Hơn 70% trẻ trong các trại mồ côi là… giả
Những chương trình biểu diễn liên tục như thế này giúp cho trại trẻ mồ côi ACODO - một Tổ chức Hỗ trợ trẻ mồ côi và khuyết tật Campuchia trở thành một trong những trại trẻ mồ côi được viếng thăm nhiều nhất tại tỉnh Siem Reap - địa phương thu hút hơn 2 triệu du khách mỗi năm đến thăm các ngôi đền cổ. Trên bảng thông báo tại các khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng bán đồ lưu niệm ở đây dán dày đặc ảnh trẻ em ở các trường học và trại trẻ mồ côi với những cặp mắt mở to, bộ dạng nhếch nhác như thôi thúc khách du lịch hãy dành thời gian và tiền bạc cho việc làm từ thiện đặc biệt này.
Sau khi tận mắt chứng kiến cảnh sống nghèo khổ của các em nhỏ “mồ côi”, du khách động lòng thương cảm, góp tặng từ 10 đến vài ngàn USD. Thậm chí, có những du khách sau khi trở về nước còn tổ chức quyên góp tiền gửi sang Campuchia. Họ đâu biết rằng, đa số những đứa trẻ này hoàn toàn không phải trẻ mồ côi, mà phần lớn trong số các em nhỏ xuất thân từ gia đình nghèo khó hay cha mẹ ly hôn.
Theo một nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và chính quyền Campuchia, giữa các năm 2005 và 2010, số lượng trại trẻ mồ côi ở nước này tăng 75%. Hiện có hơn 270 trại mồ côi đăng ký hoạt động với chính quyền, nhưng sự thật chỉ có 23% số trẻ sống trong các trại mồ côi này là trẻ mồ côi. Con số này có nghĩa là hơn 9.000 trẻ ở các trại trẻ mồ côi vẫn còn cha hoặc mẹ.
Nhưng cũng có một sự thực vừa đáng thương vừa đáng trách rằng, 99% bậc cha mẹ đồng ý cho con cái vào trại mồ côi nhằm để chúng được học hành đầy đủ, trong khi 47% khác viện lý do nghèo túng. Cũng giống như phần đông các giám đốc trại mồ côi, Savourn Morn - người sáng lập Tổ chức Phát triển và Trẻ em (CDO), mặc dù thừa nhận rất ít trẻ được bà chăm sóc là mất cha hay mẹ nhưng vẫn luôn tự cho mình là người nhân đạo: “Tôi mở trại để giúp đỡ những đứa trẻ nghèo khó vì nếu ở lại với gia đình thì chúng sẽ không được học hành và chăm sóc y tế”.
Trên thực tế, kiếm tiền thông qua trại trẻ mồ côi được coi là cách làm ăn sinh lợi nhất đang bùng nổ mạnh ở Campuchia. Theo Tổ chức địa phương chuyên trách về thanh niên và trẻ em cơ nhỡ thành thị Friends International, việc đến thăm các trại trẻ mồ côi đã trở thành một điểm du lịch “hấp dẫn” tại những thành phố lớn như Phnom Penh và Siem Reap. Khoảng 90% số trại trẻ mồ côi ở Campuchia hiện nay tồn tại bằng những quyên góp từ thiện. Điển hình như ACODO - nơi ở của 30 trẻ “mồ côi”, theo các số liệu điều tra tiết lộ, hằng năm nhận được tiền quyên góp từ thiện khoảng 250.000 USD.
Để lấy sự thương cảm của du khách nhằm mục đích thu hút thật nhiều tiền hiến tặng, những đứa trẻ này thường phải sống trong điều kiện thiếu thốn (suy dinh dưỡng, bệnh tật, “ngờ nghệch”). Hành động này được Giám đốc ACODO - Long Veasna biện hộ rằng “nhân viên của trại không thể chăm sóc các em đàng hoàng vì… quá bận rộn!”.
Trẻ phải đối mặt với nhiều nguy cơ
Một vài tổ chức phi Chính phủ (NGO) bảo vệ trẻ em, bao gồm UNICEF đã tiến hành các chiến dịch nhằm tuyên truyền chấm dứt loại hình hoạt động gọi là “du lịch trại trẻ mồ côi” để thông tin sự thật đến những du khách chưa hiểu biết vấn đề. Theo các tổ chức này, những đứa trẻ được đưa vào trại mồ côi thường mắc phải chứng rối loạn nhân cách, chậm phát triển cơ thể và khả năng ngôn ngữ, khó hòa nhập xã hội khi trưởng thành.
Nguy hiểm hơn, thậm chí các em còn đối mặt với nguy cơ bị xâm hại tình dục cũng như thể xác rất cao. Năm 2007, Tổ chức Chăm sóc Trẻ em Campuchia đã giải cứu 14 trẻ em của một trại trẻ mồ côi khỏi sự lạm dụng thể chất và tình dục của chính người quản lý trại. Sau khi được giải cứu, những đứa trẻ này cho biết, chúng được ăn rất ít. Thậm chí, chúng còn bị ép bắt chuột… ăn. Đầu năm 2013, giám đốc của một trại mồ côi ở thành phố Siem Reap cũng đã bị bắt vì tội lạm dụng tình dục 2 bé gái 11 tuổi và 12 tuổi.
Và khi không còn ở trại mồ côi nữa, chúng rất khó tìm được một công việc ổn định. Một số làm công nhân trong nhà máy với mức lương rất thấp và thời gian làm thường chỉ có ngày trong một tháng. Hoàn cảnh gia đình vẫn rất khó khăn, công việc lại bấp bênh khiến không ít cô gái (những bé gái trong trại mồ côi năm xưa) bước vào con đường bán thân.
Chuyên gia Van Westering nói rằng, bà rất lo ngại về những nguy cơ đối với những trẻ mồ côi hy vọng kiếm tiền bằng ăn xin hoặc các trò biểu diễn cho khách du lịch nước ngoài. “Chúng buộc phải làm thật tốt và biết rằng nếu không như vậy thì sẽ không có tiền để mà sống. Hẳn là ai cũng hiểu điều gì sẽ xảy ra đối với những đứa trẻ sống trong hoàn cảnh như vậy” - bà nói.