Kinh tế Đức sụp đổ chỉ sau vài tháng nếu từ bỏ ngay khí đốt Nga?

ANTD.VN - Nền kinh tế Đức theo nhận xét chưa thể sớm độc lập với nguồn cung khí đốt Nga, đó là lý do bất chấp những sức ép bên ngoài, Berlin vẫn phải hợp tác với Moskva trong lĩnh vực năng lượng.

Mặc dù các quốc gia phương Tây và Ukraine liên tục thúc giục ngừng nhập khẩu khí đốt Nga, tuy nhiên Berlin chưa thể đáp ứng những đòi hỏi nói trên, bởi điều này sẽ phá hủy nền kinh tế Đức.

Trong trường hợp Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Đức, dự trữ nhiên liệu của họ sẽ cạn kiệt trước khi kết thúc mùa hè. Điều này đã được người đứng đầu Cơ quan Mạng lưới Liên bang của Đức - ông Muller tuyên bố trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Zeit.

Người đối thoại của ấn phẩm Zeit lưu ý rằng ông chỉ nói theo giả thuyết, bởi vì cho đến nay chưa có bất cứ dấu hiệu nào về việc ngừng nhập khẩu ngay lập tức khí đốt từ Nga, cho nên mọi người không cần phải lo lắng.

Ông Muller nói thêm rằng, nước Đức có các kênh nhập khẩu năng lượng khác, và nguồn cung cấp khí đốt đã tăng nhẹ trong vài tuần qua, bất chấp những biến động mạnh mẽ của thị trường và tình hình chiến sự tại Ukraine.

“Chúng tôi sẽ có đủ khí đốt cho đến cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu. Nhưng tôi đang làm mọi thứ để ngăn chặn tình huống xấu nhất xảy ra, đó là các kho dự trữ cạn kiệt sau thời gian này”, ông Muller nhấn mạnh.

Trong trường hợp ngừng nhập khẩu năng lượng từ Nga ngay lập tức, Đức sẽ thiệt hại 220 tỷ Euro (240 tỷ USD). Ngoài ra, lệnh cấm vận khí đốt Nga sẽ khiến nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại, thậm chí sụp đổ chỉ sau vài tháng.

Ngoài ra tờ Bloomberg sau khi trích dẫn một dự báo do Bộ Kinh tế Đức đưa ra đã thông báo việc loại bỏ các nguồn năng lượng của Nga sẽ khiến Đức mất 6,5% sản lượng công nghiêp hàng năm và gây tác động đến nhiều lĩnh vực khác.

Các nhà phân tích cũng dự đoán sự suy yếu của nền kinh tế Đức, so sánh các dự báo hiện tại và trước đó. Họ cho rằng tăng trưởng kinh tế là 2,7% vào năm 2022 và 3,1% trong năm 2023, so với các dự báo tăng trưởng trước đó lần lượt là 4,8% và 1,9%.

Đồng thời lạm phát năm 2022 sẽ cao nhất trong 40 năm qua, ở mức 6,1%. Tổn thất của nền kinh tế Đức trong trường hợp từ chối khí đốt Nga ước tính sẽ vào khoảng hàng trăm tỷ Euro, cho dù không gây sụp đổ thì hậu quả cũng là rất nặng nề.

Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner lưu ý rằng nước này sẽ gặp khó khăn trên con đường nhanh chóng từ bỏ khí đốt Nga theo đề nghị của các đồng minh phương Tây cũng như Ukraine.

Đức sẽ phải xây dựng các chuỗi cung ứng mới và quan hệ thương mại với những quốc gia khác để đạt được mục tiêu giảm sự phụ thuộc một mặt vào năng lượng nhập khẩu từ Nga.

Kết quả là vào tháng 3, lạm phát ở Đức tính theo năm đã tăng lên 7,3%, một tháng trước đó ở mức 5,1%. Các nhà công nghiệp Đức vẫn cảnh báo về nguy cơ đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế nước này trong trường hợp nguồn cung năng lượng từ Nga bị gián đoạn.

Đức rõ ràng đang ở thế khó khi châu Âu và Mỹ cho rằng nhờ nguồn thu từ việc bán năng lượng cho Đức mà nước Nga có đủ tiền để xây dựng tiềm lực quốc phòng như hiện nay, cuộc chiến tại Ukraine là minh chứng rõ nhất.

Để xoa dịu tình hình, một mặt Đức đang đề xuất sẽ giảm dần và tiến tới ngừng hoàn toàn nhập khẩu khí đốt Nga sau 2 năm, mặt khác họ đẩy mạnh cung cấp vũ khí cho Ukraine, trong đó để ngỏ khả năng chuyển giao cả xe tăng, trọng pháo...