Kiểm tra, phòng ngừa hoả hoạn tại cơ sở kinh doanh karaoke và quán bar ở phố cổ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước những tiềm ẩn nguy cơ hoả hoạn tại cơ sở kinh doanh karaoke và quán bar trên địa bàn phố cổ, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ- Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã tăng cường rà soát, kiểm tra an toàn cháy nổ, đặc biệt đối với các cơ sở kinh doanh karaoke và chuyển đổi công năng tương tự trên địa bàn quận.
Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an quận Hoàn Kiếm

Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an quận Hoàn Kiếm


Chủ
động rà soát, đánh giá đưa ra phương án phòng ngừa

Địa bàn phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vốn đã tiềm ẩn nguy cơ cao hoả hoạn, đặc biệt đối với cơ sở kinh doanh karaoke và tương tự, quán bar đang là vấn đề “nóng” được quan tâm. Do nơi đây thường tập trung đông người, lại hoạt động về đêm nên việc phòng ngừa hoả hoạn hết sức khó khăn. Cụ thể, người dân, du khách khi vào sinh hoạt thường sử dụng bia rượu, thuốc lá chỉ cần sơ suất nhỏ là dẫn đến hoả hoạn. Tiềm ẩn hơn nữa là hệ thống điện trong cơ sở này thiếu đồng bộ, trong khi đó thiết bị điện nhiều, tiêu hao điện rất lớn càng tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.

Xác định tính chất và nhiệm vụ quan trọng, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy – Công an quận Hoàn Kiếm đã tổ chức rà soát, điều tra cơ bản về phòng cháy, chữa cháy. Qua đó xác định tổng số cơ sở kinh doanh karaoke và công năng tương tự trên địa bàn quận là 12 cơ sở (trong đó hiện tại là 2/12 cơ sở có đăng ký kinh doanh là karaoke; 10/12 cơ sở có đăng ký kinh doanh là nhà hàng nhưng hoạt động tương tự kiểu karaoke.

Theo Trung tá Nguyễn Mạnh Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an quận Hoàn Kiếm: “Hiện có 12/12 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy của Công an quận (thuộc Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020. Công tác lập hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 12/12 cơ sở đã lập hồ sơ đảm bảo theo quy định”.

Trước những nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ, đặc biệt qua một số vụ hoả hoạn gây thiệt hại nghiêm trọng về người trên địa bàn thành phố trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã chủ động tham mưu Ban chỉ huy Công an quận Hoàn Kiếm, UBND quận Hoàn Kiếm để ban hành các văn bản, chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp tăng cường các biện pháp an toàn cháy, nổ với loại hình kinh doanh này.

Đồng thời, về vai trò lực lượng chủ công, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Qua đó đã kiểm tra an toàn, cháy nổ đối với 12/12 cơ sở, lập 12 biên bản kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 trường hợp với số tiền 51.900.000 đồng.

Chỉ rõ tồn tại, có biện pháp hữu hiệu

Theo chỉ huy Công an quận Hoàn Kiếm, xác định rõ vai trò quan trọng của phòng ngừa hoả hoạn, các đơn vị, UBND 18 phường, Công an 18 phường đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, tổ chức, phối hợp thực hiện đồng bộ, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của cấp trên trong công tác rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các cơ sở kinh doanh karaoke và công năng tương tự.

Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH kiểm tra cơ sở tiềm ẩn nguy cơ hoản hoạn mùa hanh khô

Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH kiểm tra cơ sở tiềm ẩn nguy cơ hoản hoạn mùa hanh khô

Với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm, đa phần người đứng đầu các cơ sở đã nhận thức được trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy và tổ chức khắc phục các tồn tại, thiếu sót về về an toàn cháy, nổ. Qua kiểm tra các đơn vị đã củng cố hồ sơ theo dõi, quản lý công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; ban hành, niêm yết nội quy, quy định về phòng cháy, chữa cháy; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy; huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy; tổ chức thực tập phương án chữa cháy; kiện toàn Đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở; kiểm tra toàn bộ hệ thống, phương tiện phòng cháy, chữa cháy đã được trang bị và bảo dưỡng hệ thống, phương tiện PCCC theo đúng quy định; hệ thống dây dẫn điện, thiết bị tiêu thụ điện; bổ sung lối thoát nạn.

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, giám sát cũng phát hiện một số tồn tại, trong đó các cơ sở kinh doanh đa phần từ nhà dân và được cải tạo, sửa chữa trở thành nơi vui chơi, giải trí, tập trung đông người. Do vậy chưa đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy, điều kiện về thoát nạn theo quy định tại QCVN 06:2022/BXD và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy hiện hành.

Các cơ sở hoạt động theo đăng ký kinh doanh là nhà hàng ăn uống, tuy nhiên thiết kế, kiến trúc, vật liệu cách âm, trang trí, hệ thống âm thanh tương tự như loại hình karaoke. Khi được cơ quan Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ kiểm tra, hướng dẫn, yêu cầu khắc phục thì vẫn còn tư tưởng xem nhẹ công tác an toàn cháy, nổ, không chấp hành hoặc chấp hành theo kiểu “chống đối” dẫn đến những tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ kéo dài, càng làm cho nguy cơ tiềm ẩn hoản hoạn khôn lường.

Chỉ rõ nguyên nhân dễ cháy lan, cháy lớn, chỉ huy Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho biết, qua thực địa các phòng sử dụng dịch vụ trong không gian kín, tường lắp đặt bằng vật liệu cách âm, vật liệu tiêu âm như: Cao su non cách âm chống rung, xốp bọt biển EPS cách âm, Tấm XPS cách âm, Bông khoáng Rockwool, Bông thủy tinh glasswool, Mút tiêu âm.... Việc đánh giá tính cháy, tính bắt cháy, tính lan truyền lửa trên bề mặt, khả năng sinh khói và độc tính của vật liệu cháy trên đảm bảo theo “Các thông số thử nghiệm được xác định theo tiêu chuẩn ISO 1182, ISO 5657, ISO 9239-2, ISO 5660-2 hoặc các tiêu chuẩn tương đương” chưa được hướng dẫn cụ thể dẫn đến khó khăn trong quá trình hướng dẫn cơ sở thực hiện.

Chưa đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC, điều kiện về thoát nạn theo quy định tại QCVN 06:2022/BXD và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC hiện hành.

Do đó, để đảm bảo an toàn cho người dân, hiện tại lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thường xuyên tổ chức phúc tra, kiểm tra đột xuất việc thực hiện các kiến nghị của đoàn kiểm tra; xây dựng công văn kiến nghị của Công an quận.

Cụ thể trường hợp cơ sở đã khắc phục các tồn tại, thiếu sót và được kiểm tra đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy theo các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy mới được phép hoạt động. Trường hợp cơ sở không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC, trên cơ sở hành vi vi phạm được phát hiện tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, đồng thời, đề xuất Trưởng Công an quận ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật. Sau đó giao Công an phường tham mưu UBND phường giám sát việc chấp hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ của cơ sở, có các chế tài cao hơn khi cơ sở cố tình hoạt động khi chưa đảm bảo an toàn PCCC.

Đối với những cơ sở cải tạo lại hoặc xây mới, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hướng dẫn cơ sở thực hiện đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC&CNCH theo Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.