Chúa Thác Bờ
Giới đồng bóng thiên hướng tâm linh thì ai cũng biết tiếng địa danh này. Đảo Thác Bờ - đảo Tâm Linh. Bởi đó là không chỉ là điểm đến có cảnh non nước tuyệt vời mà còn là nơi chúa Thác Bờ ngự trị. Hàng nằm, mỗi mùa xuân qua đi, non nước Thác Bờ trở nên chìm đắm trong hương khói. Tiếng khua chèo, tiếng thuyền máy rền vang trên dòng sông Đà ngày đêm không ngớt nghỉ. Những chuyến hàng ngược xuôi từ bến cảng Bình Thanh phục vụ cho những người tìm thanh thản nhờ buổi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng trên đảo. Khi ấy, lạc vào nơi đây thì khó lòng mà dứt ra được, tiếng nhạc cổ, chầu văn văng vẳng như lời níu kéo vô hình…
Hầu đồng trên đảo Thác Bờ
Đảo Thác Bờ thời điểm này càng trở nêm huyền bí. Những giá hầu đồng kín các miếu thờ, gian thờ. Nơi nào cũng đỏ hương, vàng mã cháy đùng đùng trong tiếng hét cao hứng của người nhập đồng. Chiếu này kết thúc, chiếc khác kế liền nổi lên. Cứ như thế kéo dài cho tới vài tháng mới thưa thớt dần. Và lặp lại như thế vào mùa xuân tiếp theo. Trên mỗi khúc sông, hẻm núi của dòng Đà giang trữ tình đều mang chứa những huyền bí khó lý giải. Động cô tiên. Núi bạch mã… Chẳng biết có phải sự trùng lặp vô tình hay sự hữu ý của người thêu dệt mà những chuyện xảy ra ở khu vực Thác Bờ đều trở nên bí hiểm. Có những chuyến thuyền gặp nạn phải cầu khấn vị chúa Thác Bờ để xin được tạ lỗi mới qua được chuyến nguy nan. Rồi có những người thợ lặn tài ba nhưng đã bị chết ngay tại nơi nước tĩnh lặng do phạm húy một câu nói hồ đồ... Những câu chuyện này giờ đây thành lời kể của nhiều người đến Thác Bờ, rồi lan truyền ra từng lớp người đến nơi đây càng làm cho đảo tâm linh thêm thiêng liêng và huyền bí.
Cầu bình an trên đảo thiêng Thác Bờ
Dân trong vùng cho biết, đảo Thác Bờ thiêng hay không thì họ chưa có cách nào để lý giải cụ thể. Nhưng mỗi người đến với nơi này đều thấy khoan khoái hơn, đầu óc tỉnh táo hơn. Đặc biệt, nằm trong cụm đảo tâm linh ở dòng sông Đà, ngoài đảo Thác Bờ còn có chợ Bờ nữa. Đó là chọ phiên 1 tuần họp 1 buổi lênh đênh dưới dòng sông Đà. Sự tích về chợ Bờ được người dân Hòa Bình lưu sâu trong ký ức. Bởi một thời, chính nơi đây là phố Bờ sầm uất giao thương cho vùng đất cửa ngõ Tây Bắc. Giờ chợ chìm dưới lòng sông ở độ sâu khoảng 200 mét. Nhưng, sợi dây vô hình của cũ và mới vẫn níu kéo những con người biết chợ Bờ và chưa biết quy tụ về hội họp ở mỗi phiên.
Theo sử sách ghi, tỉnh Hoà Bình được thành lập ngày 22/6/1886 theo nghị định của Kinh lược Bắc Kỳ với tên gọi là tỉnh Mường. Tỉnh lỵ đặt tại thị trấn Chợ Bờ (thuộc châu Đà Bắc), nên cũng gọi là tỉnh Chợ Bờ.
Chợ Bờ giữa mênh mông nước
Thế hệ sinh sau giờ ít ai biết về mảnh đất cửa ngõ Tây Bắc như thế. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây đã diễn ra trận chiến đấu tiến công đánh chiếm Chợ Bờ của 500 nghĩa quân Đốc Ngữ ngày 29 - 30.1.1891. Sau khi hoàn thành cuộc đánh chiếm Tây Bắc lần thứ nhất vào những năm 30 của thế kỷ XX, người Pháp đã lên kế hoạch khai thác sông Đà. Một dự án xây dựng thuỷ điện sông Đà ráo riết được thực hiện. Qua nhiều năm nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá hàng nghìn mẫu đất đá, người Pháp đã tập trung sự chú ý của mình vào điểm Chợ Bờ. Nhưng, tham vọng đó của người Pháp đã bị chặn lại sau cuộc đảo chính của quân đội Nhật trên khắp cõi Đông Dương. Và trong thời kỳ đổi mới, cũng chính Thác Bờ được đưa vào là một trong những trong lựa chọn làm địa điểm xây dựng nhà máy thuỷ điện Hoà Bình.
Chợ Bờ cũ xưa đã chìm dưới độ sâu 200 mét. Chợ Bờ hôm nay ven theo bờ núi
Nơi du sơn, du thủy
Chắc hẳn trở về chợ Bờ là người đến phải mang trong mình chút phưu lưu và ưa du sơn, du thủy. Phải có cái thú xê dịch thì mới bỏ qua cơn gió rét buốt lạnh giữa trời đông ở nơi vùng núi cao để tìm đến chúa Thác Bờ như vậy.
Ngắm sông Đà mà nhìn từ bến Thung Nai thuộc huyện Cao Phong thì mới thỏa chí mênh mông. Lên thuyền đi vài chục phút thì hòa vào không khí chợ Bờ bên sóng nước. Cô lái đò tên Thương, trước nhà ở mãi dưới xóm Vôi, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong. Đó cũng là một xóm vùng hồ. Rồi sau những lần dập đềnh sóng nước mưu sinh, cô gặp người yêu thương. Thuận tình, cô về làm dâu trên bến Thung Nai. Đến nay đã được dăm năm. Lấy chồng, cô vẫn theo nghề sông nước. Mưu sinh sông nước, có đôi phần vất vả, nhưng riết mãi thành quen. Chưa dám đi xa, nhưng luồng lạch quanh đây cô đều thuộc. Hỏi về phố Chợ Bờ xưa, cô ngần ngừ: em không biết! Có lẽ lớp người như cô không biết thật. Bởi một phố Chợ Bờ xưa nhộn nhịp trên tuyến đường kinh lý lên miền viễn Tây mang tên viên công sứ người Pháp, Sanhpulop (tức là tuyến đường Quốc lộ 6 cũ, hay còn gọi là đường 41 thời Pháp thuộc) đã trở thành quá khứ rất xa.
Chợ Bờ họp vào chủ nhật hàng tuần
Phố Bờ xưa, giờ chỉ còn lại chợ Bờ với vài gian hàng được xây kiên cố nằm chênh chếch ven sông. Ngày thường thì đìu hiu vắng lạnh. Chợ chỉ có người, nhưng không đông vào phiên họp. Mỗi tuần một lần. “Thời gian chợ họp cũng ngắn ngủi. Bắt đầu từ khoảng 6 giờ, quá lắm đến 9giờ 30 phút chợ tan. Người ta đến chợ cũng nhanh và tan cũng nhanh. Hàng hoá ở đây chủ yếu là nhu yếu phẩm, gạo, dầu, muối, hàng hoá vật tư nông nghiệp, quần áo... Người ta cũng chỉ cần và thường cũng chỉ mua những thứ đấy”, Chị Nguyễn Thị Thu một thương lái theo thuyền buôn trên các chợ phiên vùng hồ cho biết. Hàng hoá ở chợ ngoài những thứ từ xuôi mang lên còn một góc dành cho sản vật địa phương. Quanh cũng chỉ lèo tèo vài sản vật như măng khô, mộc nhĩ, ít hoa quả và gánh thuốc rừng của những người phụ nữ Dao.
(Còn nữa)