Khơi dòng nội lực

ANTĐ - Định hướng lớn của Cuba trong cải cách cơ cấu nền kinh tế tiếp tục được cụ thể hóa khi Chính phủ nước này thông báo quyết định tăng thêm 18 ngành nghề được hoạt động trong lĩnh vực kinh tế tự doanh.

Một khu chợ buôn bán ở Cuba

Trong số các ngành nghề mới mà tư nhân được phép kinh doanh theo quyết định mới này, đáng chú ý là nghề môi giới bất động sản, nhân viên dịch vụ và sửa chữa thiết bị viễn thông, các thiết bị đo lường, nhân viên bưu chính… Với quyết định mở rộng này, số lượng ngành nghề mà tư nhân được phép hoạt động đã tăng lên 201 ngành nghề. 

Mở rộng thành phần kinh tế tự doanh, sắp xếp lại lực lượng lao động là những chính sách quan trọng trong khuôn khổ lộ trình cập nhật mô hình kinh tế mà Đại hội VI của Đảng Cộng sản Cuba đề ra hồi đầu năm 2011. Theo lộ trình này, Cuba đã ban hành một số quy định mới trong lĩnh vực tín dụng và ngân hàng nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh của thành phần kinh tế tư nhân; cho phép bán trực tiếp các sản phẩm nông nghiệp tới các cơ sở dịch vụ du lịch, góp phần giảm bớt thất thoát và đơn giản hóa mối quan hệ giữa cơ sở sản xuất với người tiêu dùng. 

Đặc biệt, Cuba còn ban hành sắc lệnh mở cửa thị trường bất động sản, cho phép người dân nước này và công dân nước ngoài định cư tại Cuba có thể mua bán và chuyển nhượng tự do quyền sở hữu nhà ở. Bắt đầu từ năm 2012, chương trình cải cách các doanh nghiệp nhỏ được mở rộng, những người hiện đang làm nghề mộc, nội thất, luyện kim, chụp ảnh... và điện tử trong các doanh nghiệp nhà nước được tự do kinh doanh.

Các con số thống kê cho thấy đến nay đã có 437 nghìn người Cuba được cấp phép kinh doanh trong nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó tập trung chủ yếu là dịch vụ ăn uống, vận tải hàng hóa và hành khách, cho thuê nhà. Điều đó sẽ giúp tạo ra khoảng 1,5 triệu việc làm trong những năm tới.

Sức hấp dẫn của thị trường Cuba đã tăng lên mà bằng chứng là sự quan tâm của các đối tác bên ngoài. Chỉ riêng với Canada, đã có 3 ngân hàng lớn của nước này là Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC), Ngân hàng quốc gia Canada (NBC) và Ngân hàng Nova  Scotia mong muốn xây dựng các mối quan hệ làm ăn với Cuba. Mới đây, Ngân hàng Nova Scotia đã nộp đơn xin thành lập một văn phòng đại diện tại Thủ đô La Habana.

Tất nhiên, quá trình cập nhật mô hình kinh tế mới của Cuba không phải không có những trở ngại. Mới đây, Chính phủ Cuba đã phải đưa ra một số điều chỉnh nhằm chấn chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực kinh tế tư nhân. Theo đó, các cửa hàng tư nhân bán quần áo không được tiếp tục kinh doanh hàng hóa may mặc nhập khẩu mà chỉ được bán hàng hóa sản xuất trong nước. Những người bán hàng rong cũng không được phép mua các sản phẩm trong các siêu thị của nhà nước để bán lẻ ra ngoài ăn chênh lệnh. 

Vẫn còn những khó khăn nhưng tính đúng đắn của định hướng khơi dậy nội lực của Cuba đang được thực tế khẳng định.