở có những con người sống với nhau đoàn kết, khăng khít như mây rừng, tính khí mạnh mẽ nhưng mềm dẻo, thân người chắc chắn và thoăn thoắt. Đàn ông dễ mến, đàn bà hay cười. Nhưng một điều lạ lùng là tất cả đàn ông ở đây khi lấy vợ đều phải đi ở rể, và họ không có bất cứ một quyền hạn gì trong gia đình nhà vợ
Lạ lùng ở nơi đàn ông dễ mến, đàn bà hay cười ảnh 1
Bà Mã Liềng rất thương chồng con, nhưng vì luật tục nên phải chấp nhận


Những cái lễ đặc biệt

Người Mã Liềng có một cuộc sống, và việc dựng vợ gả chồng rất riêng. Họ có lễ trinh tiết và lễ yêu đương. Họ có lễ trai gái tìm hiểu nhau nhưng rất khắt khe, đầy ẩn ý mà gia phong nền nếp cha ông họ truyền dạy. Cái lạ ở cuộc sống vợ chồng là người đàn ông đi ở rể trước khi đám cưới diễn ra họ làm lễ yêu đương dưới chân núi Cù Mốc. Ngọn núi có đến ba mái, một mái ở Tây Trường Sơn, một mái ở Đông Trường Sơn, một mái thuộc về dãy Hoành Sơn hùng vĩ. Từ xa xưa, tộc người này xem đó là nơi linh thiêng cho các đôi trai gái yêu nhau. Nhưng con gái muốn đến đó, họ phải được cha mẹ xin thần rừng, ma xó, ma nhà làm lễ trinh tiết cho con. Lễ trinh tiết được bố mẹ người con gái cúng bằng một con gà mái rừng khi tuổi con gái đến 18 tuổi. Người mẹ kêu cô gái lên nhà sàn ở phía bếp, bà nói bằng một giọng điệu của bài cúng cổ xưa chừng hai phút, và nung một thanh sắt nhỏ vào tay của cô gái. Đó là dấu hiệu của đoan trang, của con ngoan nhà lành, đó là bảo chứng để những chàng trai tìm hiểu và làm tin trong lòng. Có được lễ đó, người con gái Mã Liềng toàn quyền tìm hiểu hay có quyền được thanh niên trong làng bản của mình để ý. Một ngày nào đó, họ đến dưới chân núi Cù Mốc mà có thể là tình cờ, có thể là cố ý cùng nhau đi, tìm cho ra một cây lồ ô thẳng, như cái cớ để hiểu biết về nhau. Đêm, giữa tiếng côn trùng rỉ rả, đôi trai gái ra hiệu cho nhau bằng biệt ngữ địa phương, họ kéo nhau đi tìm hiểu.

Lạ lùng ở nơi đàn ông dễ mến, đàn bà hay cười ảnh 2
Đã có 2 đứa con, nhưng Hồ Diện vẫn phải ở rể vì chưa trả hết nợ để đưa vợ về

Nỗi buồn ở rể

Quan niệm của người Mã Liềng rất khắt khe về hình thức hôn nhân một vợ, một chồng, đàn ông không được phép đa thê, khi đã thành gia thất rồi thì “cái bụng chỉ nhớ đến vợ, không có quyền ưng một người phụ nữ nào khác”. Khi con trai, con gái người Mã Liềng đồng ý yêu thương và đi đến dựng vợ gả chồng, người con trai phải có lễ “tà lăm” tức bỏ của. Điều đặc biệt nơi đây là làng bản thường có ông mối dẫn dắt chứ tuyệt đối không có bà mối. Người con trai phải chuẩn bị rượu, trầu rừng, cau rừng và quần áo cho bố mẹ cô gái. Những thức đó, ông mối đưa đi, chàng trai theo sau. Ông mối đến nhà cô con gái, và gõ vào cầu thang chín tiếng, đó là dấu hiệu của lễ trọng với con gái trong nhà. Bố mẹ cô gái ăn vận áo quần thổ cẩm bản địa, đón tiếp ông mối rất trọng vọng. Họ nói chuyện rất lâu và khơi gợi đủ mọi chuyện với đại ý rằng con gái đã đến tuổi phải có chồng để tiếp nối dòng giống, cho xóm làng có thêm người mới. Tất thảy tùy thuộc vào sự thuyết phục của ông mối.

Lễ vật đám cưới do người con trai sắm phải có đủ một cái nồi đồng, một cái nồi gang, mười bát nhỏ, một đôi bát tô, một con dao phát rừng, một con dao phay, hai con gà, hai con lợn, và một số tiền tượng trưng. Tất cả đều có đôi, thể hiện sự chung tình và chí quyết tâm của người con trai Mã Liềng. Lễ được bố mẹ và cậu của nhà trai đưa đến cùng ông mối. Lúc nào nhà gái bấm tay vào từng lễ vật, nghĩa là chấp thuận nhận lễ, chú rể mới được phép đứng dậy, quay mặt trở ra và đi lại cười nói bình thường như mọi người. Sau nhận lễ là đám cưới, và thường phải được tổ chức vào các ngày chẵn của tháng như ngày 2, 4, 6, 8... không được cưới ngày lẻ vì quan niệm của người Mã Liềng những ngày đó không hay.

Có một điều, với lễ vật như thế, người con trai Mã Liềng khó có được, bởi tộc người này đang rất nghèo, cái ăn từng bữa còn phải xoay sở tứ bề, vậy nên sắm được đủ đầy cả hai con lợn rồi chén, bát, dao, rựa, nồi, chảo... là rất khó. Nếu không có lễ vật, đám cưới không thể diễn ra, người con trai chỉ làm được lễ hỏi, và xin bố mẹ người con gái đến ở rể, ở đó làm lụng, cật lực lao động cho đến lúc nào sắm được lễ vật mới tổ chức được đám cưới rồi có quyền rước dâu. Luật tục quy định rằng, khi ở rể chàng trai phải làm tất cả những gì nhà vợ giao và chỉ nghỉ khi vợ cho phép, bù lại anh ta sẽ được làm lễ cho phép chung chăn, chung gối để đêm đêm được ngủ cùng vợ dù chưa làm lễ cưới chính thức. 

Hồ Diện hiện đang ở rể, dù tuổi ngoài 40, đã có 4 đứa con nhưng vẫn mơ một ngày đưa được vợ từ bản Cáo về bản Kè để ra mắt bố mẹ. Hồ Diện nói: “Mình nghèo quá, ngày đến ở rể chỉ rượu uống với bố vợ, rồi xin bố vợ ở lại để làm việc mà sắm lễ cưới, nhưng 20 năm rồi, có con lớn con nhỏ có rồi, có đứa sắp lấy chồng rồi, mình vẫn chưa “cưới được” vợ mình!”. Khi về nhà vợ, chàng trai vẫn làm công việc của một người đàn ông trụ cột, không cần phải làm những công việc lặt vặt thuộc về phụ nữ. Và nếu có con, đứa con sẽ mang họ cha. Tuy nhiên phận đời ở rể khó khăn và nhiều khi tủi thân, bởi các lễ trọng của nhà gái, người con trai không được đụng tay vào, chỉ khi nào trong nhà có ý nhờ làm, người con trai mới giúp sức, bởi trên danh nghĩa, người con trai đó vẫn là người ngoài. 

Hiện tại, trong xã Thanh Hóa và Lâm Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) có khoảng 264 người đàn ông đang phải ở rể như vậy. Cũng giống như Hồ Diện, Cao Thiên về nhà vợ là Lai ở rể đã được 5 năm từ khi 22 tuổi. Họ đã có 3 đứa con ngoan ngoãn, xinh xắn. Thiên kể, cha của Thiên cũng đi ở rể gần như cả đời người. Xưa, cha của Thiên chỉ có mỗi một cái nồi mang theo chứ không đủ những đồ vật cưới theo luật tục. Mẹ anh giữ cái nồi đó như một báu vật. Thương con trai, bà đã cho Thiên mang về nhà Lai khi về ở rể để con không phải tủi thân trong ngày trọng đại của đời con. Thiên thật thà tâm sự: “Nhà vợ rất thương tôi, coi như con đẻ, cho đất, tạo điều kiện cho tôi làm ăn, dường như họ quên rằng tôi đã mắc nợ. Nếu muốn, tôi có thể đưa vợ về mà không phải trả nợ, họ cũng vui vẻ thôi. Họ không sống nặng về lễ vật. Nhưng, tôi không thể làm vậy. Hơn 5 năm qua, tôi vẫn thấy lòng bứt rứt, mỗi lần nghĩ về món nợ...” - Thiên trải lòng tâm sự. 

Mấy chục năm rồi, ông Hồ Rớt vẫn phải ở rể và không có một chút quyền hành gì

Ông Hồ Lót, già làng ở bản Cà Xeng đã từng 18 năm đi ở rể nói rằng, với người Mã Liềng, phải làm tròn chữ hiếu là điều đặt lên làm đầu. Mặc dù, hầu hết những gia đình đằng vợ không bao giờ bắt buộc con rể mình phải trả hết nợ, để rồi “trói” họ lại bằng những heo, gà và đồ thách cưới, nhưng con trai người Mã Liềng rất tự trọng, do đó các gia đình bằng mọi giá để giải quyết xong nợ khi con trai họ đặt chân… về nhà vợ “làm rể”. Có nhiều gia đình nợ từ đời này qua đời khác mới đủ mua sắm lễ vật trả nợ. Ở bản Kè còn có ông Hồ Rớt. Hiện ông đã ngoài 90 tuổi, là người nhiều tuổi nhất nhì ở đây. Nhưng nếu tuổi ở rể thì chắc xứ này không ai thắng nổi ông với gần 70 năm và ở rể đến 2 lần! Ông kể có với người vợ trước 4 người con. Các con lớn muốn phụng sự cha, giúp cha trâu, heo để “trả nợ” cho cha mẹ hưởng trọn tuổi già sau gần 50 năm ông... đi ở rể. Nhưng rồi, một trận thương hàn đã cướp mạng sống của bà. Ông buồn rầu lên rừng sống những chuỗi ngày dài rồi trở về căn nhà cũ để... đi bước nữa và tiếp tục ở rể hơn 30 năm nay.

Trong ngôi nhà gỗ chật chội, ẩm ướt, Rom chạy đôn chạy đáo dỗ dành hai đứa con đứa lớn lên 5, đứa bé lên 3 ngủ yên giấc. Thời thiếu nữ, Rom thuộc hàng hoa khôi của làng Kè. Hơn 20 tuổi, cô và Cao Bun ở cách nhà cô một ngọn núi làm lễ. Rom biết Bun sẽ phải ở rể “rất lâu” bởi nhà anh có những 9 người con, trong đó có 5 người con trai đều đang ở rể khá “dài hạn” tại nhà vợ. Trong khi cha mẹ đẻ của anh đã mất, chỉ còn người mẹ kế. Ngày cưới, với số lễ vật “quá sức”, chàng trai nghèo ấy chỉ nộp cho nhà vợ được 1 con heo để hai họ ăn mừng, số còn lại vẫn là nợ đến giờ. Rom sinh con, đứa bé bệnh tật bẩm sinh. Bao nhiêu tiền Bun kiếm được cũng chỉ để lo thuốc thang cho con. Rồi 3 năm sau, đứa con thứ hai ra đời, cũng chẳng khác gì anh nó. Phải lo mưu sinh, chăm sóc cho hai đứa con bệnh tật, lòng Bun còn canh cánh món nợ vẫn chưa trả sau 7 năm đi ở rể. Bản thân Rom rất muốn được về cùng chồng trả nghĩa cho người đã chăm sóc, nuôi nấng chồng mình. Bởi theo cô: “Nếu chỉ có chàng trai đi ở rể thì chỉ có cha mẹ vợ được trả hiếu nghĩa thôi. Vậy còn cha mẹ chồng, họ cũng cần cái hiếu đó, cái nghĩa đó chớ?”. Nhưng số nợ của Bun chắc đời con, đời cháu mới trả hết được. Và Bun có lẽ cũng phải ở rể lâu lắm.

 Vì hiếu nghĩa mà chàng trai phải đi ở rể ít nhất ba năm, đây là một nét đẹp trong đời sống tâm hồn của người Mã Liềng. Tuy nhiên, những lễ vật tốn kém và quá sức với họ, nhất là những hộ nghèo. Dù chưa có ai đi “đòi nợ”, và dù những chàng trai người Mã Liềng rất tự trọng trong việc “trả nợ”, nhưng nếu trả hết cũng là một sự lãng phí lớn. Bởi đã không biết bao trâu, heo được giết để bà con cùng ăn, cùng uống no say; bao nhiêu vật dụng được mua với giá mấy chục triệu đồng về cũng chỉ để không nơi sàn bếp. “Biết là vậy, nhưng để mọi người thay đổi suy nghĩ, quan niệm có từ bao đời nay, chỉ có thể trông chờ vào thế hệ tương lai thôi...” già làng Cao Dụng trăn trở.