Không quân Israel đột nhập lãnh thổ Syria, phá hủy căn cứ tên lửa S-300

ANTĐ - Không quân Israel đã giáng đòn tấn công vào địa điểm ở thành phố Latakia miền tây Syria, được coi là một căn cứ quân sự của lực lượng tên lửa phòng không S-300 của Syria.

Bản tin ngày 27-01 của Đài truyền hình Israel, dẫn nguồn từ phe đối lập Syria cho biết, mục tiêu tấn công là các hệ thống tên lửa phòng không cực mạnh S-300 PMU2 được Syria mua từ Nga. Hiện cả 2 bên đều không đưa ra bất kỳ bình luận chính thức nào về sự kiện này.

Trước đó, báo Israel "Haaretz" đưa tin rằng căn cứ quân sự Syria tại Latakia vào đêm 26 rạng sáng ngày 27-01 đã bị hứng đòn tấn công của không quân Israel. Tuy nhiên, nguồn tin này không cho biết mục tiêu bị tấn công là của lực lượng nào.

Vụ nổ lớn tại Latakia vào rạng sáng ngày 27-01 cũng được đề cập đến trong mục “Thời sự” trên trang web của phong trào “Liên minh 14 tháng Ba” của Lebanon. Tuy nhiên, cũng không có tư liệu nào về nguyên nhân vụ nổ này.

Hiện nay, Nga đã chuyển giao cho Syria một phần của bản hợp đồng mua sắm các hệ thống phòng không S-300PMU-2, theo kế hoạch triển khai giai đoạn 1 của hợp đồng. Giai đoạn này, Nga sẽ bàn giao cho Syria các tổ hợp phóng, một số tên lửa và những thiết bị bảo đảm kỹ thuật, vật tư khác.

Máy bay chiến đấu Israel đã nhiều lần đột nhập, tập kích các mục tiêu trong lãnh thổ Syria

Tuy nhiên, các tổ hợp thiết bị đặc biệt quan trọng, có chức năng kết nối các tổ hợp khác thành một thể thống nhất thường được xuất khẩu sau cùng thì Syria vẫn chưa nhận được. Những hệ thống có tính chất quyết định bao gồm: Thiết bị chỉ huy cốt lõi của hệ thống chỉ huy, kiểm soát và chỉ huy chiến đấu; trạm radar và thiết bị đo đạc độ cao.

Tháng 9-2013, Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới (TSAMTO) có trụ sở tại Moscow cũng đưa ra nhận định là Syria đã nhận được lô thiết bị phóng và những tên lửa đầu tiên của hệ thống phòng không tiên tiến S-300PMU-2, nhưng nó không thể sử dụng được vì thiếu hệ thống chỉ huy, kiểm soát và chỉ huy chiến đấu; trạm radar và thiết bị đo đạc độ cao.

Báo cáo của TSAMTO phân tích, nếu chỉ thực hiện hợp đồng được một vài phần đầu, chưa bàn giao tổng thể hệ thống, thì người mua sẽ không thể liên kết các tổ hợp đã nhận lại với nhau, dẫn đến kể cả có thiết bị phóng và tên lửa thì hệ thống cũng không hoạt động được.