Kỳ 2: Cuộc chơi không dành cho nông dân

(ANTĐ) - Có người đồ rằng, nếu mở cuộc thi về địa danh có số lượng sân golf nhiều nhất thì có lẽ tỉnh Hòa Bình sẽ giành ngôi vị số 1 với 4 sân đã đưa vào hoạt động hoặc đang triển khai. Không biết nên vui hay nên buồn nhưng đối với cán bộ huyện Lương Sơn và xã Lâm Sơn thì bảo “cái sân ấy lợi đến đâu chúng tôi không biết, chứ giống như sân golf Phượng Hoàng thì chính quyền và người dân đều ngao ngán lắm rồi”.

Nghịch cảnh sân Golf:

Kỳ 2: Cuộc chơi không dành cho nông dân

(ANTĐ) - Có người đồ rằng, nếu mở cuộc thi về địa danh có số lượng sân golf nhiều nhất thì có lẽ tỉnh Hòa Bình sẽ giành ngôi vị số 1 với 4 sân đã đưa vào hoạt động hoặc đang triển khai. Không biết nên vui hay nên buồn nhưng đối với cán bộ huyện Lương Sơn và xã Lâm Sơn thì bảo “cái sân ấy lợi đến đâu chúng tôi không biết, chứ giống như sân golf Phượng Hoàng thì chính quyền và người dân đều ngao ngán lắm rồi”.

Sân golf có tội tình gì?

Sự gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh, chủ dự án với người dân diễn ra chỉ cởi mở và thường xuyên vào những ngày bà con chưa di dời đến nơi ở mới. Sau khi đến nơi ở mới người dân đã bị lãng quên một cách nhanh chóng.

Từ khi có dự án sân golf, cuộc sống của người dân bắt đầu đi xuống, khó khăn thêm nhiều
Từ khi có dự án sân golf, cuộc sống của người dân bắt đầu đi xuống, khó khăn thêm nhiều
 

Bà Đầu Thị Thu Thanh là thành viên hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng - người trực tiếp tham gia từ khi bắt đầu triển khai sân gofl đến khi hoàn thành tỏ thái độ không đồng tình với cách làm việc của sân golf hiện nay. Sau khi dự án đi vào hoạt động, bà vẫn tiếp tục được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo làm tiếp phần việc còn lại. Nhưng, từ bấy giờ trở đi bà Thanh cũng thấy lạ về sự thay đổi nhanh đến bất ngờ của người chủ sân golf Phượng Hoàng.

Bà Thanh liên hệ với phía sân golf để đốc thúc giải quyết nhiều việc còn tồn đọng, rồi quyền lợi của dân như chưa trả nốt số tiền đền bù nợ dân, những điều chưa hợp lý… thì được phía sân golf thông báo “lãnh đạo bận”. Cứ như thế đến năm lần bảy lượt bà Thanh cũng chưa được đại diện sân golf tiếp. Bà Nguyễn Thị Hồng Nhinh - Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn cho biết: “Chúng tôi là chính quyền sát sườn lâu nay, vậy mà khi liên hệ làm việc còn khó.

Hẹn gặp làm việc, nay họ bảo bận, mai họ bảo bận”. Trong khi đó, quyết định của UBND tỉnh Hòa Bình ghi phần đền bù, giải quyết  liên quan đến phía trong là do sân golf chịu trách nhiệm. Quyết định đã rõ, nhưng việc thực hiện không hề đơn giản, bởi vì khi gặp tỉnh thì tỉnh bảo việc đó của sân golf và ngược lại.

Vì cuộc chơi quý tộc, người nông dân không biết sẽ sống ra sao

Vì cuộc chơi quý tộc, người nông dân không biết sẽ sống ra sao

Người dân chẳng phản đối cái sân golf. Sân golf không có tội tình gì dù nó nằm ở chỗ nào, tỉnh nào cũng tốt, nếu như sự quyết định ấy có sự khảo sát nghiên cứu thật kỹ lưỡng và thấu đáo tới đời sống thực tại của người dân. Những hậu quả mà người dân đang phải gánh chịu ở sân golf Phượng Hoàng đã bộc lộ rõ chưa có sự quan tâm của người có trách nhiệm.

Từ khi có dự án sân golf Phượng Hoàng ở Lương Sơn, cuộc sống của người dân bắt đầu đi xuống, khó khăn thêm nhiều. Đất đai không còn, ruộng nương còn ít, bản làng không có lối đi, nông sản không có đường vào thu hoạch. Việc đi lại phải chui lủi đến khốn khổ.

Khi hỏi tỉnh có khảo sát trước khi cấp đất cho phía sân golf không, thì ông Nguyễn Quang Hải - Chánh văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình đồng thời là người phát ngôn của tỉnh trả lời rất chung chung: “Có. Tuy nhiên sự việc xảy ra hiện nay là sự cố phát sinh trong khi triển khai dự án”. Vậy tỉnh giải quyết vấn đề này thế nào? “Quan điểm giải quyết của tỉnh cố gắng tạo điều kiện cho dân. Dự án nào mà không có sơ suất này kia, tránh sao khỏi, người dân cũng phải chấp nhận hy sinh cho việc chung chứ”.

1.000 người “nhường việc” cho 70 người

Thời gian gần đây, trước tình hình tỉnh thành nào cũng đua nhau xây dựng sân golf, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương phải rà soát lại việc cấp phép đầu tư sân golf và đánh giá hiệu quả của các dự án làm sân golf. Riêng tỉnh Hòa Bình, ngoài sân golf Phượng Hoàng ở xã Lâm Sơn đã đi vào hoạt động từ năm 2007 thì còn có 3 dự án sân golf khác đang triển khai.

Đặc biệt, một dự án sân golf nằm ở khu vực rừng phòng hộ xã Đồng Tâm thuộc huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình đã bị bỏ hoang, máy móc đắp chiếu, không được chăm sóc. Nguyên nhân do sau khi chủ đầu tư sân golf chặt phá hàng chục héc ta rừng đầu nguồn thuộc khu vực rừng phòng hộ của địa phương để làm sân golf thì UBND tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định dừng dự án.

Sự việc cho thấy, ngay cả lợi ích trước mắt chưa thấy nhưng đã nhìn rõ được thiệt hại lâu dài. Khoan hãy nói đến lợi ích kinh tế vì hàng chục héc ta rừng phòng hộ là tài nguyên vô giá bảo vệ môi trường chung mà không thể lấy lại được. Đây là điều chính quyền cần xem xét trước khi quyết định.

Chính ông Nguyễn Quang Hải - Chánh văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình cũng phải thừa nhận rằng, thu nộp ngân sách cho Nhà nước từ sân golf là rất nhỏ, không đáng kể. Những tưởng có sân golf là đời sống bà con sẽ khấm khá hơn nhờ dịch vụ “ăn theo”, nhưng thực tế thì không phải. Quả thật, những ông chủ sân golf có cái đầu kinh tế không kém ai. Không một dịch vụ nào có thể nằm ngoài sân golf được bởi sự trọn gói đến tối đa đã được họ tính đến, thế nên bà con có muốn “ăn theo” là vô cùng khó khăn.

Theo chuyên gia, đối với các dự án xây dựng sân golf, nhà đầu tư không cần phải đầu tư nhà, xưởng, thiết bị, mà họ chỉ cần có tiền đền bù và đầu tư một khoản ít ỏi vào cơ sở hạ tầng. Sau đó, họ có được một diện tích đất lớn thậm chí rất lớn để rồi, khi có đất trong tay, họ có thể chuyển sang làm việc khác.

Bởi thực tế, ở Việt Nam, sân golf nào đông thành viên câu lạc bộ cũng chỉ có từ 40-50 hội viên. Trung bình, mỗi thành viên câu lạc bộ sân golf phải đóng từ 10.000 - 15.000 USD/năm thì việc thu hồi vốn so với khoản chi phí đền bù đất, xây dựng cơ sở hạ tầng, chi phí bảo dưỡng thường xuyên... không biết đến bao giờ các nhà đầu tư mới thu hồi được vốn?

Sân golf mang lại gì cho tỉnh thì chưa thấy, điều thấy rõ nhất hiện nay hàng nghìn người trở nên thất nghiệp, nguy cơ tái nghèo là hiện hữu. Điều rõ ràng nhất đất của người dân - tư liệu sản xuất không thể thiếu đối với nông dân đang bị dự án sân golf ngốn rất nhiều. Trong khi giải quyết việc làm cho họ thì hầu như không có. Bài học khôi hài đang diễn ra ở Lương Sơn, Hòa Bình là gần 1.000 người đang thất nghiệp để cho vỏn vẹn khoảng 70 người có việc làm trong sân golf.

Nguyễn Đức Tuấn

Kỳ sau: Khi nông dân ngồi chơi… xơi nước