8 loại tên lửa Nga giúp quân đội Trung Quốc vươn lên tầm thế giới (Kỳ 1)

Không có trí tuệ Nga, tên lửa Trung Quốc vẫn mò mẫm trong bóng tối

ANTĐ - Theo tài liệu của Tổng công ty tên lửa chiến thuật Nga (KTRV), hiện nay có 10 loại tên lửa Nga đang làm nòng cốt trong các lực lượng vũ trang Trung Quốc, trong đó có 8 loại đặc biệt đáng chú ý.

Trung Quốc ồ ạt mua sắm nhiều loại tên lửa Nga

Theo KTRV, ngoài những khách hàng nhỏ, hiện nay những đối tác mua tên lửa với số lượng lớn của Nga bao gồm Pháp, Trung Quốc, Việt Nam… Năm 2013, Trung Quốc đã ký một hợp đồng trị giá 50 triệu USD với Nga mua một lô tên lửa chống hạm/chống bức xạ Kh-31A/P, thời hạn hoàn tất giao hàng vào năm 2015. Còn Pháp đề nghị mua của Nga một số lượng lớn tên lửa Kh-31P trị giá 36,8 triệu USD để trang bị trên các máy bay chiến đấu Rafale mà họ bán cho Ấn Độ.

Ngoài ra, phía Trung Quốc còn đề nghị cục thiết kế Raduga cung cấp 1 lô tên lửa hành trình chống hạm dẫn đường bằng radar chủ động Kh-59MK và tên lửa chống bức xạ thế hệ mới nhất Kh-58UShKE. Tổng trị giá của hợp đồng này cũng là 50 triệu USD, thời hạn chót bàn giao tên lửa cho phía Trung Quốc là năm 2015.

Cả 3 loại tên lửa Trung Quốc mới mua sắm đều thuộc những phiên bản nâng cấp mạnh nhất so với nguyên mẫu. Tên lửa hành trình chống hạm dẫn đường bằng radar chủ động Kh-59MK có tầm bắn lên tới 285km, tên lửa chống bức xạ siêu tốc thế hệ mới nhất Kh-58USHKE có tầm bắn 245km, còn tên lửa hành trình chống hạm thế hệ mới nhất Kh-31AD có tầm phóng tối đa từ 180-250km.

Không có trí tuệ Nga, tên lửa Trung Quốc vẫn mò mẫm trong bóng tối ảnh 1

Máy bay chiến đấu Su-30 của Nga phóng tên lửa Kh-31P

20 năm trở lại đây, thông qua mua sắm và hấp thụ hàng loạt công nghệ tên lửa chiến thuật tiên tiến của Nga, nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã vay mượn được số lượng lớn nguồn lực trí tuệ của Nga, nâng cao rất nhiều nền tảng công nghệ và trình độ kỹ thuật trong lĩnh vực tên lửa chiến thuật.

Một số phương tiện truyền thông phương Tây cho rằng, chính những công nghệ Nga đã giúp nền công nghiệp sản xuất tên lửa lạc hậu của Trung Quốc có những bước tiến vượt bậc, trong vòng có 20 năm đã đột phá công nghệ qua 2 thế hệ tên lửa. Một số chuyên gia quân sự Nga cũng nhận định, nếu không đánh cắp được trí tuệ Nga thì hiện nay tên lửa Trung Quốc vẫn đang còn mò mẫm trong bóng tối.

Một điều dễ dàng nhìn thấy là hiện nay, năng lực tác chiến tên lửa của các quân binh chủng hải, lục, không quân Trung Quốc đều dựa vào các tên lửa Nga, nếu không cũng là sản xuất theo chuyển giao công nghệ Nga, thậm chí là nhái theo nguyên bản Nga. Lấy ví dụ tên lửa chống bức xạ Kh-31P và Kh-58USHKE có thể giúp không quân Trung Quốc tấn công phá hủy các radar phòng không của kẻ địch từ nhiều hướng, nhiều cự ly.

Không có trí tuệ Nga, tên lửa Trung Quốc vẫn mò mẫm trong bóng tối ảnh 2

Tên lửa Kh-31A lắp đặt trên máy bay chiến đấu Su-30

Ngoài ra, hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU2 giúp lực lượng tên lửa phòng không Trung Quốc có bước nhảy vọt về chất, khi mà trước đó, Trung Quốc chỉ có loại tên lửa phòng không cũ kỹ Hồng Kỳ-2 (HQ-2) sản xuất theo công nghệ vài chục năm về trước; hệ thống tên lửa chống hạm Club-S 3M-54E trên tàu ngầm Kilo 877EKM và 636MK giúp Trung Quốc lần đầu tiên có năng lực tác chiến đối hạm rất mạnh từ dưới nước.

Tầm quan trọng của tên lửa Nga trong quân đội Trung Quốc

Tầm quan trọng của tên lửa Nga không những thể hiện ở khía cạnh nó là một loại vũ khí bảo vệ đất nước Trung Quốc mà còn có tác dụng rất lớn đối với ngành công nghiệp sản xuất tên lửa của nước này. Mua sắm các loại tên lửa chiến thuật giúp Trung Quốc lần đầu tiên được tiếp xúc với những lý luận tên lửa tiên tiến của Nga, giúp các nhà chế tạo tên lửa của họ có cơ hội giải mã những tinh hoa công nghệ tên lửa, nắm được hết những bí quyết sản xuất tên lửa chiến thuật.

Dựa trên cơ sở các loại tên lửa phóng từ máy bay của Nga như Kh-31, Kh-58, Kh-59, R-27, R-73, R-77, Trung Quốc đã mô phỏng và chế tạo hàng loạt các loại tên lửa dùng cho máy bay chiến thuật, tiêu biểu là các tên lửa không đối không thế hệ PL, các tên lửa tấn công mặt đất ngoài khu vực phòng không thế hệ KD, các tên lửa hành trình chống hạm thế hệ YJ-6, YJ-7, YJ-8 (C-60X, C-70X và C-80X)…

Không có trí tuệ Nga, tên lửa Trung Quốc vẫn mò mẫm trong bóng tối ảnh 3

Tên lửa chống bức xạ thế hệ mới Kh-58UShKE

Trung Quốc đang sử dụng khá nhiều tên lửa không đối đất và không đối hạm của Nga. Các máy bay Su-27 và Su-30 còn đang sử dụng các loại tên lửa chiến thuật tầm ngắn Kh-29L/T, Kh-31A/P, tên lửa tầm trung Kh-35E và “tên lửa tấn công ngoài khu vực phòng không” Kh-59MK.

Kh-35E có tầm bắn 130km, thường được sử dụng tấn công khu trục hạm khoảng 5000 tấn trở xuống, còn Kh-59MK là thế hệ tên lửa siêu âm tầm xa gần 300km, có khả năng tấn công nhóm tàu cỡ 1 vạn tấn của biên đội hộ vệ tàu sân bay. Từ nguyên mẫu của Kh-59MK, Trung Quốc cũng đã chế tạo thành công phiên bản “nhái” là KD-88.

Việc Nga bán và chuyển giao công nghệ sản xuất hệ thống tên lửa phòng không dã chiến Tor-M1 (phiên bản Trung Quốc là YJ-17) đã giúp Trung Quốc có trong tay phương tiện phòng không dã chiến mạnh nhất thế giới, đồng thời tạo cơ sở công nghệ cho họ nghiên cứu chế tạo các hệ thống tên lửa phòng không tầm trung khác như HQ-12, HQ-16…

Không có trí tuệ Nga, tên lửa Trung Quốc vẫn mò mẫm trong bóng tối ảnh 4

Hệ thống tên lửa phòng không tầm cao, xa S-300

Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, Trung Quốc đang bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo tên lửa phòng không thế hệ mới là Hồng Kỳ-9 (HQ-9). Nhập khẩu được những hệ thống phòng không tiên tiến S-300 của Nga đã giúp Trung Quốc tiếp cận với những công nghệ hiện đại, giúp họ đột phá qua những nút thắt công nghệ, chế tạo thành công hệ thống tên lửa phòng không tầm cao, tầm xa quốc nội HQ-9.

Từ đây, Trung Quốc tiếp tục cải tiến, chế tạo hệ thống phòng không HQ-9 phiên bản trên hạm Hải Hồng Kỳ-9 (HHQ-9) và cho ra đời hàng loạt các tàu khu trục phòng không hạng nặng Type 052C/D được mệnh danh là “lá chắn thần Trung Hoa”, nâng khả năng phòng không nói chung và phòng không hạm nói riêng của Trung Quốc lên một tầm cao mới.

Không có trí tuệ Nga, tên lửa Trung Quốc vẫn mò mẫm trong bóng tối ảnh 5

Hệ thống tên lửa phòng không tầm cao, xa HQ-9 Trung Quốc

Các chuyên gia quân sự phương Tây đánh giá, tên lửa Nga đã giúp Trung Quốc có những đột phá vượt bậc, giúp họ rút ngắn khoảng cách vài chục năm về công nghệ tên lửa, cùng với Mỹ, Nga trở thành Top 3 cường quốc tên lửa thế giới hiện nay. Có thể nói là, chính người Nga đã trao cả trí tuệ của mình cho nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, giúp họ tạo nên bước nhảy thần kỳ về chất.

Đánh giá lại những vấn đề này để thấy rằng, tên lửa Nga có vai trò quan trọng như thế nào trong những thành tựu công nghệ tên lửa hiện nay của Trung Quốc. Không những thế, nắm được bí quyết, mô phỏng thành công tên lửa Nga mà không phải mất thời gian, công sức và tiền bạc nghiên cứu đã khiến Trung Quốc giảm giá thành sản phẩm tối đa, đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí tên lửa trên thế giới, đánh chiếm thị trường truyền thống của chính Nga.