Kinh tế vĩ mô khó đoán định, chuyên gia khuyến cáo gì về các kênh đầu tư?

ANTD.VN - Theo báo cáo chiến lược đầu tư vừa công bố, AFA Capital nhận định chiến thuật “Phòng ngự chặt, phản công nhanh” đã cho thấy hiệu quả trong năm 2024.

Chia sẻ tại Chương trình WeTalk “Đầu tư gì cuối năm 2024?”, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, Đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) cho biết, việc đầu tư vào lớp tài sản phòng thủ (vàng) đã mang lại lợi tức 15,85% trong 8 tháng đầu năm (trong đó, vàng nhẫn tăng mạnh hơn với mức tăng 23,70%, còn vàng SJC tăng 8%).

Cùng với đó, lớp tài sản tăng trưởng (được tính bằng 5 chứng chỉ quỹ cổ phiếu VESAF, VEFO, DCDS, DCBC, SSI-SCA) có lợi tức lớn nhất với mức tăng trưởng lên tới 21,5% kể từ đầu năm.

Trong khi tài sản lợi tức cố định (được tính bằng trung bình hiệu suất 3 chứng chỉ quỹ trái phiếu là VFF, DCBF, PVBS) chỉ tăng trưởng 4,55%; tài sản thanh khoản (hiệu suất trung bình của các ngân hàng thương mại) chỉ tăng 2,56% kể từ đầu năm.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, Đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA)

Trong thời gian tới, AFA Capital cho rằng các tài sản đầu tư tài chính có sự biến động về giá có thể phải đương đầu với sự bất định của kinh tế vĩ mô thế giới.

Trong đó, đối với lớp tài sản thanh khoản, dự báo trong bối cảnh vĩ mô thế giới như hiện nay lãi suất tiền gửi sẽ tăng nhưng tăng nhẹ khi các ngân hàng thương mại phải gia tăng các gói vay ưu đãi về lãi suất để cạnh tranh nguồn huy động.

Sự chênh lệch giữa huy động và tín dụng của các ngân hàng thương mại là nguyên nhân khiến cho lãi suất huy động tiếp tục duy trì xu hướng phục hồi từ đầu quý II/2024.

Tăng trưởng tín dụng theo tháng (so với đầu năm) đang tăng nhanh hơn so với cùng kỳ năm 2023, có thể tốc độ sẽ tiếp tục tăng từ nay đến hết năm 2024 để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15%.

Dù vậy, lãi suất tăng với tốc độ chậm và không gây ra áp lực lớn trên thị trường dân cư. Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh, khi nói về tiền gửi, bên cạnh lợi tức có được khi đầu tư, đây còn là tài sản thanh khoản cần được phân bổ trong danh mục để sẵn sàng hành động khi có cơ hội đầu tư.

Đối với lớp tài sản phòng thủ, giá vàng trong nước hiện vẫn neo cao do được hưởng lợi từ xu hướng tăng của vàng thế giới. Đồng USD suy yếu và sự bất định của kinh tế Mỹ là các yếu tố tích cực với giá vàng.

Ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng vàng vẫn sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này cũng như nhu cầu vàng ổn định trong phần còn lại của năm 2024. Dù vậy, dư địa tăng của vàng không còn nhiều do giá đã cao. Giá vàng hiện tại đã phản ánh kỳ vọng của kịch bản rủi ro suy thoái và có thể dư địa bứt phá không còn nhiều.

Đối với lớp tài sản có lợi tức cố định, CEO AFA Capital dự báo kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ duy trì xu hướng phục hồi. Giá trị trái phiếu chậm trả giảm nhẹ cũng là một tín hiệu tích cực. Việc tái cấu trúc trái phiếu chậm trả cũng đang tiến triển ổn định. Tuy nhiên, mức độ rủi ro tăng khi nhóm ngành bất động sản vẫn chiếm tỷ lệ cao và có số lượng tổ chức phát hành chậm trả lớn.

Rủi ro đáo hạn lớn khi trái phiếu đáo hạn hàng tháng thuộc các nhóm ngành rủi ro vẫn chiếm tỷ trọng khá cao. Giá trị trái phiếu đáo hạn có rủi ro cao trong tháng 08/2024 gấp 3 lần so với tháng 7/2024. Ước tính trong 12 tháng tới, 20% trái phiếu đáo hạn là những trái phiếu có rủi ro cao chậm trả nợ gốc đến hạn.

Trong khi đó, giá trị phát hành mới ở mức khiêm tốn cho thấy niềm tin của thị trường vẫn ở mức thấp. Cấu trúc kỳ hạn đang dần tập trung vào nhóm kỳ hạn ngắn dưới 3 năm, tuy nhiên kỳ hạn trung bình đang có xu hướng tăng.

Với kênh đầu tư cổ phiếu, tâm lý thị trường gặp trở ngại từ câu chuyện thanh khoản và xu hướng bán ròng kéo dài của nhà đầu tư nước ngoài. “Theo kịch bản cơ sở hiện tại, chúng tôi vẫn đang kỳ vọng tín hiệu tích cực đối với lớp tài sản này sẽ quay trở trong quý IV tới khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất”, ông Nguyễn Minh Tuấn đưa ra nhận định.

Về việc phân bổ tài sản trong quý IV, theo khuyến nghị của AFA Capital, danh mục đầu tư có thể tăng tỷ trọng vào tài sản thanh khoản để chờ cơ hội; giữ nguyên tỷ trọng đối với tài sản phòng thủ để dự phòng trong trường hợp nền kinh tế thế giới đi vào pha suy thoái.

Trong khi đó, quỹ này khuyến nghị nhà đầu tư giảm tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu; giữ nguyên tỷ trọng cổ phiếu để chờ đợi cơ hội, có thể cơ cấu từ vàng và tiền gửi để nắm bắt cơ hội.