Không để người già, trẻ nhỏ ăn xin, bán hàng rong trên các tuyến phố

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không khó để bắt gặp hình ảnh những người già, trẻ nhỏ bán hàng rong xuất hiện trên các tuyến phố ở Hà Nội. Điều đáng nói ở đây là hai nhóm này đều không nằm trong độ tuổi lao động được Nhà nước quy định…

Trả tiền để tránh phiền phức

Gần 12h trưa, tại nút giao thông Xã Đàn - Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa, Hà Nội), một phụ nữ ngoài 30 tuổi, tay bế em bé chỉ chừng hơn 1 tuổi nhếch nhác với chiếc mũ vải xỉn màu nhân lúc các phương tiện dừng đèn đỏ, liên tục kéo tay người này người kia xin tiền. Có người cho, cũng có người không.

Tất cả những ánh mắt đổ dồn vào đứa trẻ đang lả đi dưới cái nắng hè một cách ái ngại và bức xúc. Nếu đó là con của người phụ nữ kia, hẳn chị ta phải biết thương xót chứ? Một người đi đường liền lên tiếng: “Em ơi, cho bé về nhà nghỉ đi không bé ốm đấy”. Ngay lập tức, người phụ nữ quay ngoắt lại và lầu bầu điều gì đó đáp trả. Dù không ai nghe rõ chị ta nói gì, nhưng nhìn ánh mắt và thái độ thì chắc chắn đó không phải là những lời thiện chí. Đèn xanh bật, dòng người lại hối hả chạy trốn cái nắng hơn 40 độ C ngoài trời…

Thanh niên trẻ tuổi nhận bé gái bị bại não là con để bán được hàng

Thanh niên trẻ tuổi nhận bé gái bị bại não là con để bán được hàng

Đi dọc các tuyến phố Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), thỉnh thoảng, khách hàng tại các quán cà phê lại nhận được những lời mời chào mua kẹo cao su, kẹp tóc, bấm móc tay, nhíp… Đa phần người bán đều là phụ nữ nhiều tuổi. Có người bị từ chối thì bỏ đi ngay, nhưng không ít trường hợp nài nỉ, chèo kéo, mời mọc đủ thứ khiến khách hàng cảm thấy khó chịu.

Anh N.V.M (32 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết, anh thường xuyên ngồi uống cà phê trên phố Quán Sứ nên rất hay gặp những người bán hàng rong. “Họ đều đáng tuổi bà, tuổi mẹ nên mình không nói hỗn được, nhưng thực sự rất bực. Cũng nhiều lần mình mua ủng hộ và cũng có khi từ chối. Mà rất buồn cười là khi mình lắc đầu không mua thì lại nhận được lời mỉa mai kiểu “trông ăn mặc không đến nỗi nào mà ki bo”, hoặc “có 10.000 đồng thôi cũng tiếc”. Từ đó mình sinh ra ác cảm với những người bán hàng rong như vậy luôn”.

Cùng câu chuyện với anh M, chị T.H (37 tuổi) cũng chia sẻ sự bức xúc: “Tôi với đồng nghiệp ăn trưa xong thường rủ nhau đi uống cà phê. Việc người ta mời mua hàng rong là chuyện bình thường. Nhưng bực nhất là thái độ của họ, đã bảo không mua rồi nhưng vẫn cố mời nên có khi tôi bỏ tiền ra để mua sự bình yên cho mình, đỡ bị phiền phức”.

Bán hàng rong tại nút giao thông dẫn tới nguy cơ TNGT tăng cao

Bán hàng rong tại nút giao thông dẫn tới nguy cơ TNGT tăng cao

Phóng viên An ninh Thủ đô ghi nhận tại một quán cà phê trên phố Trần Huy Liệu, quận Ba Đình, Hà Nội. Đôi nam nữ đang vui vẻ nói chuyện thì một bé gái xuất hiện mời mua kẹo cao su, tăm bông. Bé gái chỉ khoảng 7 tuổi, ăn mặc có phần lôi thôi. Khi thấy khách hàng từ chối, cô bé không nản lòng mà vẫn tiếp tục nài nỉ. Ái ngại và có vẻ không muốn bị làm phiền, cặp đôi đã rút ví đưa cho bé gái một chút tiền lẻ nhưng không mua gì.

Trái ngược với suy nghĩ rằng người bán sẽ nhận tiền rồi đi ngay, cô bé trả lại tiền rồi lặng lẽ di chuyển đến bàn kế tiếp, nơi có một người đàn ông ngồi một mình. Để mời bằng được người đàn ông mua hàng, bé gái không ngần ngại đấm lưng, bóp vai cho khách. Thật khó lý giải vì sao bé gái chỉ muốn bán được hàng, còn khi cho tiền lại không lấy.

Theo chân một thanh niên đẩy xe lăn cho bé gái bị tật nguyền với chiếc giỏ đựng các loại kẹo. Người này đi tới đâu cũng nói là bán hàng để có tiền nuôi con bị bệnh. Phóng viên An ninh Thủ đô lập tức tiếp cận, hỏi thăm thì được biết bé gái đã 12 tuổi. Trong khi đó, người thanh niên còn rất trẻ, chỉ chưa tới 30 tuổi. Vậy nhưng, người này lại nhận mình là bố của bé gái. Khi thấy phóng viên đưa máy ảnh lên chụp, thanh niên trên liền lấy ô che đi.

Tại ngã tư Giải Phóng - Đại Cồ Việt - Xã Đàn, ở vị trí barie chắn tàu thỉnh thoảng người đi đường lại bắt gặp một nam thiếu niên quấn bông băng ở chân, nửa ngồi nửa đứng giữa trời nắng để xin tiền. Nhìn thấy bộ dạng của anh ta thì ai cũng nghĩ là người khuyết tật và thương cảm cho vài chục nghìn, thậm chí có người cho cả trăm nghìn. Nhưng cũng giống như những trường hợp kể trên, khi được hỏi về gia cảnh thì anh ta không thổ lộ bất cứ thông tin gì.

Người phụ nữ bán hàng rong này đã ngoài 60 tuổi vô tư sang đường, bất chấp nguy cơ TNGT

Người phụ nữ bán hàng rong này đã ngoài 60 tuổi vô tư sang đường, bất chấp nguy cơ TNGT

Những đứa trẻ không có tuổi thơ

Ở thành phố, trẻ em tuổi lên 5 - 7 tuổi vẫn được xem là bé bỏng trong mắt ông bà, bố mẹ. Các bé ngoài giờ đi học được gia đình đưa đi ăn, đi chơi, tham gia các câu lạc bộ ngoại khóa… nhưng với những đứa trẻ hàng ngày đi bán hàng rong, có lẽ trong đầu chúng chỉ có suy nghĩ làm thế nào để bán được nhiều hàng. Đi dọc tuyến phố Nghĩa Tân (Cầu Giấy) vào buổi tối sẽ bắt gặp những đứa trẻ như vậy. Chiếc giỏ nhựa đính dây nilon được đeo vòng qua cổ để toòng teng trước bụng. Vẫn là bật lửa, tăm bông, tăm tre, móc chìa khóa, bấm móng tay, kẹo cao su… Đi qua những nhà hàng, quán ăn... ánh mắt chúng dừng lại đầy khao khát trước hình ảnh một đứa trẻ cùng trang lứa đang được bố mẹ gắp thức ăn vào bát dỗ dành.

Trở lại vấn đề, việc một số người đứng giữa ngã ba, ngã tư xin tiền, hay những người già, trẻ nhỏ lang thang bán hàng rong tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Mặt khác, người bán hàng rong làm mất đi hình ảnh văn minh của một Thủ đô vì hòa bình trong mắt du khách. Chưa hết, việc trẻ em ra đường bán hàng rong có thể phải đối mặt với muôn vàn nguy hiểm như bị lạm dụng hay bị bóc lột. Đồng thời, chúng cũng sẽ rất dễ bị tiêm nhiễm, lôi kéo, sa ngã vào các tệ nạn xã hội.

Vấn nạn trên không phải bây giờ mới diễn ra mà là thực tế ở các khu du lịch, thành phố lớn trong nhiều năm qua. Một số ý kiến cho rằng, việc những người già, trẻ nhỏ đi bán hàng rong là bị “chăn dắt” bởi các nhóm đối tượng đứng đằng sau. Chúng lôi kéo họ, cho chỗ ăn ở và yêu cầu đi bán hàng để được trả lương. Cách đây không lâu, CATP Hà Nội đã phát hiện và xử lý một số đối tượng có hành vi bảo kê, “chăn dắt” người già và trẻ em để ép họ đi ăn xin, bán hàng rong. Sau đó, Hà Nội vắng bóng các đối tượng này và thực sự là một Thủ đô văn minh, chào đón du khách quốc tế và mọi miền Tổ quốc. Tuy nhiên, gần đây tình trạng người lang thang bán hàng rong, trẻ em ăn xin lại xuất hiện tại các ngã tư, góc phố nội, ngoại thành, nhất là tại các điểm tham quan, du lịch đã làm thành phố trở nên nhếch nhác.

Cô gái ngồi uống cà phê dù đã từ chối nhưng người bán hàng rong vẫn cố gắng nài nỉ bằng được

Cô gái ngồi uống cà phê dù đã từ chối nhưng người bán hàng rong vẫn cố gắng nài nỉ bằng được

Theo quy định, hành vi tập hợp, chứa chấp trẻ em để đi ăn xin hoặc thực hiện các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi là một trong những hành vi vi phạm quyền trẻ em. Tổ chức, cá nhân dụ dỗ, lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi có thể bị phạt theo quy định tại Điều 23 Nghị định 144/2013/NĐ-CP, hoặc phạt tù.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, người có hành vi dụ dỗ, lôi kéo người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đọa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp. Việc bắt ép người già, trẻ nhỏ ra đường để ăn xin, bán hàng rong không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây bức xúc trong dư luận. Do đó rất cần sự vào cuộc của lực lượng chức năng trong việc làm rõ những kẻ đứng đằng sau, nhằm bảo đảm quyền lợi, sự an toàn cho những người đang hàng ngày bị lợi dụng, đẩy ra đường kiếm tiền với đầy rẫy nguy cơ rình rập.

Thực hiện nhiều giải pháp phối hợp, hỗ trợ

Ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội

Ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội

Thông tin về công tác bảo trợ xã hội đối với những người khuyết tật, người giả, trẻ em vô gia cư trên địa bàn Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã tiếp nhận được 266 lượt người lang thang xin tiền, trong đó có 18 đối tượng là trẻ em dưới 16 tuổi, 65 đối tượng là người cao tuổi, 35 đối tượng là người khuyết tật và 140 đối tượng trong độ tuổi lao động.

Trợ giúp xã hội là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa chính trị - xã hội - kinh tế quan trọng, là nền tảng thực hiện công bằng xã hội, góp phần phát triển bền vững. Trong nhiều năm qua, Hà Nội luôn là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, trong đó việc nâng cao nhận thức cá nhân, cộng đồng xã hội trong thực thi công tác trợ giúp xã hội đối với người ăn xin, lang thang. Người lang thang xin ăn, xin tiền được đưa đến các cơ sở trợ giúp xã hội; người tâm thần lang thang, người lang thang ốm yếu suy kiệt được đưa đến cơ sở y tế. Tuy nhiên thời gian gần đây, xuất hiện một số đối tượng (bao gồm cả người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em…) bán hàng rong kết hợp xin tiền tại các ngã ba, ngã tư gây cản trở giao thông. Khi phát hiện đối tượng có hành vi xin tiền, nhân viên Đội trật tự xã hội tiếp cận để đưa về cơ sở trợ giúp xã hội, tuy nhiên gặp phải sự chống đối của đối tượng hoặc các đối tượng khác (bảo kê).

Thực hiện Quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 17-4-2023 của UBND TP Hà Nội về việc thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn thành phố (thay thế Quyết định số 6053/QĐ-UBND ngày 29-8-2017 của UBND TP) và Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 29-5-2019 của UBND TP Hà Nội về phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi đeo bám, chèo kéo khách, xâm phạm sở hữu tài sản của du khách tại các điểm du lịch trên địa bàn, hiện Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đang phối hợp với CATP Hà Nội và các Sở Y tế, VH-TT&DL để triển khai, hướng dẫn các địa phương, đơn vị về phối hợp, giải quyết tình trạng người lang thang trên địa bàn thành phố Hà Nội, góp phần đảm bảo trật tự xã hội, mỹ quan đô thị.

An Nhiên (ghi)

Xử lý liên tục, triệt để tình trạng người bán hàng rong, lang thang ăn xin

Luật sư Giang Hồng Thanh

Luật sư Giang Hồng Thanh

Thực trạng người ăn xin xuất hiện tại các nút giao thông ở Hà Nội như khu vực Cầu Giấy, Bắc - Nam Từ Liêm, Thanh Xuân và nhiều địa điểm khác là hiện tượng khá phổ biến. Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần chấn chỉnh nhưng tình trạng này vẫn không giảm, thậm chí ngày càng gia tăng. Chúng ta dễ dàng chứng kiến hình ảnh những ông bà già, trẻ em ăn mặc nhếch nhác tràn xuống đường chèo kéo bán hàng rong, xin tiền gây cản trở, nguy hiểm cho người tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự và mỹ quan đô thị.

Đa phần người lang thang, ăn xin, bán hàng rong là nhóm người yếu thế trong xã hội. Họ có thể là người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, người không còn khả năng lao động... Họ có hoàn cảnh khó khăn, túng quẫn, không còn chỗ nương thân cần trợ giúp thực sự. Tuy nhiên lợi dụng hoàn cảnh thương tâm của họ, nhiều đối tượng đã tổ chức “chăn dắt, bảo kê, khiến cho nhiều người đi ăn xin bị lệ thuộc rồi bất lực, cam chịu làm theo. Ngoài ra, cũng có những người không quá khó khăn, vẫn còn khả năng tìm kiếm việc làm nhưng do lười lao động nên giả dạng ăn xin để người khác thương tình giúp đỡ.

Pháp luật nước ta hiện nay không nghiêm cấm người ăn xin. Trẻ em, người lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú còn được đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội để được chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15-3-2021 của Chính phủ. Điều đáng lên án là hành vi của các đối tượng “chăn dắt”, tổ chức thực hiện việc ăn xin để trục lợi. Hành vi “chăn dắt” người ăn xin, lang thang, là hành vi vừa vi phạm pháp luật, vừa vi phạm đạo đức, là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Để giải quyết được tình trạng ăn xin, lang thang, bên cạnh những chính sách an sinh của cả hệ thống chính trị, thì cơ quan có thẩm quyền cần mạnh tay xử lý những người chuyên hành nghề “chăn dắt”. Vậy chế tài nào để xử lý đối với những kẻ “chăn dắt”, lợi dụng người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em để tổ chức hoạt động bán hàng rong, ăn xin hòng trục lợi?

Theo các văn bản luật hiện nay như Luật Trẻ em, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, thì hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc nhóm đối tượng này có các việc làm vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, là hành vi bị nghiêm cấm. Người thực hiện hành vi này tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả xảy ra sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự. Chẳng hạn như hành vi tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn sẽ bị xử phạt theo điểm a, khoản 2, Điều 23 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30-12-2021 với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Hoặc hành vi lợi dụng tình trạng của người khuyết tật để trục lợi cũng sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng theo khoản 3, Điều 11 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP.

Trong trường hợp những kẻ “chăn dắt” có hành vi đối xử tàn ác, bắt ép người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật làm việc nặng nhọc, độc hại hoặc đánh đập, gây thương tích để buộc họ phải đi ăn xin, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng như tội “Cố ý gây thương tích” (Điều 134 Bộ luật Hình sự), “Làm nhục người khác” (Điều 155 Bộ luật Hình sự), “Hành hạ người khác” (Điều 140 Bộ luật Hình sự) nếu hành vi của người đó đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Còn đối với người ăn xin đi bán hàng rong mà sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để bày, bán hàng hóa... có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại khoản 5, Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019.

Như vậy, pháp luật nước ta đã có những quy định tương đối đầy đủ, cụ thể về việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người ăn xin cũng như người lợi dụng người yếu thế để trục lợi thông qua việc dụ dỗ, ép buộc người yếu thế ăn xin. Tuy nhiên nếu như việc xử lý không được thực hiện thường xuyên, liên tục, triệt để, thì hiện tượng người ăn xin tràn lan trên các con đường, tuyến phố sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng Luật sư Giang Thanh