Năm ngày trên đất Thái:

Kỳ 1: Sự khác biệt lý thú

ANTĐ - Vừa mới đặt chân xuống sân bay, chúng tôi đã choáng ngợp bởi sự rộng lớn và đông nghịt người của sân bay Suvarnabhumi, Thái Lan. Anh Tú - hướng dẫn viên của đoàn cho biết, đây là sân bay lớn nhất châu Á với 110 cửa và để hoàn thành dự án này, người Thái phải mất 49 năm qua 11 đời Thủ tướng…

Chùa Phật Ngọc tại Bangkok


Muốn lấy vợ… phải đi tu!

Ra khỏi sân bay, chúng tôi khởi hành ngay đến Pattaya - một “thiên đường trần gian”. Ngồi trên xe, cả đoàn được chị Liên - hướng dẫn viên người Thái gốc Việt giới thiệu về đất nước Thái Lan. Qua cách dẫn dắt câu chuyện của chị, chúng tôi thấy hướng dẫn viên người Thái không chỉ có kiến thức sâu rộng, sự chuyên nghiệp trong công việc mà trong họ còn toát lên niềm tự hào về đất nước mình. Tại Pattaya - du khách có thể thoải mái xem các màn biểu diễn trong các “sexy show”, chơi “hết mình” ở phố đèn đỏ, thỏa sức ngắm nghía các cô gái múa may trong các tủ kính hay nghỉ ngơi, thư giãn tại các cửa hiệu

massage chân, toàn thân. Cách Pattaya khoảng 15km có làng văn hóa dân tộc Nong Nooch. Đến đây, du khách được thưởng thức chương trình ca múa nhạc dân tộc Thái và những màn trình diễn rất ấn tượng của các chú voi, chụp ảnh trong vườn lan. Vườn nhiệt đới Nong Nooch luôn nườm nượp du khách. Đa số sản phẩm du lịch của Thái Lan đều là nhân tạo.

 Điều khá lý thú tại đất nước Thái Lan là phụ nữ được coi trọng hơn nam giới. Bất cứ người đàn ông nào muốn lấy vợ phải có giấy chứng nhận đã… đi tu. Con trai Thái có thể đi tu từ khi còn rất nhỏ trong thời gian 1 tháng. Trong 1 tháng đó, họ đến ở tại chùa, hàng sáng phải đi khất thực (xin đồ ăn ngoài đường phố) và đặc biệt là không được chạm vào phụ nữ. Kể cả đến ngày cuối cùng của thời gian đi tu, chỉ cần vạt áo của họ chạm vào bất cứ người phụ nữ nào, họ sẽ phải… tu lại từ đầu. Sau một tháng, người đàn ông sẽ được cấp một giấy chứng nhận. Đây được coi như giấy thông hành để họ có thể lấy vợ hay đi xin việc làm. Một trong những điều khiến du khách vô cùng ngạc nhiên là Cảnh sát  giao thông Thái Lan có thể đeo khẩu trang, mặc áo đồng phục may bó sát và ngoài cùng là chiếc áo có những vạch phản quang như kiểu áo của nhân viên môi trường đô thị ở Việt Nam. Trên hầu khắp các tuyến đường hay các điểm vui chơi công cộng, hầu hết các pano, áp phich đều in hình của đức vua, hoàng hậu và các thành viên trong hoàng tộc. Người Thái dành cho đức vua, hoàng hậu… lòng yêu mến, kính trọng và sự tôn sùng tuyệt đối..

Ùn tắc trong trật tự

Tắc đường ở Bangkok

Đến với Bangkok là đến với những ngôi nhà chọc trời, với những ngôi chùa kỳ vĩ. Những danh thắng này đã mang đến cho du khách khá nhiều cảm xúc. Khi vào Hoàng cung, chùa Phật Vàng, du khách có cảm giác như lạc vào một vùng đất khác, một vùng đất của vua chúa, của những vị Phật, 95% người  Thái theo đạo Phật. Bởi vậy những công trình đền thờ, chùa chiền được người Thái xây dựng trên khắp đất nước.

Thái Lan còn là một trong những thiên đường mua sắm. Nếu là dân “nghiện” shopping, bạn có thể đến mua sắm tại chuỗi các siêu thị lớn và nổi tiếng như BigC, Robinson hay Central… Tuy vậy, một “đặc sản” của đất Thái không thể không nói đến đó là nạn kẹt xe. Kẹt xe xảy ra thường xuyên như cơm bữa, bất kể là ngày thường hay ngày nghỉ và vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.

Ở Thái, ô tô khá rẻ và người dân được mua trả góp nên đây là phương tiện giao thông phổ biến nhất. Dù tình trạng ùn tắc diễn ra liên tục song trên các tuyến đường hầu như không có tiếng còi xe hay xảy ra tình trạng hỗn loạn. Dòng xe dài nối đuôi nhau tuân thủ khoảng cách và hoàn toàn không có chuyện chen chúc, tạt đầu, luồn lách hay lao xe lên vỉa hè. Do tắc đường thường xuyên nên việc trả phí taxi cũng được tính theo thời gian. Bởi vậy du khách đi taxi hễ gặp tắc đường là phải nhảy xuống đi bộ nếu không sẽ bị tính tiền theo thời gian chờ. Mỗi lái xe taxi phải qua một khóa đào tạo và có giấy chứng nhận về… “đỡ đẻ”, đề phòng trường hợp chở phụ nữ có thai trên xe và bất ngờ chuyển dạ trong lúc… tắc đường.

Ở Bangkok, phương tiện giao thông có chi phí đắt đỏ nhất là “xe ôm”. Các lái “xe ôm” chỉ được đỗ và đón khách tại một số khu vực nhất định, mặc áo đồng phục với giá của mỗi chiếc áo là 15.000 USD (xấp xỉ 300 triệu đồng). Chiếc áo này coi như một loại tài sản có giá trị và có thể bán lại cho người khác khi không còn nhu cầu sử dụng. Mặc dù từ năm 2003, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, Thủ tướng Thái Lan Thaksin

Shinawatra đã ban hành một bản hướng dẫn các bước tháo gỡ nạn kẹt xe ở Bangkok. Trong đó, cảnh sát giao thông sẽ phải làm tốt hơn việc điều khiển giao thông dưới sự giám sát của các sĩ quan cấp cao, chính phủ sẽ xây dựng thêm nhiều đường nối, đường vòng để giải quyết các nút giao thông “cổ chai”, tăng tốc thực hiện kế hoạch cải thiện hệ thống giao thông trên diện rộng. Tuy vậy, đã 7 năm trôi qua, tình trạng này vẫn chưa có chuyển biến đáng kể.

Sẽ là thiếu sót khi nói về Thái Lan mà không đề cập đến những món ăn độc đáo. Mỗi món ăn hay toàn thể bữa ăn đều có sự phối trộn tinh tế giữa vị cay, chua, ngọt và đắng. Ẩm thực Thái cũng bị ảnh hưởng bởi ẩm thực của các nước lân cận như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia. Thái Lan còn được ví là một đất nước của những nụ cười bởi người dân nơi đây rất hiếu khách. Tuy vậy, người Thái còn mang đến cho chúng tôi khá nhiều bất ngờ khác. Họ không chỉ làm du lịch tốt mà còn đá bóng rất giỏi…

(Còn nữa)