Không quân Nga nhận lô tiêm kích MiG-31BM nâng cấp giữa tình hình nóng

ANTD.VN - Bên cạnh Su-35S hay Su-30SM, sức mạnh Không quân Nga sẽ được tăng cường đáng kể thông qua tiêm kích MiG-31BM.

Lô tiêm kích MiG-31BM hoàn thành quá trình hiện đại hóa vừa được chuyến đi từ nhà máy sản xuất máy bay Sokol ở Nizhny Novgorod đến địa điểm đóng quân của đơn vị tiếp nhận.

Theo thông báo, công việc được thực hiện theo mệnh lệnh quốc phòng cấp nhà nước, nhà máy chịu trách nhiệm phục hồi và hiện đại hóa tiêm kích MiG-31 Foxhound lên chuẩn MiG-31BM đã bàn giao đúng tiến độ.

Dịch vụ báo chí của Tập đoàn chế tạo máy bay Thống nhất (UAC) cho biết, sau khi nâng cấp, tiêm kích MiG-31BM vẫn giữ được hiệu suất bay đã định, nhưng có thêm nhiều tính năng mới rất đáng chú ý.

Tiêm kích đánh chặn MiG-31 ra đời từ thời Liên Xô dự kiến sẽ duy trì hoạt động tuần tra không phận Nga trong một thời gian dài do khung thân còn đảm bảo độ vững chắc và những cải tiến liên tục của máy bay.

Giới chuyên môn nhấn mạnh, mặc dù chiến đấu cơ MiG-31 đã phục vụ được 40 năm, nhưng nó vẫn là mối nguy hiểm hàng đầu đối với tiêm kích NATO khi có khả năng đạt tốc độ 3.000 km/h.

Thời hạn phục vụ chiến đấu của MiG-31 kéo dài đến mức như vậy là do từ năm 2007, chương trình hiện đại hóa quy mô lớn lên tiêu chuẩn MiG-31BM đã được thực hiện.

Phiên bản MiG-31BM nhận được radar Zaslon-AM hiện đại, cho phép nó chiến đấu cùng lúc với 6 mục tiêu và theo dõi 10 đối tượng ở khoảng cách 320 km, trong khi tên lửa R-37M có thể bắn trúng từ cự ly hơn 280 km.

Cabin máy bay được số hoá bằng những màn hình LCD, hiển thị đầy đủ thông tin chiến thuật, dẫn đường, radar và những dữ liệu khác.

Khung vỏ máy bay cũng được hiện đại hóa, thực tế tất cả các bộ phận mới lắp trên chiếc tiêm kích hiện đều có xuất xứ từ Nga, mặc dù trước đó nhiều thành phần được sản xuất ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Được biết toàn bộ quá trình nâng cấp một chiếc Foxhound cổ điển lên chuẩn MiG-31BM chỉ mất chưa đầy một năm và sẽ tăng gấp 3 lần sức mạnh chiến đấu so với MiG-31 nguyên bản

Nhà sản xuất Nga đã thành công trong việc đưa hệ thống điều khiển số hóa "bay bằng dây" vào chiếc tiêm kích đánh chặn, nhờ đó công nghệ cơ học cổ điển được thay thế bằng giao diện điện tử tinh vi.

Người Nga có lẽ sẽ không thể sớm tìm được sản phẩm kế nhiệm chiếc tiêm kích đánh chặn này. Nhưng điều đó là chưa cần thiết khi tuổi thọ của MiG-31 Foxhound thực tế là vô tận nhờ khung thân một phần được làm bằng titan.

Hiện tại ước tính còn tới hàng trăm tiêm kích MiG-31 thuộc các phiên bản cũ đang nằm trong kho bảo quản, Không quân Nga dự kiến sẽ tiếp nhận thêm nhiều chiến đấu cơ loại này trong tương lai.

Ngoài phiên bản MiG-31BM, biến thể nổi tiếng nhất của tiêm kích Foxhound hiện tại chính là MiG-31K, chúng được gia cường khung thân để mang tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal có trọng lượng và kích thước rất lớn.

Tiêm kích MiG-31 đã thể hiện năng lực chiến đấu đáng kinh ngạc, khi giúp Không quân Nga áp đảo mọi chiến đấu cơ của Ukraine cũng như NATO trong tình huống chúng gặp nhau trên bầu trời.