Thảm cảnh của rừng

Kỳ I: Chôn rừng

ANTĐ - Rừng bị khai thác vô tội vạ, rồi đốt nương phá cây rừng trồng ngô, trồng sắn, trồng cà phê, cao su, hồ tiêu... Nhưng hiện tượng đó chưa thật đáng sợ bởi khai thác rừng già thì các lớp rừng khác vẫn còn có khả năng tái tạo. Đốt rừng, làm nương làm rẫy, làm vườn thì chồi non còn có cơ may mọc lại che chở cho lớp đất phủ bì.
Vậy điều gì khủng khiếp và đáng nguyền rủa nhất đối với rừng ?

Đời sống con người sẽ phải chịu nhiều thảm cảnh...

Đất Việt ta được hình thành từ hàng nghìn năm nay. Và rừng cũng định hình theo quá trình đó! Rừng ở một vùng nhiệt đới gió mùa, mưa nhiều, nắng gió quanh năm, tầng tầng lớp lớp tạo thành nhiều lớp áo giáp che chở cho dân Việt qua bao đời, nuôi sống đồng bào ta hàng nghìn năm qua một cách bền vững và ổn định!

Nhưng rồi cùng với trào lưu chung của sự phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật với nhịp độ quá nóng, không có quy hoạch và kế hoạch bền vững lâu dài, rừng ngày càng biến mất, bị huỷ hoại và đến hôm nay đã thành sự báo động khẩn cấp.

Ở Việt Nam, sau vài thập kỷ đổi mới, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống dân sinh, nhưng do thiếu sự đồng bộ, các ngành, các doanh nghiệp cố chạy và vận động cho sự phát triển của riêng mình, còn hậu quả vô cùng khủng khiếp thì để dành cho các thế hệ sau gồng mình, ra sức gánh chịu và chống đỡ.

Chỉ nhìn qua sự phát triển ồ ạt, không lường được hậu quả khủng khiếp của hệ thống các nhà máy thuỷ điện ở nước ta sẽ thấy:

- Điện rất cần nhưng không phải là làm bằng bất cứ giá nào, mà còn nhiều nguồn năng lượng khác nữa! Thủy điện mà không quy hoạch một cách khoa học, không nhìn xa trông rộng thì đó là hiểm hoạ, là hủy diệt, là chôn rừng.

Rừng bị chôn sau một vài thập niên sẽ tạo ra lượng khí CO2 gấp nhiều lần so với nhiệt điện (bởi cây cối thối rữa mục nát tạo thành).

Rừng ven các dòng sông, khe suối, các lưu vực màu mỡ, có nhiều sinh, thực vật nuôi sống các dân tộc bị chôn vùi, lại di dân đẩy họ lên núi cao, đồi trọc khô cằn, thiếu nước, thiếu ruộng, thiếu vườn cây ao hồ, thiếu văn hóa - thói quen sống thì làm sao mà tạo điều kiện sống tốt hơn được!

- Không làm tròn được chức năng điều tiết lũ, điều hoà nước nên vài năm qua đã có nhiều vùng, nhiều khu vực bị lũ quét, bị nước tập trung tấn công vào kinh tế, môi trường thiên nhiên và đời sống con người... Và, không ai phải chịu trách nhiệm, phải đền bù, phải khắc phục hậu quả! Rồi lại phải dùng tiền ngân sách (tiền của dân) để phân chia cho tỉnh này, tỉnh kia để hỗ trợ và khắc phục hậu quả! Thật quá vô lý, bất công.

- Ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp cũng như công nghiệp chế biến. Lúc lo vỡ đập thì ào ạt xả nước. Mùa nước cạn thì sông chết. Sông mà không có nước thì khác gì một dòng sông ma kéo theo bao hệ luỵ khác!

... Khi rừng bị hủy hoại vì thủy điện

Xưa kia, khi chưa bị con người quấy phá, dòng sông trong xanh, lững lờ, bình yên thả hồn về biển cả! Các con sông luôn cần cù, nhẫn nại chuyển tải từng giọt phù sa, các loại chất mùn và vi lượng, đem đến cho màu xanh của rừng, hương vị của hoa trái, sự trù phú của ruộng nương, sự màu mỡ của những cánh đồng mênh mông, sự đa dạng và phong phú các loại phù du, các loại thủy hải sản, đem đến cho con người và thiên nhiên bao điều hạnh phúc tốt lành!

Bây giờ, thật khó thấy một dòng sông, một con sông đúng nghĩa. Những hồ, những đập thủy điện đã biến thành nhà tù, trại giam tù túng dòng nước, nhốt hàng bao nhiêu tỷ mét khối nước, thu gom hết sự sống như: phù sa, chất mùn màu mỡ, các loài sinh vật sống theo nước…

Không nước thì phải chống hạn. Lại tăng cường cấp điện (sản xuất ra điện rồi lại dùng điện để chống hạn), tăng cường nâng cấp các trạm bơm tốn nhiều nghìn tỷ đồng.

Như vậy, các doanh nghiệp, các nhà kinh doanh, đầu tư mới nhìn và nhận, tưởng rằng họ chỉ với mục đích duy nhất, kinh doanh là lợi nhuận!

Các nhà doanh nghiệp thiếu trách nhiệm (chứ không phải tất cả) luồn lách, lập dự án chỉ với lợi ích riêng mình, không cần phải đả động đến các điều kiện bắt buộc khác về môi trường, về dân sinh, về xã hội cũng như các ngành kinh tế khác!

Nhìn dòng nước lũ hung tợn cuồn cuộn quét trôi ruộng đồng, nhà cửa, đường sá, cầu cống… Thấy những sinh linh nhỏ nhoi chơi vơi trên nóc nhà, ngọn cây kêu cứu mong manh, không biết liệu những ông chủ doanh nghiệp góp phần làm nên thảm cảnh đó có chút động lòng nào không?

Nếu các chính sách, dự án công khai minh bạch, công bằng và bình đẳng, có bộ luật thống nhất và hoàn chỉnh, có một đội ngũ công chức hết lòng phụng sự nhân dân - Tổ quốc, thì sẽ hạn chế rất nhiều những doanh nghiệp, doanh nhân làm bừa, làm ẩu vì lợi nhuận bỏ qua trách nhiệm xã hội. Và lúc đó, chắc chắn không còn cơ hội để chôn rừng, chôn phẩm giá, chôn lương tâm!

Đồng thời sẽ xuất hiện các doanh nghiệp đáng tự hào, được dân tộc và tổ quốc tôn vinh khi họ biết chia sẻ lợi nhuận, lợi ích kinh tế một cách hài hoà, biết quan tâm đến cộng đồng xã hội, góp sức tạo sự phát triển bền vững cho quốc gia, dám chịu trách nhiệm, nhận trách nhiệm và khắc phục nghiêm túc những rủi ro, mất mát và tác động xấu đến môi trường, kinh tế, xã hội mà ít nhiều có liên quan đến doanh nghiệp mình.


Kỳ II: Giải pháp phải kèm theo chế tài